Động viên, khuyến khích bộ đội đọc sách vào ngày nghỉ, giờ nghỉ là một trong những nội dung được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Gia Lai triển khai, góp phần giáo dục, định hình nhân cách quân nhân. Theo Thượng tá Đinh Hữu Ninh, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, đọc sách, báo, tạp chí giúp bộ đội có thêm kiến thức, bồi đắp đời sống tinh thần, từ đó nâng cao ý thức, kỷ cương, hạn chế tiếp xúc với những tệ nạn xã hội bên ngoài, tạo động lực để thi đua, luyện rèn thể chất, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”.
Để xây dựng thói quen đọc sách, các đồn biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động đã triển khai nhiều mô hình như: “Sách ở đầu giường chiến sĩ”, “Câu lạc bộ đọc sách, báo”, “Hộp báo thao trường”…
Trong đó, mô hình “Mỗi tuần một cuốn sách” được tổ chức hiệu quả, từng bước hình thành văn hóa đọc ở đơn vị, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, nâng cao hiểu biết, đồng thời giáo dục ý thức, trách nhiệm cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ. Điểm nhấn của mô hình trên là mỗi tuần lựa chọn một cuốn sách hay để giới thiệu trong chương trình truyền thanh nội bộ và mục “Sách hay mỗi ngày” trên trang Zalo, Facebook của đơn vị, nhằm định hướng cho bộ đội đăng ký mượn, đọc sách tại thư viện, phòng đọc. Một trong những kết quả tích cực là từ khi triển khai mô hình đến nay, đã có hơn 1.250 lượt cán bộ, chiến sĩ đăng ký mượn, đọc hơn 1.600 lượt cuốn sách ở nhiều thể loại.
Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đọc sách báo của cán bộ, chiến sĩ, các đồn Biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động đã trích một nguồn kinh phí nhất định để tu sửa Phòng Hồ Chí Minh, xây dựng, củng cố phòng đọc, “nhà sinh hoạt đồng đội”, “tủ sách pháp luật”, “ngăn sách pháp luật”… để bộ đội có không gian đọc sách thoải mái, gần gũi tìm kiếm thông tin đem lại hiệu quả cao trong học tập, huấn luyện.
Đến nay, phòng đọc của Thư viện Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai có khoảng 2.500 đầu sách với hơn 3.000 bản sách và lượng sách luân chuyển giữa các Phòng Hồ Chí Minh, tủ sách báo pháp luật của các đồn biên phòng…. Ngoài những đầu sách phục vụ công tác huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, phòng đọc, Phòng Hồ Chí Minh của các đơn vị còn có những loại sách lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, pháp luật, y học…
Thiếu tá Phan Công Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Puch cho biết, những năm gần đây, đơn vị đã tăng cường đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất cho hệ thống phòng đọc, Phòng Hồ Chí Minh, gắn phong trào đọc sách báo với mô hình “Hộp báo thao trường”; “Mỗi tuần một điều luật”; “Mỗi tuần một câu hỏi một đáp án”. Thông qua những hoạt động này đã đáp ứng tốt nhu cầu đọc, tìm hiểu thông tin, học tập, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, kiến thức và trình độ mọi mặt cho bộ đội…
Chia sẻ với chúng tôi, Binh nhất Lê Thế Đức, chiến sĩ Văn phòng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Theo thường lệ, cứ hết giờ thực hiện nhiệm vụ canh phòng hay tăng gia là mấy anh em chiến sĩ lại tìm lên thư viện để tìm hiểu, nghiên cứu thêm các thông tin, kiến thức cần quan tâm như: Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng giao tiếp, bí quyết để thành công… nó đã trở thành thói quen của chúng tôi từ lúc nào cũng không biết”.
Tri thức sách, báo đã đem lại nhiều hiệu quả giáo dục, định hướng tư tưởng cho bộ đội; đồng thời, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ tìm đọc những cuốn sách có giá trị, nhất là các đầu sách về pháp luật, truyền thống Quân đội, truyền thống đơn vị… từ đó xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tạo thêm động lực phấn đấu, rèn luyện, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; đồng thời qua đó xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh, ý chí và niềm tin để “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỮU QUYẾT