Yêu nhanh, cưới vội và ly hôn cũng chóng vánh. Có những cuộc hôn nhân mà khi đổ vỡ, không ít người trẻ nhận ra dường như đã quá vội vàng khi tính chuyện trăm năm.
Chỉ cần sống chung không hạnh phúc là ly hôn, mắc chi níu kéo hay chịu đựng nhau là cách nghĩ có vẻ phổ biến, nhất là với những cặp đôi trẻ hiện nay.
Vỡ mộng vì kết hôn hấp tấp
Nhắc lại cuộc hôn nhân vừa kết thúc với lá đơn đồng thuận ly hôn tại tòa, Trần Thị Thùy Lan (đã đổi tên), đang sống tại quận 7 (TP.HCM), mắt đỏ hoe. 26 tuổi, Lan đã qua một đời chồng, giờ làm mẹ đơn thân của hai con gái.
Lan kể gặp Thiện Minh (chồng cũ) năm 21 tuổi qua một nhóm bạn. Hai người nhanh chóng cảm mến rồi yêu nhau. Năm đó Minh 25 tuổi và ly hôn người vợ đầu chưa lâu. Hai người đám cưới chỉ sau chín tháng quen nhau và khi ấy Lan mang thai được một tháng. Đám cưới đơn sơ vài bàn tiệc tại nhà gái ở Sóc Trăng.
Không tìm hiểu kỹ, về sống chung mới vỡ ra nhiều thứ. Minh nhu nhược, thích ở nhà chơi game hơn tìm việc ổn định nên cứ làm một nghề vài tháng lại nghỉ. Không tìm được việc ở quê, hai vợ chồng dắt díu nhau lên Sài Gòn thuê trọ. Xoay đủ thứ nghề, hết bán online rồi qua bán bánh, quần áo đến cá viên chiên nhưng món nào cũng chỉ đôi ba tháng rồi dẹp vì ế, lỗ vốn.
Minh làm thợ đụng, Lan ôm bụng bầu đi làm công nhân thời vụ. Sinh con chưa lâu, Lan đã tìm việc đi làm lại ngay vì còn tiền sữa cho con, tiền nhà trọ, ăn uống phần nhiều một tay Lan lo. Bất mãn, nhiều lúc muốn ly hôn nhưng lại sợ con không có cha nên Lan chịu đựng, tìm lời to nhỏ mong chồng thay đổi. Nhưng Minh không chút thay đổi.
Đùng cái, Lan vỡ kế hoạch khi con gái đầu mới 2 tuổi. Để chồng ở nhà giữ con, cô cố tăng ca, ăn uống tằn tiện dành tiền sữa tã. Con gái thứ hai ra đời mới 4 tháng, bà mẹ trẻ đành gửi hai con gái cho bà ngoại ở quê rồi quày quả trở lại TP.HCM.
Minh lúc này có việc làm nhưng chỉ phụ vợ chút tiền lương nuôi con. Đỉnh điểm, anh ta bán luôn chiếc xe máy của vợ lấy tiền tiêu xài. Cơm áo gạo tiền đè nặng, chồng vẫn bình chân như vại khiến mâu thuẫn ngày càng chất chồng. Lan đề nghị ly dị.
Không tài sản chung, không tranh chấp quyền nuôi con hay phí cấp dưỡng, cả hai kết thúc sau vài tháng ly thân. “Mình đã lấy sai người, sai ngay từ đầu”, Lan chua chát.
Hợp tan đâu phải chuyện đùa!
Nói chuyện yêu đương của giới trẻ, chị Thanh (nhân viên ngân hàng) lắc đầu nhắc về chính em gái mình. Mới 23 tuổi nhưng Ph. (em gái chị Thanh) nhất quyết làm đám cưới với T. bằng tuổi mặc bố mẹ cản vì còn quá trẻ. Sau đám cưới, vợ chồng trẻ dọn ra riêng và có em bé. Nhưng chỉ tám tháng sau, cả hai ly thân, Ph. về nhà cha mẹ còn T. ấm ức vì mấy lý do chẳng đâu vào đâu.
