Tổng thống Philippines thưởng thức phong vị Tết Việt ở Hoàng thành Thăng Long, Tổng thống Đức tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám và uống cà phê trong ngõ Hà Nội là hai sự kiện mới nhất trong chuỗi hoạt động ngoại giao văn hóa tạo dấu ấn đặc sắc của Việt Nam trong năm Quý Mão.
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ nhân dịp đón năm mới Giáp Thìn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cho biết các hoạt động ngoại giao văn hóa của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước trong năm qua đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Việt Nam và các nước bạn.
* Trong chuyến thăm Áo, Ý, Vatican tháng 7-2023 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có một hoạt động ngoại giao văn hóa đặc biệt: nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, nhạc trưởng Trần Nhật Minh cùng nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã biểu diễn hòa nhạc kết hợp âm nhạc hàn lâm phương Tây và âm nhạc Việt Nam. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về hiệu quả của hoạt động ngoại giao văn hóa này?
– Ngoại giao văn hóa luôn là một quá trình tương tác hai chiều. Trong các hoạt động đối ngoại, việc lồng ghép biểu diễn âm nhạc vào trong chuyến thăm của lãnh đạo các quốc gia không phải là mới. Tuy nhiên, điểm mới và hết sức lý thú là trong chuyến thăm vừa qua, các nghệ sĩ của chúng ta đã kết hợp âm nhạc hàn lâm phương Tây và âm nhạc truyền thống Việt Nam, từ đó tạo ra một bữa “đại tiệc” âm nhạc giúp kết nối, hòa quyện hai nền văn hóa.
Các nghệ sĩ Việt Nam tham gia trình diễn buổi hòa nhạc trong cung điện Phủ Tổng thống Ý tối 26-7-2023 – Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp
Các nghệ sĩ tài năng của chúng ta đã khéo léo mượn chính “ngôn ngữ âm nhạc” của bạn để kể câu chuyện về văn hóa Việt Nam, từ đó thông điệp truyền tải được tiếp nhận một cách tự nhiên và đầy cảm xúc. Buổi biểu diễn khắc sâu hơn ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam trong lòng người dân Áo. Chương trình được yêu thích và phải kéo dài thêm 40 phút để đáp lại sự hưởng ứng nhiệt tình từ khán thính giả Áo. Sự hưởng ứng của công chúng chính là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện nền âm nhạc của chúng ta đã và đang hội nhập quốc tế sâu rộng, tiếp thu tinh hoa nhân loại, làm giàu kho tàng âm nhạc dân tộc.
Có thể khẳng định rằng hoạt động ngoại giao văn hóa này đã được lựa chọn khéo léo, rất phù hợp với đặc trưng văn hóa của nước đối tác, đem lại ấn tượng sâu sắc, trở thành điểm nhấn đẹp về văn hóa, nghệ thuật trong bức tranh thành công toàn diện của chuyến công tác. Những hoạt động văn hóa như vậy cần được tiếp tục phát huy.
Từ trái qua, trên xuống: Trưa 23-1, không lâu sau khi đặt chân đến Hà Nội, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cùng phu nhân đã đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (giữa) chụp ảnh cùng đồng bào dân tộc Tày trong không gian Tết cổ truyền ba miền, ảnh chụp tháng 1-2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã cùng đạp xe dạo phố Hà Nội. Trong trang phục giản dị, hai thủ tướng đã dạo qua một số phố của thủ đô như Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ vào ngày 2-11-2023. Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone thăm chính thức Việt Nam, chiều 7-1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân, cùng Thủ tướng Sonexay Siphandone và phu nhân đã thăm đền Ngọc Sơn, dạo ngắm hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
* Việt Nam cũng khéo léo quảng bá văn hóa đất nước qua các hoạt động đón tiếp lãnh đạo nước ngoài, tạo sự lan tỏa như: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thưởng trà, ngắm hoa sen, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier uống cà phê trong ngõ Hà Nội, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr thưởng thức phong vị Tết Việt ở Hoàng thành Thăng Long… Những ý tưởng này đến từ đâu?
– Văn hóa là con đường ngắn nhất từ trái tim đến trái tim, là nhịp cầu hữu hiệu kết nối với các dân tộc khác thông qua việc chia sẻ những nét đẹp, giá trị và truyền thống của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Mỗi ý tưởng, mỗi sự kiện ngoại giao văn hóa được tổ chức đều xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào về văn hóa Việt Nam, với mong muốn thể hiện một hình ảnh Việt Nam thân thiện, hòa bình, hợp tác với các quốc gia trên thế giới, cũng như mong muốn chia sẻ những giá trị văn hóa của mình và học hỏi, tôn trọng những giá trị văn hóa của các quốc gia khác.
Các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao Việt Nam không chỉ là những cuộc gặp gỡ chính trị, kinh tế, mà còn là những dịp để thể hiện sự hiếu khách, thân thiện của người Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà sau buổi hội đàm ngày 12-12-2023 – Ảnh: TTXVN
Hình ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thưởng thức trà, đàm đạo với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc dạo bờ hồ; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng thư pháp “Chân thành, Tình cảm, Tin cậy” cho Thủ tướng Nhật Bản; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng sách cho Chủ tịch Quốc hội Cuba… đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Việt Nam và các nước bạn.
