Dấu ấn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế

HUẾ - Đến năm 2025, Huế sẽ khởi công nhiều đại dự án hồi sinh những di tích quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.

Báo Lao ĐộngBáo Lao Động04/02/2025

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc đầy ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Những kết quả đạt được không chỉ góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử mà còn mở ra một hướng đi mới để phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản và thúc đẩy kinh tế.

Huế tiếp tục khẳng định vị thế là địa phương đi đầu trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hàng loạt công trình kiến trúc thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được trùng tu kỹ lưỡng, đảm bảo tính nguyên gốc và giá trị lịch sử.

Đầu năm 2024, Huế chính thức mở cửa di tích Điện Kiến Trung sau 4 năm phục hồi, tôn tạo với tổng kinh phí đầu tư 124 tỉ đồng. Tháng 11.2024, Huế công bố hoàn thành dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa với mức đầu tư 128 tỉ đồng. Tháng 12.2024, Huế và Đà Nẵng công bố hoàn thành Dự án: “Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan” với tổng mức đầu tư hơn 42 tỉ đồng. (Trên hình là di tích Hải Vân Quan).

Việc phục hồi Điện Kiến Trung và tu bổ thành công Điện Thái Hòa và Hải Vân Quan không chỉ là một bước tiến lớn trong việc tái hiện lại diện mạo di sản kiến trúc của Huế, mà còn góp phần làm phong phú thêm giá trị lịch sử, nghệ thuật của Cố đô. Nổi bật trong số các công trình được Huế phục hồi, tôn tạo là Điện Thái Hòa, một cung điện quan trọng bậc nhất bên trong Hoàng thành Huế.

Thời Gia Long, Điện Thái Hòa được khởi công xây dựng từ tháng 2.1805 và hoàn thành chỉ sau 8 tháng. Đây là nơi đặt ngai vàng và là nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn. Cùng với các cung điện, lăng tẩm khác của Huế, điện Thái Hòa là một công trình nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993.

Sau hơn 200 năm, điện Thái Hòa đã xuống cấp và được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành trùng tu tổng thể di tích cuối tháng 11.2021 với tổng kinh phí 128 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Công trình được trùng tu với tổng diện tích 7.100 m2, trong đó khuôn viên điện Thái Hòa là 4.851,3 m2, điện Thái Hòa 1.440 m2, sân Đại Triều Nghi 1.640 m2.

Toàn bộ hệ thống sườn nhà của ngôi điện được làm bằng gỗ lim. Trong số 80 cột của ngôi điện, có 66 cột được sơn son, vẽ rồng thếp vàng lá 24k, một công đoạn hết sức quan trọng trong công tác trùng tu Điện Thái Hòa.

Mặc dù thời gian dự kiến hoàn thiện công trình vào tháng 8.2025, Điện Thái Hòa đã hoàn thành trùng tu và mở cửa đón du khách tham quan sớm hơn vào tháng 11.2024.

Cận cảnh nội thất Điện Thái Hòa sau trùng tu. Toát lên dáng vẻ uy quyền của một trong những cung điện quan trọng trong Hoàng thành Huế.

Ngày 23.11.2024, sau khi khánh thành Điện Thái Hòa, Huế đã làm lễ động thổ công trình bảo tồn, phục hồi điện Cần Chánh. Dự án sẽ được triển khai thực hiện trong 4 năm, với tổng kinh phí gần 200 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Trước đó, tháng 10.2024, Huế đã khởi công Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Tổ Miếu” với kinh phí là 52 tỉ đồng giai đoạn 1. Thái Tổ Miếu là nơi đặt miếu thờ của 9 vị chúa Nguyễn, từ chúa Nguyễn Hoàng đến chúa Nguyễn Phúc Thuần.

Năm 2025 Huế sẽ khởi công dự án Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Quốc Tử Giám và Văn Miếu với tổng mức đầu tư 2 công trình hơn 240 tỉ đồng.

Song song với các dự án trùng tu, Huế cũng chú trọng bảo tồn di sản phi vật thể. Các lễ hội truyền thống như Festival Huế, Lễ hội Áo dài Huế…Nghệ thuật cung đình như Nhã nhạc cung đình Huế tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị.



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available