Vị anh hùng dân tộc mở đầu cho một trong những trang sử rực rỡ nhất của Việt Nam là Đinh Tiên Hoàng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ca ngợi ông là “Vua tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời”. Công lớn nhất của ông là thống nhất đất nước về một mối trước hiểm họa loạn 12 sứ quân tranh giành, phân chia nước Việt ra thành nhiều mảnh.
Từ một thủ lĩnh của đám trẻ chăn trâu dùng cờ lau tập trận, ông đã xây dựng quê hương mình trở thành kinh đô Hoa Lư nổi tiếng của nước Đại Cồ Việt vào năm 968 (hiện nay nằm trên địa bàn của 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).
Có lẽ khi xây những vòng thành Hoa Lư đầu tiên, ông cũng không nghĩ được đến một ngày, nơi đây là một trong những “Di tích Quốc gia đặc biệt” quan trọng trong lịch sử Việt Nam, nơi đã sản sinh ra 3 triều đại oanh liệt: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý.
Sự vĩ đại của Đinh Tiên Hoàng là xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền, tự tôn làm hoàng đế chứ không chịu chỉ xưng làm vương của một nước chư hầu, lệ thuộc vào quốc gia khác. Ông là vị hoàng đế đầu tiên sau “đêm dài ngàn năm Bắc thuộc”. Tiếp nối ông là Lê Hoàn – Đại Hành hoàng đế, người có công củng cố nền độc lập dân tộc, “phá Tống, bình Chiêm”. Triều Lý cũng đã khởi nghiệp ở đất Hoa Lư với vị vua đầu triều là Lý Thái Tổ, ban đầu đóng đô ở Hoa Lư rồi mới dời ra đất Thăng Long năm 1010.
Trong quãng thời gian 42 năm là kinh đô của 3 triều đại, Hoa Lư đã để lại nhiều dấu ấn vàng son. Trước tiên, đó là dấu tích một tòa thành cổ, ở vị trí hiểm trở với chức năng là quân thành, phòng thủ.
Một số gạch được sản xuất từ lò chuyên dụng, mặt ngoài có chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch xây Quân thành của nước Đại Việt).
Đến nay, vết tích của 10 đoạn thành đất vẫn còn. Các nhà khảo cổ đã tìm được kết cấu của các đoạn thành ước tính cao khoảng 8 – 10m, phần móng thành có nhiều cọc gỗ đóng sâu xuống lòng đất, phía trong thành xây bằng gạch dày 45cm, chân tường thành kè đá tảng, gạch bó.
Những dấu tích của cố đô Hoa Lư còn được phát hiện qua các cuộc khai quật khảo cổ học từ năm 1963.
Thành Hoa Lư nằm ở trung tâm đất nước bấy giờ: giữa ngã 3 khu vực Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ, khi tiến công có thể ra bắc, vào nam đều tiện đường bộ, đường thủy. Khi phòng thủ có thể ngăn quân địch bằng những thành lũy núi cao với con hào tự nhiên là sông Hoàng Long và nhánh của sông này là Sào Khê. Khi rút lui cũng có đường lên vùng núi Tây Bắc.
Một phần cung điện thời Lê Đại Hành được tìm thấy nằm sâu dưới mặt đất 3m có các viên gạch lát nền kích thước lớn 48cm x 78cm, trang trí hoa sen, các loại gạch xây thành, đầu ngói ống, tượng vịt, các đồ ngự dụng…
Các nhà khảo cổ đã tìm được kết cấu của các đoạn thành ước tính cao khoảng 8 – 10m, phần móng thành có nhiều cọc gỗ đóng sâu xuống lòng đất, phía trong thành xây bằng gạch dày 45cm, chân tường thành kè đá tảng, gạch bó.
Thành Hoa Lư là một sáng tạo của người Việt khi dùng núi cao làm tường thành tự nhiên bao bọc thung lũng, nối các núi bằng các đoạn thành xây gạch và đắp đất tạo nên ngôi thành khép kín.
Mới đây, năm 2022, dấu tích khá rộng của nền móng các cung điện ở khu vực đền vua Đinh, vua Lê đã được tìm thấy, qua đó xác định được quy mô của Cấm thành và Hoàng thành Hoa Lư.
Tạp chí Heritage
Bình luận (0)