Ngày 2-6 ở Nhà hát lớn Hà Nội và 3-6 tại Nhạc viện TP.HCM, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn sẽ mang ba học trò cưng của ông về Việt Nam biểu diễn, mở màn chuỗi chương trình thường niên Timeless Resonance – Thanh âm bất tận, do Thanh Việt Production tổ chức.
Live concert lần này nằm trong tour diễn thế giới của ông và các học trò. Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong hành trình đó.
Các nước đang vượt Việt Nam
Dịp này lịch trình của Đặng Thái Sơn dày đặc. Trước mắt ông có một concert ở Singapore (24-5), Đài Loan (1-6), Nhà hát lớn Hà Nội (2-6), Nhạc viện TP.HCM (3-6), Đài Loan (4-6). Sau đó là các điểm đến ở châu Âu, Thụy Sĩ, Canada…
Dẫu vậy danh cầm vẫn tranh thủ “tạt” về nhà, có mặt tại họp báo Timeless Resonance – Thanh âm bất tận (diễn ra chiều 22-5 tại Hà Nội) để chia sẻ về live concert mở màn của ông và các học trò cũng như tình hình âm nhạc cổ điển ở Việt Nam.
Đặng Thái Sơn cũng lý giải vì sao ông chọn Việt Nam làm điểm khởi đầu cho tour diễn vòng quanh thế giới lần này: “Phát triển giáo dục âm nhạc ở Việt Nam đang có vấn đề, đáng báo động”.
Nghệ sĩ tâm sự trong những dịp về nước gần đây, ông từng nhắc nhở, sau đó là lên tiếng báo động nhưng đều “không ăn thua”.
“Việt Nam có lịch sử nhạc cổ điển vào hàng sớm của khu vực, khoảng đầu thế kỷ 20. Ở đây, so riêng với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta có cả một truyền thống về nhạc cổ điển “ăn đứt” họ”, danh cầm nói.
Ta cứ ngồi đó và tự hào nhạc cổ điển Việt Nam có lịch sử trăm năm nhưng các nước khu vực đã vượt mặt từ bao giờ không hay. Thái Lan đang lên rất mạnh, Singapore thì rõ ràng rồi, Malaysia và Indonesia lên ào ào, ầm ầm.
“Nói không ăn thua nên tôi chỉ biết cụ thể hóa bằng hành động, lúc thì qua các festival, lúc thì những cuộc thi quốc tế, hoặc đơn giản là những cuộc giao lưu, những chương trình biểu diễn (mà Timeless Resonance – Thanh âm bất tận là một ví dụ), như một ẩn ý của tôi”, ông bày tỏ.
Nghệ sĩ cho biết thêm từ lâu ông cũng mong được trình diễn những tác phẩm có quy mô của các tác giả Việt Nam nhưng chờ đợi khá lâu rồi mà chưa có. “Nói chung có một số hạn chế”, ông nói.
Đặng Thái Sơn chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên vì ông muốn mở đầu với một điều gì đó “có liên quan đến nguồn gốc của bản thân”.
Lần này trở lại, ông mang theo những học trò tài năng gồm “thần đồng” Sophia Shuya Liu, “ngón tay ma quái” Zitong Wang và người chơi những bản nhạc “có quy mô” Kai-Min Chang.
Họ đều rất trẻ nhưng đã giành nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi piano quốc tế lớn trên thế giới.
Vì lịch trình nên có vài cái tên vắng mặt, không thể góp mặt, trong đó có Bruce Liu, người học trò giành giải nhất tại cuộc thi concours Chopin năm 2021 – cuộc thi hơn 40 năm trước, ông từng được xướng tên.
Nghe Đặng Thái Sơn nói chuyện dễ nhận thấy đó là tâm tình dành cho quê hương của người nghệ sĩ 65 tuổi này. Đó cũng là cách ông muốn làm một điều gì đó cho nhạc cổ điển Việt Nam.
Ở nước ngoài, các nhà hát, các khán phòng hòa nhạc cổ điển từ vài trăm tới vài ngàn chỗ, đều được lấp kín khi có suất diễn. Hy vọng Việt Nam dần hình thành văn hóa bỏ tiền mua vé để thưởng thức âm nhạc.
