Tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhập khẩu dầu thô của Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Một năm sau, lệnh trừng phạt này dường như không thực sự phát huy tác dụng.
Nga vẫn đạt doanh thu cao từ dầu. (Nguồn: Gazprom) |
Trường Kinh tế Kyiv (KSE), cơ quan giám sát việc bán dầu của Nga, ước tính, Moscow sẽ kiếm được 178 tỷ USD từ việc bán dầu trong năm nay và có thể tăng lên 200 tỷ USD vào năm tới.
Số tiền này thấp hơn mức kỷ lục 218 tỷ USD mà Nga kiếm được từ doanh thu từ dầu mỏ trong năm 2022 nhưng điều này cho thấy, đất nước đã tìm được khách hàng thay thế EU một cách nhanh chóng.
KSE cho biết thêm, giá dầu thô Urals chuẩn của Nga được giao dịch ở mức 84 USD/thùng trong tháng 10 – không quá thấp so với mức giá trung bình 90,78 USD của dầu thô Brent trong cùng tháng.
Tàu chở dầu chống lệnh trừng phạt
Dự đoán được điều này, năm ngoái, EU cùng với Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng giá trần đối với dầu Nga bán cho các bên thứ ba. Đây là một nỗ lực đầy tham vọng và chưa từng có của khối 27 thành viên nhằm thực thi lệnh trừng phạt với dầu Moscow.
Nhưng kể từ đó, Nga đã mua phần lớn đội tàu cũ từ các công ty phương Tây, với giá cao, tạo nên một “hạm đội bóng tối” nằm ngoài sự kiểm soát của phương Tây.
Jan Stockbruegger, nhà nghiên cứu tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho rằng, “ham đội bóng tối” thường là tàu chở dầu không có sự tham gia của phương Tây hoặc G7 về quyền sở hữu, bảo hiểm, tài chính hoặc bất kỳ dịch vụ nào khác. “Về cơ bản nó là một tàu chở dầu không bị trừng phạt”, ông Jan Stockbruegger giải thích.
Các tàu chở dầu được bảo hiểm và bảo vệ của phương Tây đã giảm 2/3 lượng giao dịch dầu thô của Nga trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10. Trong khi đó, các giao dịch với một đội tàu ngầm đã tăng gấp ba lần, lên 2,6 triệu thùng mỗi ngày trong cùng thời kỳ.
KSE thông tin, có ít nhất 187 tàu chở dầu chở dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga.
Vào ngày 27/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký tăng 70% chi tiêu quốc phòng và an ninh trong năm tới, lên 157,5 tỷ USD. Toàn bộ ngân sách đất nước trị giá 412 tỷ USD – cao hơn 13% so với năm ngoái nhờ thu nhập cao hơn từ dầu mỏ.
Nhà kinh tế học Maria Demertzis, một thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels khẳng định: “Biện pháp giới hạn giá dầu rất khó để thực thi. EU và G7 không thể ngăn cản một quốc gia ở vùng Vịnh mua và bán năng lượng cho các nước thứ ba”.
Mỹ có thực sự muốn “mạnh tay”?
Có những dấu hiệu cho thấy, EU và G7 đang trở nên nghiêm túc hơn trong việc thực thi trần giá.
Vào tháng 10, Washington đã xử phạt hai tàu chở dầu sử dụng các dịch vụ của doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ – biện pháp thực thi đầu tiên của giới hạn giá. Đến tháng 11, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp dụng các biện pháp trừng phạt thêm ba tàu chở dầu mang cờ Liberia, sau khi phát hiện những tàu này thường xuyên vận chuyển dầu thô Sokol từ vùng Viễn Đông của Nga tới Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ.
EU cũng cho phép Đan Mạch kiểm tra và chặn các tàu chở dầu của Nga đi qua eo biển nước này. Đan Mạch được chọn chủ yếu vì vị trí địa lý của nước này. Tất cả dầu của Nga được vận chuyển qua Biển Baltic – chiếm khoảng 60% tổng lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Moscow – đều đi qua eo biển Đan Mạch trên đường đến thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Stockbruegger tin rằng, những hành động như vậy vẫn mang tính biểu tượng.
Ông nói với Al Jazeera: “Chúng tôi cần dầu của Nga trên thị trường. Nếu cắt giảm, giá dầu toàn cầu sẽ tăng và lạm phát cũng thế. Điều quan trọng là Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không thắng cuộc bầu cử năm 2024 nếu giá xăng ở Mỹ đi lên. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt được thiết lập để đảm bảo dầu của Nga vẫn tiếp cận thị trường toàn cầu”.
Tháng trước, số liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mạnh nhập khẩu dầu thô của Nga và có thể trở thành điểm trung chuyển các sản phẩm dầu thô hoặc tinh chế sang các thị trường phương Tây.
Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng của IIF cũng chứng minh rằng, các nhà sản xuất ô tô Đức đã tăng xuất khẩu ô tô và phụ tùng gấp 55 lần sang Kyrgyzstan, gấp 7 lần sang Kazakhstan và gấp 4 lần sang Armenia trong vòng hai năm.
Ông lập luận: “Sự gia tăng xuất khẩu này bắt đầu sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Rất có thể, mặt hàng này sẽ đến Moscow”.
Năng lượng tái tạo – “cứu tinh” của EU?
Nhiều chuyên gia đánh giá, doanh số bán dầu của Moscow sang châu Âu đang sụt giảm và không thể phục hồi được.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng thừa nhận, đến cuối năm 2023 lượng dầu thô của nước này xuất khẩu sang châu Âu đã giảm từ 40-45% xuống chỉ còn 4-5%.
Ông nhấn mạnh: “Một nửa lượng dầu thô và sản phẩm dầu khí của Nga xuất khẩu trong năm 2023 được bán cho Trung Quốc, trong khi mức nhập khẩu của Ấn Độ trong 2 năm qua cũng tăng mạnh để chiếm tới 40%”.
Theo ông Novak, sự thay đổi đối tác cung cấp là do lệnh cấm vận của châu Âu đối với nguồn cung dầu bằng đường hàng hải của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12/2022, đồng thời việc áp mức trần giá dầu cũng gây ảnh hưởng.
Trước đó, có thông tin cho rằng trong tháng 11, nguồn cung dầu hàng ngày từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt mức kỷ lục 400 nghìn thùng/ngày, chiếm 14% tổng lượng xuất khẩu của Nga. Động thái này được quan sát thấy trong bối cảnh có những khó khăn nhất định đối với hướng xuất khẩu sang Ấn Độ, nơi sau khi thắt chặt sự kiểm soát của Mỹ đối với việc thực hiện trần giá dầu.
Theo Ember – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London (Anh) – trong 10 tháng đầu năm nay, năng lượng gió và Mặt trời đã tạo ra mức kỷ lục 28% lượng điện năng của châu Âu, tăng 6 điểm so với hiệu suất của năm ngoái.
“Việc sản xuất điện bằng năng lượng Mặt trời hoặc gió vẫn rẻ hơn rất nhiều so với nhiên liệu hóa thạch hoặc năng lượng hạt nhân”, Beatrice Petrovich, nhà phân tích khí hậu và năng lượng cấp cao tại Ember nhấn mạnh.
Đây là tin tốt cho một lục địa đã phải trả khoảng 2 nghìn tỷ USD cho việc nhập khẩu năng lượng. Đây cũng là tin tốt cho mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 của châu Âu so với năm 1990.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, “túi tiền” của Nga không mỏng đi bởi với lệnh cấm dầu chưa thực sự phát huy tác dụng, đất nước vẫn có thể đưa mặt hàng này ra thế giới.