Kinhtedothi – Phát triển đô thị ở Thủ đô phải đối mặt với 2 thách thức lớn là ùn gắc giao thông; ngập lụt và ô nhiễm môi trường, TP đã có định hướng về phát triển đô thị vệ tinh, giãn dân cư, vẫn cần đầu tư thỏa đáng thêm để TP phát triển đồng bộ.
Chiều 9/12, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại tổ về 4 nhóm nội dung: kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 của TP; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2025 (chi thường xuyên và chi đầu tư); điều chỉnh kế hoạch tài chính và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; các dự thảo Nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Rà soát tổng thể, đánh giá mức độ ô nhiễm các sông, hồ
Phát biểu thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với đánh giá về kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, mặc dù điều kiện có nhiều khó khăn nhưng TP đã đạt được kết quả quan trọng, là năm kiến tạo nhiều nghị quyết quan trọng; một số lĩnh vực nổi bật như thu ngân sách, văn hóa, an sinh xã hội cũng đạt kết quả tốt; có chuyển biến lớn về chuyển đổi số…
Về tồn tại, đại biểu Đường Hoài Nam (Tổ đại biểu HĐND quận Long Biên) bày tỏ tâm tư với lĩnh vực đô thị có nhiều tồn tại đáng suy nghĩ như: ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông. Theo đại biểu, ô nhiễm môi trường, nước thải, rác thải, đặc biệt không khí tác động hàng ngày, hàng giờ đến sức khoẻ người dân mà chưa có giải pháp hữu hiệu trước mắt cũng như lâu dài, căn cơ để hạn chế. Đại biểu đề nghị trong năm 2025, lãnh đạo TP có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, trọng tâm là vấn đề thuộc nhóm đô thị.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ đại biểu HĐND huyện Mỹ Đức) cho biết, tỷ lệ xử lý nước thải chưa đạt như mục tiêu đề ra do dự án xử lý nước thải Yên Xá chậm; nhà máy xử lý rác thải, một số dự án khu vực phía Nam chậm, dẫn đến cũng còn nhiều bấp cập; lòng đường vỉa hè dù thành phố quyết tâm, nhưng chưa làm tận gốc vấn đề, làm ách tắc giao thông… Đại biểu đề nghị, những tồn tại này cần UBND TP giải trình thêm.
Đối với vấn đề xử lý ô nhiễm sông, hồ, các đại biểu cho rằng, giải quyết ô nhiễm sông hồ nên tập trung sông nào có tác động lớn, tìm nguyên nhân, làm với giải pháp quyết liệt, đột phá. Đại biểu Trương Hải Long (Tổ đại biểu HĐND huyện Thạch Thất) nhấn mạnh, phải có đề án tổng thể để rà soát các con sông, hồ ở các quận, huyện bị ô nhiễm; định giá mức độ ô nhiễm, từ đó xây dựng lộ trình, bố trí vốn… xử lý trong nhiệm kỳ 5 năm, mới tạo hiệu quả cao, đồng bộ.
Bứt tốc về hạ tầng sản xuất, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Tham gia thảo luận, các đại biểu cũng đề cập đến tình trạng thiếu bãi đỗ xe dẫn đến giá vé không đồng nhất, chặt chém, lộn xộn… làm mất đi hình ảnh Thủ đô văn minh; thiếu các dự án nhà ở xã hội giá rẻ, các dự án nhà ở xã hội có giá dưới 30 triệu/m2 đã bị “mất tích”, cần có công cụ điều tiết giá bất động sản.
Các đại biểu cũng đề nghị TP tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế, trong ngắn hạn, quan tâm phát triển thương mại, dịch vụ du lịch. Trong đó, nên có sản phẩm du lịch chất lượng cao để nâng tầm du lịch, ứng xử với du lịch như một ngành công nghiệp thực thụ; phát triển thành phố trong thành phố; đẩy mạnh đầu tư công, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, tạo nguồn lực… thúc đẩy triển khai dự án PT, thu hút nguồn lực xã hội; cần tiếp tục khơi thông các dự án còn dở dang như vành đai 1, vành đai 2,5, các dự án hạ tầng; cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các “đại bàng” về đầu tư cho Hà Nội.
Tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền (tổ đại biểu HĐND quận Hà Đông) cho biết, phát triển đô thị ở Thủ đô phải đối mặt với 2 thách thức lớn là ùn gắc giao thông; ngập lụt và ô nhiễm môi trường. Hà Nội đã có định hướng về phát triển đô thị vệ tinh, hay là thành phố trong thành phố, cùng với đó, tiếp tục phát triển vệ tinh, giãn dân cư, thì mới giảm được ùn tắc, ngập lụt. Về xử lý môi trường, tiếp tục đầu tư thỏa đáng để TP phát triển đồng bộ, “sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Tới đây, TP tiếp tục bứt tốc về hạ tầng sản xuất, thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp; khu công nghệ cao sinh học Bắc Từ Liêm. Đặc biệt, Hà Nội có số lượng làng nghề lớn, tiềm năng cần tập trung phát triển, tạo mặt bằng sản xuất…. cùng với các yếu tố khác để Hà Nội tiếp tục tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Chăm lo đến người lao động sau sắp xếp bộ máy
Tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu cũng quan tâm đến việc ổn định tổ chức bộ máy sau sắp xếp, tinh gọn và đề nghị TP quan tâm đến vấn đề con người, cán bộ sau sáp nhập; có hướng dẫn cụ thể về số lượng Phó Bí thư cấp xã, Phó Chủ tịch HĐND-UBND cấp xã.
Đại biểu Duy Hoàng Dương (Tổ đại biểu HĐND huyện Hoài Đức) cho rằng, sắp xếp bộ máy các đơn vị chuyên môn cần hoàn thiện quy trình quy chế; phân cấp ủy quyền… báo cáo trong tháng 1/2025. UBND TP xây dựng quy trình, quy chế và đề xuất HĐND TP để quyết định các bộ máy, cơ chế hoạt động.
Phát biểu thảo luận tổ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung không chỉ cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị phải sắp xếp quan tâm mà Nhân dân Thủ đô cũng rất quan tâm.
Vì vậy, đại biểu đề nghị đối với những việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của TP, tập trung đẩy nhanh, quan tâm chăm lo đến người lao động, đội ngũ cán bộ, công chức tự nguyện hoặc dôi dư sau sắp xếp bằng cơ chế chính sách cụ thể, ưu đãi. Tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều có điều kiện để chuyển đổi công việc mới.
Đại biểu cũng bày tỏ mong muốn TP quan tâm để động viên đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong nhóm cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp trong đợt này. Từ đó, bảo đảm được an sinh xã hội, an ninh trật tự được giữ vừng và an dân sau sắp xếp. Đối với các cơ quan chuyên môn khi có giải pháp thực hiện thì cần thể hiện rõ tính đặc thù, vượt trội của Hà Nội.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dau-tu-thoa-dang-de-ha-noi-phat-trien-dong-bo-sang-xanh-sach-dep-thom.html