Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển bền vững, Đầu tư vào công nghệ xanh để xuất khẩu là yêu cầu tất yếu.
Nhu cầu toàn cầu đối với sản phẩm bền vững ngày càng tăng
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển cho biết, hiện nay, các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, thiết kế sản phẩm bền vững và các thực hành tiết kiệm năng lượng ngày càng trở thành yêu cầu thiết yếu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Người tiêu dùng tại các thị trường phát triển, đặc biệt là ở các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy, ngày càng ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc bền vững. Theo một khảo sát của Statista, khoảng 75% người tiêu dùng ở các quốc gia này thích mua sản phẩm từ các công ty có trách nhiệm với môi trường.
Đầu tư sản xuất xanh để xuất khẩu là yêu cầu tất yếu (Ảnh: TTXVN) |
Hiện, các doanh nghiệp lớn như H&M và IKEA đã đi đầu trong việc phát triển các chuỗi cung ứng xanh, đặt ra các yêu cầu rất nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường đối với các nhà cung cấp của họ. H&M, một thương hiệu thời trang quốc tế, không chỉ cam kết sử dụng các nguyên liệu tái chế mà còn yêu cầu các đối tác sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường cao cấp. Điều này đặt ra thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường này. Bằng cách áp dụng công nghệ xanh và các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, doanh nghiệp Việt Nam có thể đảm bảo rằng họ không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và đối tác kinh doanh tiềm năng.
Tính bền vững đang dần trở thành yếu tố bắt buộc trong các chuỗi cung ứng quốc tế, thay vì chỉ là một giá trị gia tăng cho thương hiệu. Ví dụ, IKEA – một tập đoàn đồ gỗ nổi tiếng đã cam kết chỉ sử dụng gỗ từ các khu rừng được quản lý bền vững, và điều này giúp họ xây dựng được niềm tin vững chắc với người tiêu dùng trên toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu có thể theo đuổi con đường này sẽ gia tăng được sức cạnh tranh trong các thị trường yêu cầu cao như Bắc Âu và châu Âu nói chung.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý thông tin thêm, cùng với sự phát triển của các xu hướng bền vững, các quy định thương mại quốc tế cũng thay đổi để phản ánh những quan ngại về môi trường. Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã và đang thực hiện những chính sách thương mại xanh nhằm kiểm soát lượng khí thải và thúc đẩy các sản phẩm không gây hại đến môi trường. Thỏa thuận Xanh châu Âu là một ví dụ điển hình, với mục tiêu biến châu Âu thành lục địa không phát thải carbon vào năm 2050.
Để có thể duy trì và mở rộng hoạt động xuất khẩu sang các thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư vào công nghệ xanh nhằm đáp ứng các quy định ngày càng nghiêm ngặt. Một ví dụ cụ thể là Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), dự kiến sẽ được áp dụng hoàn toàn vào năm 2026. Theo cơ chế này, các doanh nghiệp ngoài EU khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu phải thanh toán một khoản phí dựa trên lượng carbon phát sinh trong quá trình sản xuất. Do đó, việc đầu tư vào các giải pháp công nghệ xanh nhằm giảm thiểu phát thải carbon không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là một cách để doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí xuất khẩu và gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường.
“Các doanh nghiệp Bắc Âu như LEGO đã chứng minh rằng việc đầu tư vào năng lượng tái tạo và quy trình sản xuất không phát thải không chỉ giúp họ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn nâng cao giá trị thương hiệu. LEGO đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động của mình, điều này không chỉ giúp họ tránh được những quy định khắt khe mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh về mặt hình ảnh. Đây là bài học quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tối ưu hóa quy trình sản xuất để vừa đáp ứng yêu cầu quốc tế, vừa tăng cường vị thế trên thị trường toàn cầu” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý thông tin.
Nâng cao giá trị thương hiệu và xây dựng niềm tin khách hàng
Cam kết bảo vệ môi trường không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và nâng cao giá trị thương hiệu. Người tiêu dùng ngày càng có ý thức về trách nhiệm xã hội và môi trường của các doanh nghiệp, do đó, các doanh nghiệp chứng minh được cam kết phát triển bền vững sẽ tạo dựng được lòng tin với khách hàng và đối tác quốc tế.
H&M và IKEA là những ví dụ điển hình về việc sử dụng các sáng kiến xanh để củng cố bản sắc thương hiệu và tạo dựng vị thế dẫn đầu trong phong trào kinh doanh bền vững. H&M đã giới thiệu dòng sản phẩm “Conscious”, được làm từ các nguyên liệu tái chế và bền vững, thu hút người tiêu dùng quan tâm đến môi trường. IKEA cũng sử dụng các nguyên liệu tái tạo và quản lý nghiêm ngặt chuỗi cung ứng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý nhấn mạnh, việc áp dụng công nghệ xanh có thể trở thành công cụ tiếp thị hiệu quả giúp tạo dựng sự khác biệt so với đối thủ và thu hút khách hàng quốc tế. Trong các lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt như dệt may, da giày và nông sản, thực phẩm, việc sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường hoặc tối ưu hóa quy trình sản xuất theo hướng bền vững sẽ giúp doanh nghiệp gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng toàn cầu.
Là một trong những doanh nghiệp cà phê đi đầu trong phát triển bền vững, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết, khi đặt chân tới Sơn La, ông đã choáng ngợp bởi những đồi cà phê arabica xanh mướt. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, ông Phan Minh Thông nhận thấy, sản xuất cà phê ở Sơn La còn một số tồn tại như: Sản lượng cà phê còn bị ảnh hưởng nắng hạn, sương muối, mưa đá; chuỗi giá trị sản phẩm cà phê chưa chặt chẽ, thiếu bền vững; nhiều cơ sở chế biến cà phê quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng tới môi trường và chất lượng cà phê; khâu thu hái của người dân nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật…
Nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho cà phê arabica Sơn La trên thị trường thế giới, Tập đoàn Phúc Sinh đã đẩy mạnh thực hiện ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) trong sản xuất. Sau nhiều năm ứng dụng, giải pháp này đã góp phần thay đổi tư duy về canh tác và chế biến cây cà phê theo hướng bền vững từ người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có thể đưa Sơn La trở thành một trung tâm sản xuất cà phê chất lượng cao đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khó của thế giới.
“Hiện Phúc Sinh đã có 2 vùng cà phê được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La. Sản phẩm cà phê Sơn La cũng đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định ở mức cao…” – ông Phan Minh Thông thông tin.
Xu hướng trên thế giới và thực tế tại Phúc Sinh cho thấy, việc đầu tư vào công nghệ xanh là một chiến lược không thể thiếu để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các khoản đầu tư này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, tiết kiệm chi phí dài hạn mà còn tăng cường giá trị thương hiệu và xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững. Những doanh nghiệp tiên phong trong công nghệ xanh sẽ là những doanh nghiệp dẫn đầu trong tương lai, đáp ứng hiệu quả các yêu cầu và thách thức của thị trường toàn cầu.
Nguồn: https://congthuong.vn/dau-tu-vao-cong-nghe-xanh-de-xuat-khau-khong-the-cham-tre-356027.html