Từ việc ồn ào của nghệ sĩ Đỗ Kỷ, giới hạn nào cho sự “đích thực” đối với danh hiệu NSND, NSƯT?
Ồn ào về hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lần thứ 10 của NSƯT Đỗ Kỷ vẫn chưa dừng lại sau bài đăng trên trang cá nhân (mạng xã hội Facebook) của ông ngày 24/11/2023. Trong nội dung đăng tải và trong Đơn xin cứu xét nghệ sĩ thậm chí nêu rõ ông đã bị “choáng”, “sang chấn tâm lý”, “huyết áp luôn ở mức 170mgH”… Hàng ngàn bình luận trái chiều, hàng trăm lượt chia sẻ đã diễn ra. Câu hỏi của nhiều độc giả đặt ra và tập trung là: tiêu chí (cứng và mềm), giới hạn về việc đề nghị, xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cũng như tham vọng của người làm nghệ thuật trong thế giới danh vọng?
NSƯT Đỗ Kỷ cho biết vừa nhận được thông báo mới nhất của Cục nghệ thuật biểu diễn, do đó, hồ sơ xét duyệt của ông bị dừng lại do có đơn thư. (Ảnh: Toàn Vũ) |
Đề nghị và xét tặng danh hiệu, dừng lại vì đâu?
Ngày 24/11, trên trang facebook cá nhân (nick Đỗ Kỷ), NSƯT Đỗ Kỷ đăng ảnh Đơn xin cứu xét (đề ngày 23/11) gửi các lãnh đạo và cơ quan có thẩm quyền xem xét về một Thông báo ông đã nhận trước đó. Cụ thể là nội dung: “Hồ sơ này Ban Thi đua – khen thưởng T.Ư trình Thủ tướng Chính phủ tạm để lại do: cá nhân có đơn thư, chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lần thứ 10”.
Nội dụng này được trích từ Thông báo số 604/TB-NTBD ngày 21/11/2023 thông báo kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” lần thứ 10 của Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi thông tin đến NSƯT Phạm Đỗ Kỷ”.
Ngay sau các thông tin đăng tải của nghệ sĩ Đỗ Kỷ, tại một “nick” facebook khác mang tên Nguyễn Thế Khoa (Tổng biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam và Trang TTĐT của Tạp chí Văn hiến Việt Nam) cũng đăng đàn chia sẻ câu chuyện liên quan. Trong đó, nhà báo nêu rõ một phần nội dung mà nghệ sĩ Đỗ Kỷ đã thắc mắc trong đơn như: “Tạp chí Văn hiến Việt nam từng nhận được Đơn tố cáo NSƯT Đỗ Kỷ”.
Ông Khoa cũng nêu chi tiết: “Tôi chợt nhớ giữa năm 2022 và đầu năm 2023 tạp chí Văn hiến Việt Nam đã liên tục nhận được đơn tố cáo khẩn cấp của một người từng là đồng nghiệp của NSƯT Đỗ Kỷ tại Nhà hát kịch VN. Các lá đơn đều khẳng định NSUT Đỗ Kỷ không đủ phẩm chất đạo đức và tiêu chuẩn chuyên môn theo Nghị định số 40/2021 của Chính phủ về việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT”.
Nhà báo còn chi tiết: “Người gửi đơn có gửi kèm Biên bản làm việc về những phản ánh trên của bà đối với NSƯT Đỗ Kỷ của Thanh tra Bộ VHTTDL vào hồi 8h ngày 18/8/2022 tại trụ sở tại Bộ 51 Ngô Quyền. Vì tạp chí Văn hiến VN không có năng lực điều tra nên chúng tôi xin tiếp nhận văn bản của người tố cáo và chờ xử lý của cơ quan chức năng”.
Như vậy có nghĩa là nghệ sĩ Đỗ Kỷ không chỉ nhận được một đơn thu tố cáo mà là nhiều đơn thư tố cáo và mức độ là “liên tục”. Và những đơn thư tố cáo đó có thể đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Đó cũng là lý do vào chiều 1/12/2023, NSƯT Đỗ Kỷ cho biết, ông vừa nhận được văn bản mới nhất từ Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) về việc ông trượt xét duyệt danh hiệu NSND.
Thông báo ghi rõ: “Hồ sơ này Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ tạm để lại do cá nhân có đơn thư, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” lần thứ 10″.
Thực tế thì việc xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”. “Nghệ sĩ ưu tú” theo Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/ NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2014) đã quy định rất rõ về tiêu chí đề nghị, xét tặng. Nếu đối chiếu kỹ càng cũng sẽ thấy được nguyên do của vấn đề. Chưa hết, một cá nhân đã có đơn thư tố cáo thì bắt buộc sẽ phải xử lý theo Luật tố cáo. Tức việc giải quyết đơn thư tố cáo và thời gian chờ đợi giải quyết đơn thư từ các cơ quan chức năng cũng là một yếu tố cần lưu tâm trong việc xem xét các công tác khen thưởng, phong tặng. Sẽ rất khó xử lý hệ quả khi một cá nhân đang có đơn thư lại được phong tặng từ cấp Bộ, Nhà nước… Đây tuy là một thiệt thòi song thực tế bắt buộc sẽ phải tuân theo quy trình đợi giải quyết đơn thư có kết quả, kết luận sáng rõ. Trong trường xảy ra thiệt hại và người bị hại có ý kiến thì sẽ được tiếp tục giải quyết theo luật định (việc này không chỉ có quy định mà còn có cả tiền lệ rất rõ ràng).
