Đào tạo báo chí trong công cuộc chuyển đổi số không chỉ cần vai trò của các cơ sở đào tạo, còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: Nhà nước – cơ quan chủ quản – cơ quan báo chí – cơ sở đào tạo.
Sự kết hợp này cùng với những cam kết chiến lược, đầy đủ cơ sở pháp lý, bài toán “nhân lực chuyển đổi số toàn diện” trong lĩnh vực báo chí sẽ được giải, góp phần thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chuẩn bị các điều kiện cho thế hệ nhà báo tương lai
Từ góc nhìn của cơ quan báo chí, Đại tá, Thạc sỹ Nguyễn Hồng Hải, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho rằng đào tạo nghiệp vụ chuyển đổi số hiện nay có 3 thách thức lớn. Đó là: Nhiều nhà báo chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng tác nghiệp báo chí chuyển đổi số. Các tòa soạn chưa đầu tư về công nghệ chuẩn, đồng bộ, nên người làm báo chưa có cơ hội thực hành. Nhiều nhà báo vẫn đang quen với tư duy làm báo truyền thống, sức ỳ lớn, ngại thay đổi.
Để hỗ trợ sinh viên, nhà báo chuyển đổi số toàn diện, Nhà nước, cơ quan chủ quản, cơ sở đào tạo phải cùng phối hợp để đào tạo, bồi dưỡng, mở ra cơ hội học tập thường xuyên, chính thức cho các nhà báo. Hạn chế trong chương trình đào tạo nhân lực báo chí hiện nay vẫn là đào tạo hàn lâm, thiên về lý thuyết, nên người học sẽ thiếu kiến thức thực tế và tốn thêm thời gian tích hợp kỹ năng sau khi ra trường. Nói như vậy, không có nghĩa là xem thường đào tạo lý thuyết, bởi, nếu chương trình học chỉ đào tạo kỹ năng, người học sẽ thiếu kiến thức nền tảng, kiến thức xã hội và đặc biệt là các phương pháp luận, phương pháp phân tích, giải quyết vấn đề dẫn đến có thể viết những bài sáo rỗng, không có chiều sâu, góc nhìn riêng. Đào tạo báo chí theo mô hình “đưa tòa soạn đến giảng đường”, gắn đào tạo với thực tiễn báo chí đang là hướng đi đúng đắn. Nếu có được sự gắn kết trách nhiệm chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước – cơ quan chủ quản – cơ quan báo chí – cơ sở đào tạo, với những cam kết chiến lược, đầy đủ cơ sở pháp lý, bài toán “nhân lực chuyển đổi số toàn diện” cho báo chí sẽ được giải dễ dàng, đem lại triển vọng lớn mạnh cho báo chí Việt Nam.
Nêu quan điểm cần xây dựng, ban hành chương trình đào tạo phù hợp với chuyển đổi số báo chí, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân Nguyễn Hồng Hải cho rằng cần sự tham gia, phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, cơ quan báo chí, nhà xuất bản để xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo báo chí, xuất bản trên cả nước.
Chỉ có khung chương trình chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi thực tiễn, phù hợp với xu thế hiện đại mới có được nguồn nhân lực tốt, ngang tầm nhiệm vụ. Các chuyên gia, nhà báo, nhà quản lý ở cơ quan quản lý báo chí xuất bản, cơ quan báo chí, nhà xuất bản… cần tham gia giảng dạy tại các trường, học viện. Việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực báo chí không chỉ là nhiệm vụ của riêng các trường đại học và cơ sở giáo dục mà còn cần sự tham gia, ủng hộ từ phía ngành báo chí, cộng đồng và chính quyền, nhằm tạo ra một môi trường đào tạo đa chiều, thực tế, gần gũi với yêu cầu của thị trường lao động cũng như xã hội.
