Sáng 27.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Thủ đô sửa đổi. Một trong những chính sách được nhiều đại biểu quan tâm, đó là thu hút và trọng dụng nhân tài.
Đại biểu Dương Khắc Mai (trái) và Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận
Môi trường làm việc còn quan trọng hơn cả chính sách đãi ngộ
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ sự thống nhất đối với quy định tại điều 17 dự thảo luật Thủ đô sửa đổi, quy định về vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài.
Ông Hòa cho rằng, Hà Nội đang rất cần có các chính sách đặc thù, giống như TP.HCM, để tạo ra hành lang cơ chế tốt và thoáng, qua đó thu hút người tài phục vụ cho thủ đô.
Tuy vậy, vị đại biểu nhận định quy định tại dự thảo còn có phần chung chung, chưa giải thích được căn cứ pháp lý trong việc đào tạo một số đối tượng như học sinh, sinh viên…
“Những đối tượng này sẽ có cơ chế, chế độ đặc thù ra sao, học hành ra sao?”, ông Hòa đặt câu hỏi, và dẫn câu chuyện xảy ra trong thời gian qua tại một số địa phương như Đà Nẵng hay TP.HCM.
“Đào tạo cho đã đời, đi học xong ở nước ngoài luôn, hoặc có về thì không phục vụ cho cơ quan nhà nước mà lại phục vụ cho doanh nghiệp tư nhân, trong khi ngân sách thành phố bỏ tiền ra để đào tạo cho họ”, ông Hòa nói và đề nghị phải có quy định rõ, ràng buộc nghĩa vụ đối với người được thụ hưởng chính sách.
Thảo luận thêm, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhận định, để quy định về thu hút và trọng dụng nhân tài cho thủ đô có tính khả thi, cần trao quyền cho HĐND TP.Hà Nội ban hành các văn bản cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút. Cùng với đó là phân loại nhân tài nhằm có chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ cho phù hợp.
Vẫn theo ông Mai, để thu hút và giữ chân được người tài, một số điều kiện đảm bảo khác cũng cần được lưu ý như xây dựng môi trường làm việc, khuyến khích sự năng động, sáng tạo, đổi mới; tạo điều kiện cho người tài cống hiến; thăng tiến là yếu tố quyết định đến giữ chân và phát huy tiềm năng của người tài.
Vị đại biểu tỉnh Đắk Nông nói, môi trường nào mà ở đó người tài được khẳng định chính mình, được bộc lộ năng lực, sở trường, được tôn trọng và trọng dụng mới là yếu tố quan trọng hơn cả; thậm chí quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ.
“Phải đi tìm người tài, chứ không thể ngồi chờ người tài tìm đến”
Cùng quan tâm về nội dung thu hút và trọng dụng nhân tài, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) cho rằng, với bối cảnh hiện nay, đây là chính sách hết sức quan trọng, nếu làm tốt sẽ giúp thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá, đạt được các mục tiêu đề ra.
Ông Hùng dẫn chứng thực tế, cho thấy những quốc gia vượt qua được “bẫy thu nhập trung bình” và trở thành quốc gia phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc..) đều rất ít dựa vào tài nguyên và phải chú trọng đến yếu tố nhân tài.
Tuy nhiên, quy định hiện nay tại dự thảo về nội dung này còn chưa rõ, chưa đầy đủ, cần hoàn thiện để việc triển khai được khả thi.
Vị đại biểu đoàn TP.Cần Thơ đưa ra một số số liệu mà mình tra cứu được. Trong đó, giai đoạn 2013 – 2022, Hà Nội chỉ thu hút được 55 nhân tài là thủ khoa các trường đại học. Tương tự, TP.HCM là nơi có rất nhiều chính sách thu hút nhân tài, nhưng giai đoạn 2018 – 2022 cũng chỉ thu hút được 5 nhân tài.
Một vấn đề mà ông Hùng rất quan tâm, đó là thu hút nhân tài không thể chỉ dựa vào việc đưa ra một số chính sách ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ.
Ông Hùng lấy ví dụ, Chính phủ nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp lớn… đã chủ động tìm kiếm, phát hiện nhân tài từ rất sớm, khi họ còn đang là học sinh, sinh viên; sẵn sàng hỗ trợ kinh phí học tập, trả lương; ký cam kết tuyển dụng từ trước khi ra trường.
“Điều đó cho thấy chỉ thu hút, trọng dụng nhân tài là chưa đủ, mà cần có chính sách để tìm kiếm, phát hiện nhân tài”, ông Hùng nói.
Vị đại biểu còn đề nghị làm rõ hơn khái niệm “nhân tài”. Theo ông, người tài không có nghĩa là người thông minh nhất, có nhiều bằng cấp nhất, học vị cao nhất, mà phải là người phù hợp nhất với công việc, đạt được kết quả cao nhất khi được giao nhiệm vụ, có tầm nhìn và khả năng phát triển trong tương lai.