Kết thúc năm 2024, Thái Nguyên đã bàn giao, đưa vào khai thác thêm 65,31km đường, vượt 30,6% so với kế hoạch. Hạ tầng giao thông trên địa bàn được đầu tư đồng bộ theo hướng liên kết, kết nối với các tỉnh trong khu vực và vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là cơ sở để tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, sớm trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Tuyến đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. |
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Sở GTVT, nhấn mạnh: Ngành GTVT tiếp tục xác định thực hiện tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về việc đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, tăng tính liên kết vùng. Cụ thể, năm 2025, sau khi hoàn thành Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, Sở tham mưu với tỉnh tiếp tục đầu tư Tuyến đường liên kết, kết nối 2 tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang (đoạn từ Km11+500 trên đường tỉnh 261 đến giáp ranh địa phận tỉnh Tuyên Quang) và đường hồ Núi Cốc. Đối với giao thông đối ngoại, tỉnh tiếp tục đề nghị Trung ương đầu tư nâng cấp tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và các đoạn còn lại trên đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội, đường Hồ Chí Minh giai đoạn II đoạn qua địa bàn tỉnh...
Năm 2024 - năm bản lề thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, bám sát mục tiêu của tỉnh về “Tăng cường đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nhằm tạo ra những động lực đột phá để tăng trưởng kinh tế”, Sở GTVT đã tích cực, chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất chủ trương và quản lý đầu tư các dự án giao thông.
Trong năm, Sở GTVT đã tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư của 2 dự án là đường nối từ Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc đến đường Triệu Quang Phục (TP. Phổ Yên); tuyến đường kết nối từ đường Bắc Sơn đến Khu liên hợp thể thao tỉnh Thái Nguyên.
Đến nay, Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc đã được trải bê tông nhựa mặt đường đạt trên 70% khối lượng. |
Đồng thời tham mưu điều chỉnh chủ trương đầu tư 3 dự án, gồm: Đường Vành đai I (đoạn Bờ Đậu, Phú Lương - Hóa Thượng, Đồng Hỷ) và tuyến tránh đô thị Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối đường tỉnh (ĐT) 261 - ĐT.266; Dự án xây dựng cầu An Long và tuyến đường kết nối ĐT.270 với ĐT.261 trên địa bàn huyện Đại Từ.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 5.000km đường bộ, trong đó có trên 200km quốc lộ và đường cao tốc thảm bê tông nhựa chất lượng tốt; trên 1.300km đường tỉnh, đường huyện được trải nhựa và trên 3.000km đường xã, phường đảm bảo giao thông thuận lợi.
Bên cạnh đó, hệ thống đường gom, đường kết nối các khu công nghiệp (KCN) trọng điểm với hệ thống giao thông đối ngoại đã được đầu tư cơ bản, đồng bộ, hiện đại. Việc khơi thông được hạ tầng giao thông kết nối vùng trong thời gian qua đã mở ra những thời cơ mới cho tỉnh Thái Nguyên trong thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các dự án FDI.
Ngày 23/1/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 223/QĐ-TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II (diện tích 250ha) trên địa bàn TP. Sông Công; tổng mức đầu tư điều chỉnh là trên 2.347 tỷ đồng (tăng trên 589 tỷ đồng).
Dự án tuyến đường nối ĐT.269B đến Quốc lộ 37 được dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 3 tới. Ảnh: Hoàng Hùng |
Trước đó, ngày 20/1/2025, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Yên Bình 3 cho Công ty CP Tập đoàn BMK. Dự án có quy mô diện tích trên 295ha, tổng số vốn đầu tư trên 4.139 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện Dự án tại 2 xã Điềm Thụy và Nga My (Phú Bình), bám vào đường Vành đai V đoạn từ TP. Phổ Yên sang huyện Phú Bình.
Trên dọc tuyến đường Vành đai V, năm 2024, UBND tỉnh đã quyết định thành lập mới 4 cụm công nghiệp (CCN), gồm: Hà Châu 1, Hà Châu 2, Tân Đức và Lương Phú - Tân Đức. Dọc tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc trên địa bàn huyện Đại Từ đã hình thành CCN Quân Chu và CCN Cát Nê - Ký Phú. Như vậy, nhờ đầu tư hạ tầng giao thông đi trước, Thái Nguyên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư hạ tầng các KCN, CCN.
Với sự đầu tư có trọng điểm về hạ tầng giao thông, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã hình thành các tuyến giao thông trục dọc phía Bắc: Quốc lộ (QL) 3 Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn; QL.37 Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang. Trục ngang đường Hồ Chí Minh và trục dọc phía Tây kết nối liên vùng Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc. Đây là các tuyến đường huyết mạch, giúp kết nối và lan tỏa các giá trị công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và văn hóa Thái Nguyên đi các vùng, miền trong khu vực phía Bắc.
Dự án tuyến đường nối ĐT.261 với ĐT.266 đang được triển khai thi công. Ảnh: Hoàng Hùng |
Bên cạnh các dự án do tỉnh thực hiện đầu tư, Thái Nguyên đang phối hợp với Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Tổng chiều dài toàn tuyến gần 29km. Trên địa bàn huyện Định Hóa, tuyến đường có chiều dài khoảng 11,5km, đi qua 5 xã, thị trấn: Chợ Chu, Phúc Chu , Đồng Thịnh, Định Biên và Bảo Linh.
UBND huyện Định Hóa đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng, đảm bảo tiến độ công trình theo đúng kế hoạch.
Ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, khẳng định: Việc triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 - tuyến đường động lực kết nối 3 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn - Tuyên Quang giúp Định Hóa đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong vùng, phát triển kinh tế - xã hội. Tuyến đường hoàn thành góp phần nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi, Cà Mau. Tuyến đường cũng góp phần thúc đẩy tiềm năng phát triển du lịch của các địa phương.
Từ thực tế có thể khẳng định, những đột phá về hạ tầng giao thông đã giúp diện mạo của tỉnh Thái Nguyên có những chuyển biến mạnh mẽ. Đó là động lực để địa phương phấn đấu sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202502/dau-tu-dong-bo-ha-tang-giao-thongkhoi-thong-nguon-luc-phat-trien-8091466/
Bình luận (0)