Việc tổ chức những sự kiện ngoại giao văn hóa và trải nghiệm gần gũi với văn hóa địa phương thể hiện sự kết nối và hiểu biết giữa Việt Nam và các quốc gia khác ở nhiều mặt. Trước hết, đó là sự quan tâm và tôn trọng của Việt Nam đối với các nền văn hóa khác, cũng như sự tự hào và tự tin về bản sắc văn hóa Việt Nam. Thứ hai là sự khám phá và tận dụng những điểm tương đồng cũng như sự đa dạng văn hóa giữa các quốc gia, góp phần tăng cường, thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc. Thứ ba là gửi đi thông điệp về sự phát triển và hội nhập của Việt Nam, cũng như mong muốn hợp tác với các quốc gia khác trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko thưởng thức cà phê Việt Nam vào tháng 12-2023 – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
*Ông định vị ngoại giao văn hóa Việt Nam hiện tại ở đâu?
– Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và toàn diện, cộng đồng thế giới hiểu về đất nước, văn hóa, con người và chủ trương, chính sách tiến bộ của Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và sức mạnh tổng hợp quốc gia. Do vậy, Chiến lược ngoại giao văn hóa đến 2030 đã xác định ngoại giao văn hóa là một trụ cột quan trọng của công tác đối ngoại thực hiện nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cùng nhau làm gốm tại làng nghề gốm Chu Đậu (tỉnh Hải Dương). Tổng thống Tokayev thăm Việt Nam từ ngày 20 đến 22-8-2023 theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam trên cương vị mới, cũng là chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam của một tổng thống Kazakhstan sau 12 năm – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thời gian qua, ngoại giao văn hóa được triển khai bài bản, rộng khắp, đông đảo về lực lượng, đa dạng về thành phần và phong phú về nội dung. Điểm nổi bật nhất là ngoại giao văn hóa ở cấp cao, đặc biệt do bốn vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội chủ trì và thực hiện. Các hoạt động này đã tạo nên những đột phá, gia tăng tin cậy chính trị giữa ta với các đối tác.
Ngoại giao văn hóa thực sự là vũ khí tâm công sắc bén, đã góp phần hoàn thành các mục tiêu đối ngoại, đồng thời khiến các đối tác cảm phục khí phách, cốt cách của dân tộc ta. Từ đó, các đối tác tôn trọng ta, chia sẻ và ủng hộ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, tự lực tự cường, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước ta.
* Ngoại giao văn hóa được xem là công cụ đắc lực của “quyền lực mềm” (hay sức mạnh mềm) của quốc gia. Chúng giúp Việt Nam đạt được những lợi ích cụ thể gì cho quốc gia và người dân, thưa ông?
– Nếu “quyền lực mềm” là một cái cây, thì ngoại giao văn hóa là bộ rễ vì nó chuyển hóa sức mạnh của nền văn hiến hơn 4.000 năm của dân tộc ta thành sức mạnh mềm của quốc gia ngày nay. Đồng thời, ngoại giao văn hóa cũng là những bông hoa kết tinh và tỏa hương thơm đưa những giá trị văn hóa Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế.
Đoàn Việt Nam tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 Công ước Di sản thế giới, kỳ họp có kết quả bỏ phiếu ngày 22-11-2023 cho thấy Việt Nam lần thứ hai trúng cử Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 – 2027 – Ảnh: Bộ Ngoại giao
Năm 2023, ngoại giao văn hóa đã góp phần gia tăng sức mạnh mềm quốc gia, nâng cao hình ảnh, thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế khi UNESCO công nhận Cát Bà là Di sản thế giới, đưa Hội An và Đà Lạt vào Hệ thống các thành phố sáng tạo và vinh danh danh y Hải Thượng Lãn Ông. Vị thế và sức ảnh hưởng của Việt Nam được nâng tầm khi Việt Nam đảm nhiệm trọng trách phó chủ tịch Đại hội đồng UNESCO và được tín nhiệm bầu làm thành viên Ủy ban Di sản thế giới, là thành viên của 5/5 cơ chế quan trọng của UNESCO. Việt Nam đã nằm trong nhóm các quốc gia đóng vai trò then chốt trong quyết định các vấn đề của UNESCO cũng như các hồ sơ đệ trình để công nhận, cũng như bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới tại các quốc gia thành viên UNESCO.
Là nước đang phát triển nhưng thương hiệu của Việt Nam đứng thứ 32/193 quốc gia. Tháng 11 vừa qua, Nhật Bản đã mở cấp e-visa cho khách du lịch Việt Nam, Hàn Quốc nới lỏng yêu cầu khi cấp visa lao động cho 16 nước, trong đó có Việt Nam.
Trưa 3-6-2023, chuyên cơ chở Thủ tướng Úc Anthony Albanese và đoàn đại biểu Úc hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 4-6 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ngay khi đến Việt Nam, Thủ tướng Úc đã đến một cửa hàng bia hơi Hà Nội và ăn trưa – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đối với địa phương và người dân trong nước, 60 danh hiệu vinh danh của UNESCO không chỉ gia tăng lòng tự hào của người dân mà còn là uy tín, hình ảnh của địa phương. Ninh Bình, với việc phát huy các giá trị di sản trong đó Di sản thế giới Tràng An là nòng cốt, đã thực hiện hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, trong lực lượng lao động của tỉnh chỉ còn 10% người làm nông nghiệp, 45% làm tại các khu công nghiệp và 45% làm du lịch. Nông nghiệp cũng tập trung vào những sản phẩm sạch, đặc thù, đặc hữu, đặc sản phục vụ du lịch. Doanh thu du lịch năm 2023 nhảy vọt, gấp đôi mức doanh thu năm 2019.
Như vậy, thành quả của ngoại giao văn hóa trong nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2023 không chỉ góp phần làm cây “quyền lực mềm” của Việt Nam lớn mạnh, xòe tán rộng hơn mà còn lan tỏa kết quả đó đến các địa phương và thấm sâu vào đời sống của nhiều người dân trong cả nước.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!