“Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943” được xem như là tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa Việt Nam là ánh sáng soi đường, là động lực phát triển văn hóa, cổ vũ trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam cống hiến cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Kim chỉ nam của nền văn hóa cách mạng
Chương trình nghệ thuật “Chạm tay vào quá khứ” có sự góp mặt của 3 vị khách mời: PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học nghệ thuật trung ương; TS – nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Thuần; Viện sĩ – GS – TSKH Trần Ngọc Thêm.
Chương trình nghệ thuật “Chạm tay vào quá khứ” của Đài Truyền hình TP HCM (HTV) .Ảnh: HTV
Bên cạnh phần trò chuyện giữa các vị khách mời là các tiết mục ca nhạc với những ca khúc đầy ý nghĩa như: “Đất nước lời ru” (sáng tác: Văn Thành Nho), “Mái đình làng biển” (sáng tác: Nguyễn Cường), “Bài ca đất phương Nam” (sáng tác: Lư Nhất Vũ – Lê Giang), “Thương ca tiếng Việt” (sáng tác: Đức Trí – Hà Quang Minh), “Đất nước” (sáng tác: Phạm Minh Tuấn – Tạ Hữu Yên), “Về nghe mẹ ru” (sáng tác: Hứa Kim Tuyền – Bạch Tuyết), “Việt Nam trong tôi là” (sáng tác: Yến Lê) qua sự thể hiện của các nghệ sĩ: NSƯT Phượng Loan, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Ngọc Mai, Nguyễn Hải Yến, Võ Thành Tâm, Duy Linh, Đông Triều, Nông Sim, Đăng Quân, Nhã Thy, Mai Chí Công, Mỹ Hảo, Trung Hiếu…
NSƯT Phượng Loan bày tỏ: “Tôi tự hào khi được tham gia chương trình ý nghĩa này, là người nghệ sĩ tôi càng hiểu rõ hơn giá trị của bản “Đề cương văn hóa” đầu tiên này. Bản đề cương là cơ sở để đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và nhân dân hiểu, nhận thức được vị trí và vai trò của mình để cùng tập hợp dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng và góp sức cho sự nghiệp xây dựng đất nước”.
Nhân dịp kỷ niệm trọng đại này, các thế hệ nghệ sĩ, ca sĩ của thành phố mang tên Bác cũng đã tham gia những buổi hội thảo, tọa đàm về “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943” để từ đó, các tác giả sân khấu, nhạc sĩ, họa sĩ sẽ sáng tác những sản phẩm mới, tuyên truyền, quảng bá những giá trị của tinh thần yêu nước theo kim chỉ nam của “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943”.
Hun đúc sáng tạo mới
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng dưới ánh sáng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943”, các họa sĩ thuộc thế hệ đầu của nền mỹ thuật cách mạng đã trình làng những tác phẩm chân thực về lòng yêu nước, tinh thần quyết tâm chống ngoại xâm, nâng cao dân trí như: “Giặc đốt làng tôi” (Nguyễn Sáng), “Đoàn kết chống xâm lăng” (Văn Giáo), “Du kích La Hai” (Nguyễn Đỗ Cung), “Du kích Bến Tre” (Diệp Minh Châu), “Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ phủ” (Tô Ngọc Vân), “Kéo bễ lò rèn” (Trần Văn Cẩn), “Lớp học ban đêm” (Dương Bích Liên)…
Nhạc sĩ Vũ Hoàng cũng tâm đắc cho rằng từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943”, lĩnh vực âm nhạc đã có nhiều sáng tác như: “Du kích ca”, “Áo mùa đông” của Đỗ Nhuận; “Làng tôi”, “Ngày mùa” của Văn Cao; “Lên ngàn” của Hoàng Việt; “Lời người ra đi” của Trần Hoàn… Cho đến hôm nay những ca khúc này vẫn còn nguyên giá trị về tính nhân văn, dân tộc.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết ở khía cạnh văn học từ định hướng “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943”, nhiều tác phẩm có giá trị đã ra đời. Cụ thể, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết “An Tư công chúa”, rồi “Bắc Sơn”, “Ký sự Cao Lạng”, “Lũy Hoa”; Đặng Thai Mai ra mắt công trình lý luận “Văn học khái luận”; Nguyễn Đình Thi viết tiểu thuyết “Xung kích”, bài thơ “Đất nước”; Tố Hữu ra tập thơ “Từ ấy” và “Việt Bắc”; Quang Dũng sáng tác bài thơ “Tây Tiến”…
Theo các nhà chuyên môn sân khấu TP HCM, trong giai đoạn hiện nay có nhiều tín hiệu khởi sắc, bên cạnh đó màn ảnh nhỏ Đài Truyền hình TP HCM (HTV) cũng tập trung khai thác nhiều đề tài nghệ thuật đồng hành với những định hướng phát triển văn hóa nghệ thuật của cả nước, mà trong đó chương trình “Chạm tay vào quá khứ” là một điểm son.
Các đơn vị xã hội hóa nghệ thuật tại TP HCM cũng đã khởi động nhiều sáng tác mới theo tinh thần của “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943”, có thể kể như sân khấu Đồng ấu Bạch Long đã dựng vở sử Việt “Xuân về trên đất Thăng Long”; Nhà hát IDECAF dàn dựng 2 vở kịch sử Việt: “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt” và vở “Nữ đại đế Mê Linh” (cả 2 vở này sẽ công diễn trong tháng 11); Nhà hát Trần Hữu Trang sẽ tái diễn vở “Thủy chiến Bạch Đằng Giang”, “Nguyễn Hữu Cảnh”… Tất cả vở diễn này đều hướng đến tinh thần “người Việt biết sử Việt” và hun đúc lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước cho các khán giả trẻ để qua đó có những dấn thân, đóng góp thiết thực cho đất nước trong thời đại mới.
“Các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa tại TP HCM trong thời gian gần đây đã nỗ lực dàn dựng các vở kịch văn học có giá trị để công diễn ở cộng đồng, đặc biệt là chủ động đưa vào học đường. Đây là một trong những cách làm sáng tạo rất có ý nghĩa theo tinh thần của “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943” – PGS -TS Nguyễn Thị Minh Thái nhìn nhận.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, văn hóa là những hoạt động tinh thần của một xã hội (như giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức…), văn hóa cũng bao gồm cả văn hóa vật thể (các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, di sản văn hóa…) và phi vật thể (ca dao, dân ca, hò vè, lễ hội; các phong tục, tập quán của vùng miền, địa phương…). Nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, nhân văn, nhân nghĩa của một đất nước… và những điều này đều được thể hiện ở “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943”.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/cham-tay-vao-qua-khu-dau-son-dep-cua-nghe-si-tp-hcm-20231103220032222.htm