Trong cuộc “xê dịch” đầu năm, tôi đến Bình Định. Chuyến ngược dòng đi tìm “long mạch” khởi nguồn từ Đàn tế trời đất và kết thúc ở vùng nước non Định Bình thơ mộng.
Xuôi dòng lịch sử
Huyện Tây Sơn cách trung tâm TP.Quy Nhơn gần 50km, theo hướng ngược lên phía tây. Men theo quốc lộ 19, “Đàn tế trời đất” dần hiện ở địa phận huyện Tây Sơn.
Không khí thanh u trên đường vào đàn tế. Hai bên đường lác đác vài nhà dân, ôm ấp xung quanh là dãy núi Hoành Sơn vốn được công nhận là đại địa trong phong thủy. Thế núi dài và tỏa rộng về phía quốc lộ, nơi hậu tẩm có hòn ông Bình, cạnh bên là hòn ông Đốc với kiểu đầu hổ ngó sang.
Nơi triền bắc của dãy núi là ngôi chùa cổ lâu đời tên Lê Sơn, hợp với địa thế, tạo thành dáng “hổ cứ”. Muốn lên chùa cần phải đi qua đoạn đường đất núi, dốc đứng cheo leo. Những phượt thủ đam mê “xê dịch” thường chọn cách bộ hành, tự trèo lên tới đỉnh nhằm trải nghiệm toàn cảnh vẻ thâm sơn chưa được khai phá. Không gian chùa được tu bổ từ trên nền cũ, đa số là những khoảng rộng hoang sơ giữa bao la đất trời, cây cỏ, chim thú.
Đàn tế trời nằm bên phải của đường, gồm đàn tế, đền Ấn và nhiều tháp, miếu phụ trợ theo trục đạo thần Nam - Bắc trên diện tích rộng 46ha. Đàn chia làm 3 cấp nền tượng trưng cho Thiên - Địa - Nhân và 4 cổng vào, trong đó cổng chính hướng nam có một bức hoành ghi “Bảo Sơn Thiên Ấn”, nghĩa là: Ngọn núi quý có ấn của Trời.
Vào cổng, đi qua một cây cầu ngắn bằng đá cong là hàng trăm bậc cao liên tiếp dẫn lên khu chính điện đàn tế. Người ta gọi đó là đường hành lễ, gồm 183 bậc cấp thuộc đường Hoàng Đạo.
Ngoài những cụm kiến trúc quan trọng, trong khu tâm linh còn xây dựng nhiều đền, miếu, tháp bút, chòi nghỉ mát... đậm chất cổ xưa.
Mỗi dịp mùng 5 Tết, lễ hội Đống Đa được tổ chức để kỷ niệm chiến thắng của vua Quang Trung. Người dân khắp mọi miền về đàn tế trời dâng hương, cầu nguyện cho năm mới an lành, may mắn. Cũng có vài gia đình tới “trả lễ” sau khi “tâm tưởng sự thành”. Những vật phẩm được chuẩn bị thường là bánh trái, nhang đèn.
Đàn tế trời ngoài giá trị lịch sử còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện ước nguyện được cộng hưởng với thiên nhiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình.
Đắm mình giữa sông núi
Tạm biệt đàn tế, tôi tiếp tục ngược lên phía tây rồi tiến sâu vào huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) để du lãm hồ Định Bình. Trong cái rét nhẹ, Định Bình vẫn e ấp nét đẹp hoang sơ. Đây là công trình thủy lợi lớn của tỉnh Bình Định. Ngoài cung cấp “vàng trắng” và nước để tưới tiêu, hồ trở thành điểm đến thu hút khách du lịch.
Từ trên cao, màu xanh dương mát rượi không pha tạp chất của hồ khiến người ta cảm tưởng đang lạc vào vùng vịnh Maldives trứ danh. Hồ vắt ngang sông Kôn, còn sông thì cheo leo luồn lách giữa núi rừng trùng điệp.
Như một lối đảo chữ hài hước, Định Bình hệt một Bình Định thu nhỏ, có nước có non, có mây có đất. Hồ Định Bình cống hiến những dòng điện tỏa khắp, ôm ấp những mảnh ruộng ven sông, nuôi sống bầy cá trắng bàng bạc, và dưỡng cả tâm hồn muốn tìm chốn dừng chân. Nơi nào có sông hồ, nơi đó có sự sống. Dòng nước ôm ấp mạch đời, tưới mát tuổi thơ của bao thế hệ dựa nước mà sống.
Đứng nơi đây, tôi hít đầy căng không khí mát lành, tự mình thanh lọc bớt những bực dọc của lối sống thị thành.
Ai cũng có những con nước riêng mình, để nương náu sơ tâm, để soi rọi lại mình. Hồ Định Bình còn là người bạn tri âm của không ít thi sĩ.
Người Bình Định ngày nay vẫn vẹn nguyên tinh thần Tây Sơn. Và cái can trường ngày cũ được thay bằng sự giản dị chân phương, mến khách chân thành.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dau-nam-ve-tham-dat-vo-3149025.html
Bình luận (0)