Là lễ hội lớn ở Bình Liêu, Lễ hội đình Lục Nà là kết tinh những giá trị văn hoá, tín ngưỡng làng xã các dân tộc huyện Bình Liêu, được huyện bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị từ năm 2007 tới nay.
Lễ hội đình Lục Nà tổ chức thường niên vào ngày 16 và 17 tháng Giêng, mang nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc của bà con dân tộc Tày cũng như các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu. Lễ hội đình Lục Nà gồm hai phần lễ và hội với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá của bà con dân tộc. Theo ông Tô Đình Hiệu, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hoá huyện, Lễ hội đình Lục Nà đã được phục dựng từ các nguồn tư liệu, từ trí nhớ của những người già, thậm chí có nhiều yếu tố đã được sáng tạo ra. Nghi lễ tế tại đình, một trong những phần quan trọng của lễ hội được đội tế lễ miền xuôi truyền lại cho đội tế lễ đình Lục Nà thực hiện.
Nhằm hoàn thiện cũng như tái hiện lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá, từ năm 2023, huyện Bình Liêu đã liên hệ, phối hợp với Viện Dân tộc học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nghiên cứu và phát huy các nghi lễ làng xã của vùng miền núi kết hợp với thực tế, phong tục tập quán của đồng bào ở xã Lục Hồn, Bình Liêu. Đồng thời, các cán bộ chuyên môn cũng đã tìm hiểu kĩ về lễ tế truyền thống từ những người già, những thầy mo uy tín trong cộng đồng… Nhờ đó, một lễ hội với nghi lễ đặc trưng đã được thống nhất về nghi thức, trình tự lễ tế và hoàn thành vào năm 2024. Tới nay, Lễ hội đình Lục Nà là lễ hội vừa mang đậm tín ngưỡng làng xã truyền thống miền núi vừa là đặc trưng văn hoá người Tày và bà con các dân tộc trên địa bàn. Lễ hội gồm các hoạt động rước sắc phong bài vị Thành hoàng Hoàng Cần, khai trống mở hội, dâng hương, lễ tế thần và các hoạt động văn hoá văn nghệ, trò chơi dân gian tiêu biểu nhất.
Ở lễ hội lớn này, bên cạnh phần hội, phần lễ đặc sắc nhất là lễ rước sắc bài vị Thành hoàng Hoàng Cần đi một vòng quanh thôn Bản Cáu, sau đó là nghi thức tế lễ với các bước tế lễ đảm bảo hình thức trang trọng. Kết thúc lễ tế là màn múa chầu đón thần do các nghệ nhân hát then thực hiện, thể hiện tính trang nghiêm, vừa tạo không khí vui tươi, rộn rã, thể hiện được lòng tôn kính của nhân dân trước thần linh.
Như mọi năm, lễ hội năm nay, các trò chơi dân gian, văn hoá, văn nghệ thể thao do huyện tổ chức dự kiến thu hút đông đảo các xã tham gia. Trong lễ hội có Giải đấu võ cổ truyền mở rộng thu hút vận động viên các địa phương gồm Hạ Long, Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên tham gia và các nội dung thi đấu của Đại hội TDTT xã Lục Hồn... Đặc biệt, năm nay Liên hoan hát then đàn tính, không chỉ tập trung vào biểu diễn mà còn được đầu tư sâu hơn về nội dung, có sự tham gia rộng rãi của các CLB hát then đến từ Lạng Sơn, các CLB của các xã, các trường trong toàn huyện.
Nguồn
Bình luận (0)