NSƯT Đỗ Kỷ đóng vai ông Kình trong phim “Nơi giấc mơ tìm về”. (Nguồn: VTV) |
Giới hạn của phản ứng và buồn vui cách ứng xử của nghệ sĩ được “phong danh”
Mặc dù nghệ sĩ Đỗ Kỷ khẳng ông “nào có ham danh nọ, tước kia” nhưng cách ông đăng tải các thông tin mang tính chất nội bộ, đang được làm rõ với mục đích “mong bà con cho ý kiến để mình hết buồn và thêm tin yêu ở cuộc đời này ạ” và cũng “tự kết luận” rằng “vậy mà vẫn có người ganh ghét, tỵ hiềm” thì rất đáng suy nghĩ về câu chuyện ứng xử, ứng xử đúng đắn và giới hạn của phản ứng và buồn vui cách ứng xử của nghệ sĩ được Nhà nước “phong danh”.
Việc lo lắng và buồn – ở góc độ cá nhân nghệ sĩ là có thể hiểu và chia sẻ, thông cảm. Song với cách thức và nội dung cũng như hướng “quy kết” của nghệ sĩ dường như đã cả gián tiếp, trực tiếp gây thiệt hại cho các cán bộ, lãnh đạo cơ quan quản lý có liên quan (cũng là những đồng nghiệp thân thiết của ông).
Cũng trong thông tin đăng tải, nghệ sĩ nêu “ý nguyện”: “Thảo dân chỉ mong được an yên để vui sống và muốn mọi người không bị vào tình cảnh như thảo bây giờ. Niềm hy vọng nhỏ bé này đâu có khó thành hiện thực nhỉ? Hỉ xả … hỉ xả…” Nhưng thực tế, một người có thâm niên trong nghề, có kinh nghiệm quản lý và trải nghiệm sống “giàu có”, phong phú như nghệ sĩ Đỗ Kỷ cũng hiểu rằng việc ông đưa các thông tin mang tính nội bộ, có nhiều nội dung đang được làm rõ công khai lên “chợ” – mạng xã hội để “xin ý kiến” của“cư dân” mạng đã là cách giải quyết không bình yên, không hỉ xả rồi…
Thực tế thì các nội dung đăng tải của cả nghệ sĩ Đỗ Kỷ lẫn nhà báo Nguyễn Đăng Khoa nêu trên lập tức gây ra những cuộc “tranh luận” nảy lửa. Nhiều luồng ý kiến đã được đưa ra để chia sẻ, cảm thông có phần “bênh vực” với “nỗi niềm” và tình trạng “sức khỏe’ của nghệ sĩ. Có luồng ý kiến lại phản bác mạnh mẽ cho rằng nghệ sĩ “làm om lên”, “như… đứa trẻ mất phần kẹo…”, “vì danh nghệ sĩ nhân dân/Tăng cao huyết áp thêm phần nguy nan…”… Có luồng ý kiến phê phán về giá trị đích thực của một nghệ sĩ và một danh hiệu như “sao cứ phải quan trọng thế. Nếu thực tài thì đâu cần ai phải ban cho…”.
Và cũng có cả luồng ý kiến không đồng tình về cách phản ứng của nghệ sĩ Đỗ Kỷ. Họ cho rằng trong Thông báo của Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi tới đã nêu rõ lý do. Nếu có thắc mắc nghệ sĩ hoàn toàn có thể… hành xử “văn minh”, đúng cách hơn bằng cách gửi Đề nghị làm rõ các thông tin không thỏa đáng và chờ đợi kết quả theo đúng quy trình giải quyết hành chính đã quy định trong Luật.
Nhiều khán giả còn cho rằng sự “thiếu cảm thông” và phản ứng “chưa hợp lý” này của nghệ sĩ là xuất phát từ việc “ham hố”, “xính danh”, “háo danh”, “không chịu buông bỏ”… Thậm chí, việc “kể” thêm ở trong Đơn cứu xét việc làm bình thường của một cán bộ Bộ – “chị Nguyệt, số điện thoại…” cũng là điều đáng suy nghĩ. Việc làm của một cán bộ tổ chức là đề nghị gỡ các thông tin mang tính nội bộ, đang được làm rõ… khỏi nơi vẫn được xem là “chốn thị phi nảy lửa” để đợi kết quả cuối cùng âu cũng là việc làm đúng quy định, văn minh. Song qua nam nghệ sĩ nó lại bị hướng đến một ý niệm khác. Chưa kể, vô hình trung, các cuộc tranh luận và các ý kiến khán giả, độc giả đã ít nhiều “động chạm” làm tổn thương những nghệ sĩ đích thực (đã đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định) đã được phong tặng danh hiệu.
Cậu chuyện đề nghị, xét tặng danh hiệu này chắc chắn vẫn chưa thể kết thúc. Không chỉ bởi mọi nội dung đơn thư đang trong quá trình xem xét, giải quyết mà có lẽ còn bởi một phần từ chính cách ứng xử của những người trong cuộc – những người dường như đang cố tình “châm ngòi” vụ việc, đẩy luồng dư luận theo hướng mình mong muốn.
Dù thế nào thì trước và cả sau những vụ việc như này thì việc phản ứng của nghệ sĩ và đặc biệt là cách chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội (vốn rất nhạy cảm và có nhiều quy định quản lý giám sát, đan chéo) rất đáng để bàn và xem xét xử lý nghiêm túc. Đó không chỉ là việc nhạy cảm, rất dễ tạo ra những hệ lụy xấu mà còn tiềm ẩn nhiều gây thiệt hại cho nhiều cá nhân, đơn vị liên quan.