“Có bầu, cô ấy ở nhà còn tôi đi làm từ sáng đến tối. Về nhà tôi cũng gắng phụ việc nhà nhưng không được ghi nhận. Gặp bữa về muộn không kịp làm việc nhà là y như rằng bị vợ mắng, giọng rất hỗn. Tôi không chịu được nặng lời lại thế là cô ấy đùng đùng bỏ về nhà mẹ đẻ”, T. ấm ức.
Con được 1 tuổi, cả hai ly hôn. Nhưng chỉ năm tháng sau, Ph. sống cùng người đàn ông khác còn T. vẫn ở một mình. Rồi chuyện tình chắp vá cũng đổ vỡ, Ph. tìm về mong T. bỏ qua để được sống tiếp vì con nhưng anh lắc đầu dù bốn năm sau khi ly hôn, T. mới lập gia đình mới.
“Tôi không hiểu các bạn ấy nghĩ gì, kết hôn, ly hôn đâu phải chuyện đơn giản mà đem ra đùa giỡn được, rồi có con chung nữa chứ”, chị Thanh ngao ngán.
Thùy Lan hay Ph. cũng không phải trường hợp quá hiếm khi nằm trong số 60% trường hợp người trẻ ly hôn trong thời gian 1-5 năm chung sống theo thống kê của Viện Nghiên cứu gia đình và giới. Nhiều trường hợp mới kết hôn vài tháng, thậm chí có cặp chỉ vài ngày đã “tan đàn xẻ nghé” mà giới chuyên môn gọi là ly hôn xanh.
Bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn có một cặp ly hôn. Trong đó độ tuổi ly hôn dưới 35 tới 30%. Chỉ tại TP.HCM trung bình mỗi tháng có 80-100 vụ ly hôn tại mỗi quận, huyện mà các cặp vợ chồng trẻ cũng không phải là ít. Còn thống kê từ TAND tối cao riêng năm 2022 cả nước có trên 500.000 vụ ly hôn. Trong đó 70% thuộc về gia đình trẻ trong độ tuổi 18-30.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hôn nhân. Trong đó 27,7% mâu thuẫn về lối sống, 25,9% do ngoại tình, yếu tố kinh tế 13%, bạo lực gia đình 6,7%, sức khỏe 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày 1,3%. Và cả xuất phát từ những mâu thuẫn về lối sống, xung đột và bất đồng quan điểm.
Cưới sau 30 ngày chia tay người cũ
Buổi cà phê mới đây, nhóm bạn chưng hửng khi Trần Minh Q. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) gửi thiệp mời đám cưới. Chẳng là Q. vừa chia tay mối tình bốn năm vỏn vẹn mới chừng tháng. “Tôi cưới thật mà, thời gian, địa điểm rõ ràng, nhớ đi nhé”, Q. nói với các bạn.
Mấy người bạn thân hỏi: “Gặp và yêu người mới vỏn vẹn 30 ngày mà cưới luôn à?”. Nhưng Q. cười, không đưa ra lý do nào rõ ràng, chỉ là “tại thời điểm gặp người mới thấy vui và hài lòng, cùng chung chí hướng cho một mái ấm hạnh phúc nên cưới thôi”.
“Tôi thấy mình được tôn trọng, sống thoải mái bởi ai cũng cần một góc riêng tư. Ngay lần đầu gặp và nhắn tin chúng tôi đã thấy rất hợp như cả hai chỉ sinh ra là dành cho nhau vậy”, Q. cười.
Học từ hôn nhân đổ vỡ
Sau ly hôn, hai con gái của Thùy Lan theo mẹ. Cô hiện làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), mỗi tháng chỉ dám chi tiêu tằn tiện để có tiền gửi về nuôi hai con ở quê. Trong khi đó chừng vài tháng Minh mới gọi điện cho mẹ vợ cũ để nói với con đôi ba câu rồi gửi vài trăm, một triệu coi như phụ nuôi con.
“Từ hồi ly hôn, tôi thấy đầu óc khỏe lắm mà làm cũng có dư chút vì không phải nuôi thêm chồng. Trước mắt thì chưa tính tới nhưng tôi đã tự rút ra bài học cho mình nếu có chọn bạn đời”, bà mẹ trẻ hai con giãi bày.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dau-roi-yeu-nhu-thoi-ong-ba-anh-gio-ly-hon-sau-vai-thang-ket-hon-khi-vua-moi-chia-tay-2024121322305493.htm