Hiện nay, Tiền Giang có 259 sản phẩm được công nhận đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 160 sản phầm đạt 3 sao, chiếm 61,8% và 99 sản phẩm đạt 4 sao, chiếm tỷ lệ 38,2%.
Hoạt động ký kết hợp tác giữa các đơn vị phân phối và chủ thể OCOP. (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 20/1, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức hội nghị Tổng kết Chương trình Mỗi xã một sản phầm (OCOP) năm 2023 và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho rằng: Thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP. Đặc biệt, các ngành công thương, nông nghiệp, địa phương và các chủ thể cùng phối hợp để đưa ra giải pháp nâng chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu cũng như kết nối thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP địa phương.
Ông Phạm Văn Trọng cũng lưu ý các đơn vị chú trọng hơn nữa việc tăng cường hỗ trơ, hướng dẫn chủ thể ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong việc kết nối nhà phân phối, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ rộng rãi sản phẩm OCOP trên thị trường trong ngoài nước nói chung. Riêng thành phố Mỹ Tho cần sớm triển khai thực hiện dự án Phát triển du lịch cộng đồng tại xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho gắn với phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và phát triển sản phẩm OCOP.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, năm 2023, toàn tỉnh có thêm 85 sản phẩm đặc trưng vùng, miền của địa phương được công nhận đạt OCOP cấp tỉnh. Hiện nay, Tiền Giang có 259 sản phẩm được công nhận đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 160 sản phầm đạt 3 sao, chiếm 61,8% và 99 sản phẩm đạt 4 sao, chiếm tỷ lệ 38,2%.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Tiền Giang thiết thực đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn cũng như xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm cho lao động nông thôn, phát huy những ngành nghề và sản phẩm truyền thống.
Đáng lưu ý, không chỉ tích cực tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, các chủ thể còn chuyển đổi mô hình sản xuất từ nhỏ lẻ sang hướng liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế hợp tác kiểu mới trên cơ sở phát huy vai trò gắn kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất – kinh doanh…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng trao chứng nhận cho các chủ thể đạt OCOP. (Nguồn: TTTXVN) |
Sau khi được chứng nhận đạt OCOP, các chủ thể cũng đã đẩy mạnh sản xuất và kết nối thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; nổi bật có các chủ thể như: Công ty Yến sào Trí Sơn (thành phố Mỹ Tho), Công ty Thiên Ân (Gò Công Tây), Cơ sở Mắm Bà Hai Diễm (Gò Công Tây), Hợp tác xã dê sữa Đông Nghi (Châu Thành)…
Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cùng các ngành hữu quan, các nhà phân phối và các chủ thể cùng ký kết về nguyên tắc hợp tác kết nối, tiêu thụ và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP năm 2024 và các năm tiếp theo.
Đồng thời, trong khuôn khổ hội nghị, các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh đã trưng bày và bán 50 sản phẩm đặc trưng các vùng, miền trong tỉnh được công nhận đạt OCOP cấp tỉnh tiêu biểu trên các lĩnh vực. Việc này nhằm tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại và đưa sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh đến với thị trường trong ngoài nước để đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.