Đào tạo nhân lực báo chí trong kỷ nguyên số không chỉ là việc truyền đạt kỹ năng nghề nghiệp mà còn là việc hình thành nên tư duy phản biện, đạo đức nghề nghiệp vững chắc và tầm nhìn xa hơn về vai trò của báo chí trong việc định hình xã hội. Để chuẩn bị cho thế hệ nhà báo tương lai, không chỉ trang bị cho họ kỹ năng nghề nghiệp, còn cần nuôi dưỡng tình yêu với nghề, trách nhiệm với xã hội, khả năng thích ứng với sự thay đổi không ngừng của môi trường truyền thông. Thông qua đầu tư, đổi mới trong giáo dục, ngành báo chí sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội – Đại tá, Thạc sỹ Nguyễn Hồng Hải nói.
Liên kết các bên trong đào tạo nghiệp vụ báo chí số
Đưa ra các giải pháp về đào tạo theo định hướng báo chí truyền thông số và đa nền tảng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Những năm gần đây, mạng xã hội đang có xu hướng được khai thác trong hoạt động đào tạo báo chí, truyền thông. Nền tảng này được coi là công cụ để sinh viên học hỏi, trang bị cho bản thân những kỹ năng của biên tập viên truyền thông xã hội. Tư duy “đa nền tảng” của sinh viên được trau dồi từ những bài tập thực hành, làm sản phẩm thực tế trong trường học. Theo đó, sinh viên báo chí, truyền thông có cơ hội rèn luyện kỹ năng trực quan hóa văn bản, trực quan hóa dữ liệu, biết cách sử dụng công cụ đồ họa để sản xuất và phân phối nội dung phù hợp tới nền tảng mạng xã hội nói riêng, hay nền tảng số nói chung.
Một đòi hỏi quan trọng hiện nay của lĩnh vực báo chí truyền thông đó là hiểu sâu về hành vi của độc giả. Đây là điểm mới cần đưa vào trong nội dung đào tạo để sinh viên có thể áp dụng việc phân tích hành vi người tiêu dùng tin tức trên các nền tảng khác nhau, kể cả báo chí và mạng xã hội… Các môn học cũng có thể khai thác mạng xã hội như một kênh phát hành nội dung để tập luyện năng lực sáng tạo tác phẩm cho sinh viên. Bên cạnh việc phát triển kỹ năng theo kịp xu hướng đa phương tiện, các sở đào tạo cũng cần chú trọng tới “chuyên môn hóa” cho người học. Kiến thức hướng tới sự chuyên sâu, chuyên biệt với từng lĩnh vực cụ thể, như báo chí chuyên biệt về xã hội, báo chí chuyên biệt về kinh tế, báo chí chuyên biệt về thể thao, báo chí chuyên biệt về môi trường, báo chí di động, báo chí đa nền tảng…
Đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghiệp vụ báo chí số, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị trước hết cần xác định rõ về yêu cầu sống còn trong việc nâng cao năng lực, đổi mới mô hình đào tạo báo chí số với cả các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo chí, các cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông; đẩy mạnh đổi mới, liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển của báo chí số. Theo đó, cần tái cấu trúc mô hình đào tạo, xây dựng lại triết lý giáo dục, xác định rõ đầu vào, đầu ra và tất cả các yếu tổ của quá trình đào tạo nghiệp vụ báo chí số.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo báo chí, các doanh nghiệp, các hiệp hội, viện nghiên cứu và các cơ quan báo chí để với các tổ chức truyền thông để xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế; tăng cường liên kết 4 nhà trong đào tạo nghiệp vụ báo chí số (nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu phát triển và ứng dụng, nhà sáng chế công nghệ); đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo…
Giải pháp tiếp theo cần chú ý là tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, rèn luyện kỹ năng báo chí số, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, học tập suốt đời cho sinh viên. Cần tiếp tục với chất lượng cao hơn nữa mối liên kết giữa nhà trường với nhà tuyển dụng; xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao…
Hội Nhà báo Việt Nam luôn sẵn sàng liên kết với các đơn vị đào tạo báo chí nhằm góp phần xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí số cho người học ở các bậc học, cũng như đội ngũ hội viên, nhà báo trong cả nước, từ đó đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số báo chí hiện nay – Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định.
Theo TTXVN
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/dao-tao-bao-chi-trong-ky-nguyen-so-bai-cuoi-giai-bai-toan-ve-nhan-luc-chuyen-doi-so-toan-dien-cho-bao-chi/20240621012012861