Trước mắt, Bộ sẽ bổ sung vào danh mục đấu thầu tập trung để giải quyết nhanh nhất có thể. Sau đó, trình cấp có thẩm quyền cho phép mua vắc xin tiêm chủng mở rộng (TCMR) tập trung như trước đây bằng nguồn ngân sách T.Ư.
Vì sao thiếu vắc xin?
Ngày 13.6, trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết TP đã hết vắc xin DPT-VGB-HiB (vắc xin 5 trong 1, phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) và DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván). Hiện tại, các vắc xin còn lại trong chương trình TCMR tại TP còn rất ít. Theo dự trù, đến cuối tháng 6, TP sẽ hết các loại vắc xin viêm gan B, vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin lao (BCG). Đến tháng 7 sẽ hết vắc xin bại liệt (bOPV) và vắc xin sởi. Đến tháng 8 sẽ hết vắc xin uốn ván (VAT) và đến hết tháng 9 sẽ hết vắc xin sởi và rubella (MR).
Một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM
Theo nhu cầu từ đây đến cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM cần khoảng 1,8 triệu liều vắc xin TCMR. Cần nhiều nhất là vắc xin bại liệt uống với 247.000 liều, vắc xin lao với 191.224 liều. TP.HCM cũng đã xây dựng kế hoạch cung ứng gửi Bộ Y tế theo đề nghị của Bộ.
“Nếu không có vắc xin sẽ không tạo miễn dịch bảo vệ cho một nhóm trẻ, nguy cơ sẽ bùng phát dịch trong thời gian tới, dẫn đến dịch chồng dịch”, một lãnh đạo Sở Y tế chia sẻ.
Cùng ngày, ông Đoàn Tấn Bửu, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, cho biết: “Tỉnh đang thiếu, khan hiếm và không đủ các loại vắc xin để phục vụ TCMR. Sở đang tổng hợp nhu cầu để đề xuất Bộ Y tế xem xét”.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho biết không chỉ TP.HCM, nhiều địa phương phản ánh các vắc xin TCMR thiếu hụt rất nhiều, đặc biệt là vắc xin 5 trong 1. Theo bà Lan, với vắc xin nhập khẩu, từ trước đến nay Bộ Y tế đấu thầu tập trung rồi phân bổ cho các địa phương. Năm 2022, Bộ Y tế đã đấu thầu vắc xin 5 trong 1 và thất bại do không có nhà thầu tham gia. Nếu như đấu thầu tập trung quốc gia không thực hiện được thì phải báo cáo Chính phủ để giảm điều kiện đấu thầu xuống và không đấu thầu tập trung, chuyển qua đàm phán giá hoặc làm phương pháp nào đó đơn giản hơn. Bộ Y tế đã không lựa chọn các giải pháp này mà để đến năm 2023 thiếu vắc xin 5 trong 1 là chuyện đương nhiên, và vắc xin này đã hết từ tháng 2.
“Bộ Y tế nói năm 2023 chuyển nguồn ngân sách về địa phương, đề nghị các địa phương tự đấu thầu. Đấu thầu tập trung không xong và đẩy về cho các địa phương, xé nhỏ gói thầu. Có công ty nào không tham gia đấu thầu tập trung quốc gia mà tham gia riêng lẻ của 63 tỉnh không? Đó là mấu chốt của việc thiếu vắc xin 5 trong 1”, bà Lan phân tích và cho rằng thuốc đấu thầu cũng thuộc ngân sách địa phương, nhưng vẫn lựa một số mặt hàng để đấu thầu quốc gia. “Tại sao thuốc làm được mà vắc xin thì không làm? Việc của Bộ Y tế là đấu thầu và ra khung giá, ký kết hợp đồng với công ty, đưa hàng về các kho viện khu vực, đến lúc chuyển tiền thì chuyển từ nguồn ngân sách địa phương. Còn với vắc xin trong nước, Bộ nói do nghị định này, thông tư kia, luật Đấu thầu… thì không đấu thầu tập trung được”, bà Lan nói.
Các địa phương có tự đấu thầu vắc xin TCMR?
Ngày 3.4, Bộ Y tế có Công văn 1810 về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu y tế – dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên (các tỉnh tự mua bằng ngân sách địa phương), sau đó có 16 tỉnh, TP có công văn phản hồi, nói đấu thầu không được do điều kiện không đủ.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho rằng nếu để các địa phương tự đấu thầu sẽ rất khó khăn, nhất là những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM do sự biến động dân cư lớn. Ngoài ra, do từng địa phương tự đấu thầu nên thời gian thực hiện sẽ khác nhau, sẽ xảy ra gián đoạn cung ứng ở mỗi địa phương. Mặt khác, việc lấy giá kế hoạch của vắc xin cho TCMR gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin về giá trúng thầu, do các vắc xin này hiện do Bộ Y tế thực hiện đặt hàng nên hầu như những loại này không tham gia đấu thầu. Nếu căn cứ trên giá đặt hàng của Bộ Y tế (thông tin trên các phiếu xuất vắc xin của Viện Vệ sinh dịch tễ (VSDT) T.Ư) thì có sự chênh lệch rất lớn giữa giá này với giá kê khai. Do đó rất khó khăn trong xây dựng giá kế hoạch.
