(Dân trí) – 79 năm đã đi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị, điều này thể hiện qua nhiều hiện vật quý đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công có ý nghĩa lịch sử đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam, chấm dứt ách bóc lột thực dân Pháp, phát xít Nhật cùng chế độ phong kiến đã tồn tại hàng nghìn năm trên đất nước ta, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
Với những ý nghĩa lịch sử đó, sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những đề tài quan trọng được Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chú trọng sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền giáo dục cũng như đầu tư nghiên cứu khoa học.
Trong những ngày tháng 8 lịch sử, mỗi ngày Bảo tàng Lịch sử quốc gia đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Vừa xem hình ảnh, hiện vật, Nguyễn Thu An (học sinh lớp 10 trường THPT Việt Đức) cùng bạn Nguyễn Mai Phương (học sinh lớp 10, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ), Kim Chi (học sinh lớp 10, trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và nhiều du khách cũng chăm chú lắng nghe lời giới thiệu của hướng dẫn viên Nguyễn Thị Phương (Phòng Giáo dục công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia).
“Trong những ngày tháng 8 lịch sử, chúng em đến tham quan bảo tàng để hiểu rõ hơn về lịch sử đất nước mà cha ông ta đã đổ nhiều máu xương để giành được.
Qua từng hình ảnh, câu chuyện, hiện vật em phần nào thấy được những hy sinh, vất vả, sự dày công vun đắp, xây dựng đất nước của các thế hệ cha ông”, nữ sinh Nguyễn Thu An chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Phương, công tác tại Phòng Giáo dục công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Với ý nghĩa lịch sử đó, sự kiện Cách mạng tháng Tám năm 1945 được Bảo tàng Lịch sử quốc gia tập trung thể hiện ở 6/29 phòng của hệ thống trưng bày. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ 273 hiện vật, 61 hình ảnh đã được lựa chọn từ bộ sưu tập gần 2.000 hiện vật về Cách mạng Tháng Tám 1945.
Những sưu tập hiện vật quý giá chỉ có ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia như sưu tập truyền đơn, sưu tập báo chí cách mạng 1925-1945, cùng những công cụ, phương tiện in ấn thô sơ, sưu tập vũ khí tự tạo của nhân dân Việt Nam sử dụng trong Cách mạng Tháng Tám, công chúng còn được tiếp cận nhiều hiện vật quý, văn bản gốc gắn với sự kiện lịch sử như: Nghị quyết Đại hội Quốc dân Tân trào tháng 8/1945, Quân lệnh của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, con dấu của Tổng Bộ Việt Minh năm 1944-1945,…
Đến với khu trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khách tham quan có thể tìm hiểu sâu hơn về Cách mạng tháng Tám thông qua các hiện vật, tài liệu tiêu biểu như: Bản thảo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về phát triển tổ chức quần chúng và Việt Minh năm 1941,… hay những tài liệu tuyên truyền đã được xuất bản trong điều kiện bí mật như: Sách Lịch sử nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Trên ảnh là báo “Bắc Sơn” số 1 ngày 10/7/1944, cơ quan Tuyên truyền của Việt Minh đặc biệt khu, kêu gọi toàn dân đoàn kết chống kẻ thù, chuẩn bị khởi nghĩa. Báo “Kèn Gọi Lính” số 2 ra ngày 27/10/1944, cơ quan Tuyên truyền của Việt Nam Quân nhân Cứu quốc hội. Báo “Khởi Nghĩa” số 6 ra ngày 15/7/1945, cơ quan Tuyên truyền của Việt Minh Quang Trung.
Truyền đơn của Mặt trận Việt Minh kêu gọi binh lính người Việt quay về với cách mạng, cùng đồng bào khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
Chỉ thị kỳ bộ Việt Minh Bắc kỳ gửi chỉ huy các tỉnh về phương pháp vận động tranh đấu giành chính quyền từ tay phát xít Nhật ngày 16/8/1945.
Chiếc ấm mà bà Hoàng Thị Dậu dùng để sắc thuốc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người bị ốm nặng ở Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) vào những ngày sắp diễn ra Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Súng kíp Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng trong thời kỳ ở Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) năm 1945.
Họa bản báo “Việt Nam độc lập” số ra ngày 25/6/1945, cơ quan tuyên truyền của Liên tỉnh bộ Việt Minh Cao – Bắc – Lạng (Cao Bằng – Bắc Kạn – Lạng Sơn).
Phù hiệu mà bà Chu Thọ Tâm (xã Huy Chương, ngoại thành Hà Nội) đeo khi dự mít tinh ở Đình Chèm (nay thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và tham gia đánh chiếm Phủ Khâm sai trong ngày 19/8/1945.
Cán bộ Việt Minh giương cao Cờ đỏ Sao vàng tại cuộc mít tinh ở Nhà hát lớn Hà Nội, kêu gọi nhân dân Hà Nội khởi nghĩa ngày 17/8/1945.
Nhân dân Hải Phòng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 22/8/1945.
Nhân dân ở Hà Nội đánh chiếm phủ Khâm Sai ngày 19/8/1945.
Vũ khí nhân dân Việt Nam đã sử dụng trong cao trào kháng Nhật cứu nước và tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tháng 3 đến tháng 8/1945.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt các đơn vị Giải phóng quân đầu tiên từ căn cứ địa Việt Bắc về Hà Nội tại Quảng Trường Nhà hát lớn ngày 28/8/1945.
Một số thành viên trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 8/1945.
Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945.
“Hơn 10 năm trở lại đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia chú trọng vào công tác nghiên cứu, xây dựng nội dung và tổ chức các chương trình, hoạt động giáo dục, trải nghiệm dành cho công chúng.
Qua các mô hình, chương trình nói chuyện chuyên đề tại trường học đã thu hút được đông đảo công chúng biết đến bảo tàng, góp phần giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường và niềm tự hào dân tộc của các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ”, chị Nguyễn Thị Phương, cán bộ Phòng Giáo dục công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia chia sẻ.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/dau-an-cach-mang-thang-tam-qua-nhung-hien-vat-lich-su-20240818193507048.htm