Nhạc sĩ Quốc Trung
“Nhạc sĩ Quốc Trung lại… liều rồi!”
Nhạc sĩ Quốc Trung là giám đốc Thanh Việt Production, đơn vị sáng lập và tổ chức Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) nhiều năm qua.
Monsoon đã tạo ra một quy trình sản xuất, chuẩn bị kỹ thuật và xây dựng dự án biểu diễn với các tiêu chí, điều kiện thực hiện theo tiêu chuẩn chung của thế giới, trở thành một thương hiệu văn hóa của Hà Nội.
Khi làm Gió mùa, năm nào Quốc Trung cũng kêu lỗ, tiền bán vé không bù nổi 30 – 50% chi phí sản xuất. Nhiều bạn bè không nêu tên đã gửi tiền ủng hộ chương trình.
Nhưng vì muốn cống hiến, muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa cho âm nhạc Việt Nam, anh vẫn lao vào.
Sau Gió mùa, từ năm 2024 này, Quốc Trung nói anh có một hoài bão mới liên quan đến âm nhạc cổ điển.
Vì vậy Quốc Trung xem việc tổ chức live concert đầu tiên cho Đặng Thái Sơn và các học trò ở Việt Nam lần này là một cơ hội lớn để “chào sân”, để giới thiệu một series hoàn toàn mới liên quan đến nhạc cổ điển.
Sau Đặng Thái Sơn và các học trò của ông, tới đây anh sẽ đưa nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, đỉnh cao trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển của thế giới về biểu diễn ở Việt Nam.
Nghe anh tiết lộ kế hoạch, có người “thót tim giùm Quốc Trung” hoặc tự nhủ “Quốc Trung lại… liều rồi”.
Bởi lẽ những năm qua, khán giả của nhạc cổ điển có vẻ ngày tăng lên nhưng nói cho cùng, vẫn còn quá khiêm tốn so với những dòng nhạc khác.
Chính bản thân nhạc sĩ khi chia sẻ với Tuổi Trẻ cũng tự nhận đã liều khi mời Đặng Thái Sơn và các học trò về nước lần này.
Anh nói ở ta, nhạc cổ điển là lĩnh vực dễ bị ngó lơ. Nếu Nhà nước hoặc các dàn nhạc không đứng ra tổ chức, cũng ít đơn vị tư nhân dám đứng ra làm.
Quốc Trung muốn gây dựng series mới này, tạo cảm hứng cho những nghệ sĩ trẻ nói riêng và nghệ sĩ Việt Nam nói chung, không chỉ trong nhạc cổ điển mà ở các dòng nhạc khác.
Để chúng ta có thể đủ năng lực bước ra thế giới, đồng thời tác động trở lại, làm cho đời sống âm nhạc Việt Nam ngày một phát triển và phong phú hơn.
Quốc Trung kể, lúc đầu, anh nghĩ sẽ trả cát sê cho Đặng Thái Sơn từ việc bán vé. “Nhưng điều này rất khó trong bối cảnh Việt Nam, chúng ta có một bộ phận khán giả luôn cảm thấy được tặng vé sang hơn đi mua vé”, nhạc sĩ nói “may mắn, có những nhà hảo tâm đồng hành nên chúng tôi mới bớt áp lực”.
Vẫn còn đường dài
Nhạc cổ điển Việt Nam những năm qua khởi sắc nhờ lứa nghệ sĩ trẻ tài năng du học tại nước ngoài trở về, kéo theo đó là các chương trình đa dạng và chất lượng.
Cộng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà hát và các địa điểm phi truyền thống khác (không gian ngoài trời, bảo tàng, phòng triển lãm…). Mới đây, hồi tháng 3, Việt Nam lần đầu có một lễ hội âm nhạc cổ điển diễn ra tại Đà Lạt.
Song nhìn chung, khán giả ở ta chưa có thói quen mua vé thưởng thức nhạc cổ điển.
Trong khi đó, việc kêu gọi tổ chức, tài trợ cho các sự kiện liên quan đến nhạc cổ điển gặp nhiều khó khăn, nhiều nhà đầu tư ngại ngần, số lượng nhà hát đạt chuẩn cũng còn khiêm tốn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dang-thai-son-mang-theo-chuong-bao-dong-20240524102829388.htm