Ngày 13.6, Sở Y tế TP.Đà Nẵng cho biết liên quan những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm vắc xin TCMR, UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Y tế. Theo UBND TP.Đà Nẵng, quy trình đấu thầu mua sắm thông thường kéo dài 3 – 4 tháng, vì vậy việc giao cho các địa phương tự tổ chức mua vắc xin theo chỉ đạo của Bộ Y tế, có khả năng đến cuối năm 2023 mới có kết quả đấu thầu. Có thể xảy ra thiếu vắc xin do đấu thầu không thành công (do không có nhà thầu tham gia, không có mặt hàng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật/tài chính…).
BS.CK2 Phạm Phú Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết ngành y tế địa phương đang rất lúng túng về việc này. Lý do, để sử dụng ngân sách địa phương, ngành y tế phải tham mưu HĐND xây dựng định mức chi cho nội dung đó bao nhiêu. Sau đó trình HĐND thông qua mới có thể từng bước triển khai được. Việc này nếu suôn sẻ cũng phải mất mấy tháng. Trong khi đó, lượng vắc xin lại đang thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là vắc xin 5 trong 1.
Liên quan tình trạng thiếu hụt một số vắc xin cho trẻ em trong TCMR thời gian qua, Bộ Y tế cho biết các năm qua, Viện VSDT T.Ư (đơn vị phụ trách dự án TCMR quốc gia) thực hiện đặt hàng và ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước để cung ứng một số loại vắc xin (DPT, uốn ván, lao, viêm não Nhật Bản, viêm gan B, sởi, sởi-rubella, bại liệt bOPV) cho TCMR.
Các vắc xin này được quản lý, điều phối và giao cho các viện Pasteur/VSDT khu vực, sau đó cung cấp đến các địa phương triển khai tiêm chủng. Việc cung ứng vắc xin được thực hiện theo các quy định về giá và đặt hàng, căn cứ trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị, địa phương. Khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm vắc xin TCMR là sau khi thực hiện quy định, từ năm 2023, các địa phương tự đấu thầu mua vắc xin từ ngân sách địa phương, thay vì Bộ Y tế đặt hàng, mua tập trung từ ngân sách T.Ư để phân bổ cho các địa phương như các năm trước. Trong khi đó, vừa qua, một số loại vắc xin thuộc TCMR vốn được cung cấp theo cơ chế đặt hàng chưa có kê khai giá nên không đủ điều kiện để đấu thầu, mua sắm. Ngoài ra, cơ chế kiểm định các lô vắc xin trước khi tiêm chủng cũng gây khó khăn cho các địa phương nếu thực hiện riêng lẻ.
Đề xuất Bộ Y tế làm đầu mối
Theo lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ, Cần Thơ kiến nghị Chính phủ giao Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc thực hiện đàm phán giá, mua vắc xin rồi phân bổ về cho địa phương.
Còn theo đại diện lãnh đạo Viện VSDT T.Ư: “Vừa qua, các địa phương đề xuất Bộ Y tế làm đầu mối đứng ra đấu thầu mua sắm tập trung vắc xin TCMR để thống nhất về giá. Bởi nếu các địa phương mua sắm riêng lẻ thì rất dễ xảy ra tình trạng mỗi địa phương sẽ mua với giá khác nhau, như từng xảy ra với đấu thầu mua sắm thuốc. Mới đây, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế cân nhắc phương án đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá”.
Thông tin về đấu thầu, mua sắm tập trung vắc xin TCMR, chiều 13.6, trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), cho hay Bộ Y tế đang bổ sung một số thuốc, trong đó có vắc xin TCMR vào danh mục đấu thầu, mua sắm tập trung quốc gia. Sau khi danh mục này được hội đồng tư vấn quốc gia phê duyệt và nếu Bộ Y tế giao cho trung tâm làm đầu mối, trung tâm sẽ thực hiện mua, đàm phán giá vắc xin TCMR.
“Nếu các thủ tục thuận lợi, từ khi triển khai, thẩm định hồ sơ đến khi phê duyệt giá vắc xin cần ít nhất khoảng 3 tháng”, ông Dũng cho biết thêm.
Về nguồn vắc xin cho TCMR, theo Bộ Y tế, trong nước không thiếu nguồn cung từ các nhà sản xuất. Trong đó, các vắc xin như: sởi, rubella, viêm gan B sơ sinh, bại liệt, viêm não Nhật Bản… trong nước đã sản xuất và cung ứng cho TCMR từ nhiều năm qua. Còn vắc xin 5 trong 1 có nguồn cung từ nước ngoài. Để tránh nguy cơ thiếu hụt, gián đoạn mũi tiêm vắc xin 5 trong 1 với trẻ nhỏ, Viện VSDT T.Ư đã có các buổi làm việc với các tổ chức quốc tế và tới đây sẽ nhận được nguồn hỗ trợ vắc xin này.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết để sớm ổn định nguồn cung vắc xin TCMR, Bộ Y tế sẽ trình cấp thẩm quyền phê duyệt cho phép mua vắc xin TCMR tập trung như trước đây, từ nguồn ngân sách T.Ư.