(NLĐO)- Một hộ gia đình ở Ninh Bình, trong lúc đào móng nhà đã phát lộ 1 đoạn bờ đất đắp được cho là tường thành Hoa Lư, cách đây khoảng ngàn năm
Sáng 30-12, tại Hội nghị giao ban công tác báo chí, tuyên truyền tháng 12 và định hướng công tác tuyên truyền tháng 1-2025 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã thông tin về kết quả sơ bộ khai quật khẩn cấp địa điểm khảo cổ tại khu vực thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.
Theo báo cáo của đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, giữa tháng 12-2024, gia đình ông Nguyễn Tử Quý (trú tại thôn Tân Hoa, xã Trường Yên) trong quá trình đào móng làm nhà đã làm bật một đoạn bờ đất đắp khả năng là tường thành Hoa Lư.
Ngay sau khi nắm được thông tin, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã cử cán bộ chuyên môn tới làm việc với gia đình. Xác định, đây có thể là dấu tích có giá trị từ thời Hoa Lư (thế kỷ thứ X) nên sở này đã thực hiện công tác nghiên cứu khảo cổ khẩn cấp nhằm thu thập tư liệu làm căn cứ đề xuất phương án bảo tồn và nghiên cứu di tích ở giai đoạn tiếp theo.
“Bắt đầu từ ngày 22-12 đến ngày 30-12-2024, phòng chuyên môn của sở đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ. Bước đầu, các tư liệu thu được đã được lưu giữ qua các bản ảnh, bản vẽ, mô tả khảo cổ. Hố khảo cổ đã được số hóa qua công tác Scan 3D để có thể tái dựng nghiên cứu ở các giai đoạn tiếp theo”- đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình thông tin.
Cũng theo báo cáo, kết quả khai quật đã cung cấp thêm những tư liệu mới góp phần nghiên cứu làm rõ về tường thành và quá trình xây dựng tường thành Hoa Lư, đồng thời cũng đưa đến những nhận thức đầy đủ hơn về Kinh đô Hoa Lư dưới triều Đinh – Tiền Lê ở thế kỷ X.
Với kết quả này, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã đưa ra một số nhiệm vụ cấp bách như: Cần nghiên cứu đưa tường Đông Bắc và các địa điểm liên quan đến tường thành Hoa Lư vào Quy hoạch di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; nghiên cứu xây dựng đề án và chương trình hành động hướng đến nghiên cứu làm rõ quy mô, kỹ thuật, không gian phân bố, cách thức xây dựng tường Đông Bắc và các tường thành khác của Cố đô Hoa Lư… nhằm cung cấp thêm tư liệu nghiên cứu làm rõ diện mạo các vòng thành, cấu trúc tường thành và con đường dẫn vào kinh đô Hoa Lư thời Đinh – Tiền Lê.
Nguồn: https://nld.com.vn/dao-mong-nha-phat-hien-bat-ngo-co-tu-ngan-nam-truoc-196241230144629761.htm