DNVN – Dự phiên họp tại tổ của Quốc hội ngày 26/10 về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra nhiều chỉ đạo, định hướng quan trọng, trong đó yêu cầu đẩy nhanh nghiên cứu, phát triển điện hạt nhân.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nhu cầu năng lượng đang trở thành một trong những vấn đề trụ cột và đột phá để phát triển đất nước.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện nay chúng ta đang đứng trước thách thức thiếu điện trầm trọng. Vừa qua có một số nhà đầu tư đã nghiên cứu và dự tính, nếu Việt Nam phát triển như thế này thì độ vài năm nữa thiếu điện mà không xử lý được thì sẽ không đầu tư vào Việt Nam.
“Làm thế nào để đáp ứng đủ nguồn năng lượng để phát triển? Đây là một câu hỏi, luật phải đáp ứng được yêu cầu”, Tổng Bí thư nêu.
Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra nhiều chỉ đạo, định hướng quan trọng liên quan đến xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi). (Ảnh: Quochoi.vn)
Bên cạnh việc đảm bảo cung ứng điện, Tổng Bí thư nêu lên thách thức về điện sạch, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng tiêu chuẩn điện sạch, sản phẩm sẽ bị đánh thuế cao và gặp khó khăn cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Điện sạch là điều kiện thiết yếu để tham gia cuộc chơi toàn cầu. Không thể tồn tại nếu tiếp tục phụ thuộc vào nhiệt điện than và các nguồn năng lượng lạc hậu,” Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng chỉ ra bất cập trong việc phân phối điện giữa các khu vực. Trong khi một số tỉnh sản xuất điện nhưng dân cư địa phương không được sử dụng đủ, nhiều tỉnh không sản xuất điện lại tiêu thụ ở mức cao. Ông đề cập đến hiệu quả của đường dây 500 KV mạch 3 đã điều phối điện từ miền Trung và miền Nam ra miền Bắc, giúp cân bằng cung cấp điện cho cả nước.
Nhắc lại chủ trương mới của Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Bây giờ là mục tiêu phát triển, điện sạch cũng cân đối tất cả các nguồn. Điện gió có thuận lợi, điện mặt trời có thuận lợi, khó khăn… thì làm gì để mục tiêu năm 2045 đủ điện được? Phải phát triển điện hạt nhân, thế giới người ta cũng đang làm như thế.
Trước đây ta có chủ trương rồi nhưng vì lý do này kia chúng ta tạm dừng lại. Vừa rồi Hội nghị Trung ương 10 nhất trí phải khởi động lại, phải có chủ trương nghiên cứu về vấn đề này để xin ý kiến Quốc hội. Phải có chủ trương thì ít nhất 5-10 năm nữa may ra mới lại có nhà máy điện hạt nhân. Còn nếu mà không có nữa thì đến năm 2045 không kịp”, Tổng Bí thư phân tích.
Vì thế, theo Tổng Bí thư, để giải quyết “tất cả những vấn đề đó, những bất cập đó thì Luật điện lực (sửa đổi) phải định hướng, phải cụ thể hóa những chủ trương của Đảng. Phải đưa pháp lý làm sao để bảo đảm được yêu cầu đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, nhu cầu điện của quốc gia phát triển, điều tiết, quy hoạch thế nào, Quy hoạch điện VIII, điện IX như thế nào. Phải bảo đảm được nguồn điện sạch…
Tổng Bí thư khẳng định, thời gian không cho phép sự trì hoãn; cần các bước hành động nhanh, đồng bộ trong khảo sát, giải phóng mặt bằng, và lựa chọn công nghệ, tài chính. Để sớm đạt mục tiêu phát triển năng lượng, Việt Nam phải có tầm nhìn và sự chủ động, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm nước ngoài. Luật Điện lực (sửa đổi) cần định hướng rõ ràng nhằm bảo đảm nguồn điện ổn định, bền vững và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Minh Thu
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/day-nhanh-nghien-cuu-phat-trien-dien-hat-nhan/20241027100003625