Khi đầu tư 5 dự án BOT tại TP.HCM, nhà đầu tư mong muốn ngân sách Nhà nước tham gia từ 50 – 70% để rút ngắn thời gian thu phí và đảm bảo thu hồi vốn cho doanh nghiệp.
Đầu tư 5 dự án BOT tại TP.HCM, doanh nghiệp muốn ngân sách tham gia từ 50-70 %
Khi đầu tư 5 dự án BOT tại TP.HCM, nhà đầu tư mong muốn ngân sách Nhà nước tham gia từ 50 – 70% để rút ngắn thời gian thu phí và đảm bảo thu hồi vốn cho doanh nghiệp.
Chiều 14/11, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM tổ chức hội nghị tham vấn nhà đầu tư về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án BOT đầu tư theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98/2023/QH15.
Thông tin đến nhà đầu tư, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nay, 5 dự án làm theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 đã được HĐND TP.HCM thông qua.
Thành phố mong muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án này nên cần ý kiến góp ý của các nhà đầu tư về phương án tài chính làm sao để hài hoà lợi ích; phương án thu phí; thủ tục lập, phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư BOT…
Một trong những vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhất tại hội nghị chính là phương án hoàn vốn cho nhà đầu tư khi tham gia các dự án BOT này.
Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đề xuất cơ chế thu hút nhà đầu tư vào 5 dự án BOT – Ảnh: Lê Anh
|
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết, tại các dự án này cần có sự tham gia vốn ngân sách Nhà nước từ 50 -70% để rút ngắn thời gian thời gian thu phí và đảm bảo thu hồi vốn cho nhà đầu tư.
Theo ông Mai, phương án thu hồi vốn cho 5 dự án BOT tại TP.HCM khoảng 20 năm là hợp lý, không nên để thời gian thu hồi vốn cao hơn vì không khả thi với phương án tài chính.
Đối với việc thu phí Phó chủ tịch của Đèo Cả cho rằng, nên thu theo km thay vì thu theo lượt, bởi vì phương án thu phí theo lượt thường kéo theo các bất đồng về quan điểm sử dụng. “Với việc thu phí tự động như hiện nay hoàn toàn đủ cơ sở kỹ thuật để tổ chức thu phí theo km, người dân đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu” ông Mai đề xuất.
Về phương án tài chính, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cho rằng, khi nhà đầu tư tham gia dự án cần xét kỹ năng lực tài chính, có báo cáo kiểm toán. Nhà đầu tư phải chứng minh được năng lực, kinh nghiệm huy động vốn, ít nhất là 50%.
Theo ông Bình, các dự án BOT người dân thường phản ứng việc thu phí, khi đó cơ quan Nhà nước có thể thay đổi phương án thu phí. Trường hợp nếu thay đổi phương án thu phí thì Nhà nước cần bù lại khoản chi phí này để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Đối với phần giải phóng mặt bằng, hầu hết các nhà đầu tư tham dự hội nghị đều đề nghị tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng do nhà nước thực hiện. Bởi lẽ qua việc đầu tư rất nhiều dự án BOT phần khó khăn nhất vẫn là giải phóng mặt bằng khiến nhà đầu tư e ngại.
Ông Lê Quốc Bình đề nghị, khi nào dự án hoàn thành 90% giải phóng mặt bằng thì mới triển khai thi công, để tránh tình trạng nhà đầu tư tham gia vào dự án phải đợi mặt bằng khiến doanh nghiệp “chôn” vốn tại dự án.
“Tôi cho rằng, cần phải có chế tài cụ thể khi các bên tham gia dự án không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không quy định rõ thì ai sẽ chịu trách nhiệm về kinh phí phát sinh khi dự án bị chậm tiến độ”, ông Bình góp ý.
Danh mục 5 dự án BOT đầu tư theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 |
Để đẩy nhanh tiến độ 5 dự án BOT, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, muốn doanh nghiệp tham gia đầu tư thì không thể để vòng đời hoàn vốn dự án trên 20 năm.
Ông cho rằng, với cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98, Thành phố nên tính toán phương án bảo lãnh cho doanh nghiệp trúng thầu được phát hành trái phiếu để làm đường. Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chính và không phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng.
Nếu Thành phố xếp hàng 5 dự án, tới quý III/2026 mới khởi công rồi đợi vài năm thi công thì khi sơ kết Nghị quyết 98 vẫn chưa có thành quả gì. “Trong 5 dự án này, dự án nào làm được luôn, rút ngắn được các công đoạn, thiết kế, thi công… thì nên có quyết định triển khai luôn, khởi công sớm, làm sớm, làm nhanh” ông Trần Du Lịch đề xuất.
Giải đáp một số thắc mắc của nhà đầu tư, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, cả 5 dự án BOT thực hiện theo cơ chế của Nghị quyết 98 đều được Thành phố tách phần giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng. Phần giải phóng mặt bằng sẽ do ngân sách Thành phố chi trả, nhà đầu tư sẽ thực hiện phần xây dựng.
Ông Lâm cho biết, sau hội nghị, Sở GTVT TP.HCM sẽ tiếp thu ý kiến các doanh nghiệp để hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với mục tiêu cuối năm nay, hoặc chậm nhất đầu năm sau sẽ hoàn chỉnh báo cáo. Sau đó, Thành phố sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào quý III hoặc quý IV/2025.
Nguồn: https://baodautu.vn/dau-tu-5-du-an-bot-tai-tphcm-doanh-nghiep-muon-ngan-sach-tham-gia-tu-50-70-d230063.html