Sau 6 năm đầu chủ yếu đi nhận xây lắp ăng ten, tháp truyền hình – công việc thuần túy về xây dựng để công ty có nguồn thu, duy trì đội ngũ, đến năm 1995, Viettel đứng trước cơ hội mới khi được Chính phủ cho phép khai thác kinh doanh đầy đủ các dịch vụ viễn thông. Khi đó, Viettel là doanh nghiệp duy nhất trong nước được cấp giấy phép. Thế nhưng, công ty lại chẳng có hoạt động kinh doanh dịch vụ nào liên quan.
Bước ngoặt cho con đường phát triển đến vào 2 năm sau, khi Viettel nhận được dự án “lịch sử” – dự án đường trục cáp quang quân sự Bắc – Nam (1A) cho Bộ Tư lệnh Thông tin. Cơ hội luôn đi kèm với thách thức, và thách thức lần này vô cùng khó nhằn: một doanh nghiệp non trẻ cần giải được và giải đúng một bài toán mà trước giờ ngay cả các doanh nghiệp lâu đời, nhiều kinh nghiệm hơn cũng chưa từng thực hiện.
Cụ thể, tại Việt Nam lúc bấy giờ chỉ có duy nhất đường trục cáp quang của bưu điện với tốc độ 34M/s. Đường trục 1A có tất cả 10 sợi quang dọc theo đường điện 500 KV theo hướng Bắc – Nam: EVN được 4 sợi, nhưng chỉ dùng 2 sợi hoạt động, để 2 sợi dự phòng, VNPT cũng được 4 sợi và sử dụng với công thức tương tự. Nắm bắt cơ hội, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc tích cực vận động và xin được 2 sợi quang dư thừa, bàn giao lại cho Viettel triển khai.
Song, không phải cứ có sợi quang là truyền dẫn được, vì mỗi đường trục cáp quang cần trung bình 4 sợi để thu, phát hiệu quả. Viettel chỉ có một nửa trong số đó. Viettel phải “đánh liều” với công nghệ thu – phát trên 1 sợi, trong khi cả thế giới mới chỉ có Anh áp dụng cho tuyến dài khoảng 200 km, còn châu Á thì không có nước nào triển khai.
“Các kỹ sư công nghệ của Viettel hồi đấy cũng đều đang trên lý thuyết, chưa có người nào được thực tế xây dựng đường trục cáp quang nào cả. Rất nhiều chuyên gia của nước ngoài khuyên chúng tôi là: Thôi các ông đừng có tự làm nữa, thuê làm đi, đứng xem thôi” – Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, nguyên Q.Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, người từng trực tiếp tham gia vào dự án, nhớ lại.
Nhưng người Viettel không dễ dàng bỏ cuộc như vậy. Con đường đi duy nhất là tìm ra cách biến điều không thể thành có thể.
Doanh nghiệp này làm việc với rất nhiều đối tác nước ngoài cung cấp công nghệ cáp quang để tìm giải pháp cho đường trục chỉ có 2 sợi, và thuyết phục Hội đồng khoa học của Bộ Quốc phòng chấp nhận công nghệ này. Để chứng minh, người Viettel sang tận Anh làm việc với những nhà cung cấp dịch vụ để lập cấu hình trong phòng thí nghiệm.
Dự án của quân đội, là bí mật quốc gia, nên Viettel phải tự thiết kế đi thiết kế lại, thử đi thử lại một cách không đếm xuể. Chỗ nào không có điện phải dùng pin mặt trời, chỗ nào phải dùng máy nổ chỉ là hai trong vô số vấn đề cần mày mò.
Năm 1999, Viettel hoàn thành đường trục cáp quang 1A. Khoảnh khắc cuộc gọi từ TP.HCM ra Hà Nội thông suốt, tín hiệu nghe rõ ràng, tất cả vỡ òa sau rất nhiều gian khó trước đó. Viettel trở thành công ty đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công công nghệ ghép bước sóng trên một sợi quang với cự ly xa đến hơn 2.300 km.
Đột phá công nghệ đầu tiên trong ngành viễn thông mà Viettel sinh ra từ trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy. Đường trục 1A là sự kiện lịch sử đối với Viettel, thể hiện khả năng chinh phục những thứ chưa có tiền lệ, mà sau này khát vọng đó đã giúp Viettel xây dựng hệ thống mạng di động lớn nhất Việt Nam, rồi trở thành nhà mạng duy nhất trên thế giới sản xuất được thiết bị viễn thông, tiên phong thế giới về công nghệ 5G.
Sau khi có đường trục 1A, Viettel có thành công tiếp theo nhờ cung cấp dịch vụ gọi điện thoại đường dài VoIP 178, giúp phá vỡ thế độc quyền viễn thông vốn kéo dài cả thập kỷ ở Việt Nam. Và ngay khi dịch vụ này còn đang “ăn nên làm ra”, đem lại nguồn thu khổng lồ, lãnh đạo Viettel đã xác định cái gì tốt không tốt mãi và đặt mục tiêu cao hơn: Viettel phải cung cấp dịch vụ di động.
Cách đây hai thập kỷ, việc sở hữu điện thoại di động được coi là một biểu hiện của sự giàu có bởi số tiền bỏ ra để mua lẫn duy trì sử dụng đều ở mức đắt đỏ, vượt quá tầm với của số đông. Ước mơ “Mỗi người Việt Nam có một chiếc điện thoại di động” của Viettel nghe có vẻ xa rời thực tế, bởi cái khó lúc đó của Viettel nằm ở cả tài chính và công nghệ.
Nhưng như bài học trước đó về 1A, về VoIP, người Viettel hiểu trong khó khăn cũng có cơ hội.
Về tài chính, nhờ sự thoái trào của viễn thông quốc tế, đã có đối tác đồng ý cho Viettel mua 5.000 trạm phát sóng, trả chậm trong vòng 4 năm. Khi vấn đề tiền bạc được thu xếp, người Viettel nhanh chóng xử lý bài toán công nghệ, khẩn trương đi vào hoạt động kinh doanh để thu hồi vốn.
Nếu cứ theo tuần tự quy trình như cách chuyên gia nước ngoài thiết kế thì không chỉ tốn kém về tiền của mà thời gian để phát triển mạng lưới 5.000 trạm phát sóng cũng sẽ bị kéo dài, việc chiếm lĩnh thị phần bị chậm tiến độ và điều đó gần như đồng nghĩa với thất bại. Trước lời kêu gọi: “Tăng tốc, tăng tốc hơn nữa! Sáng tạo, sáng tạo hơn nữa”, người Viettel hiểu rõ muốn thành công cần tìm cách làm đột phá khác.
Từ đó, Viettel đã quy chuẩn hoá thiết kế điển hình, áp dụng cho các địa hình khác nhau như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, miền núi, hải đảo… hàng trăm trạm ở các vị trí khác nhau thì quy chuẩn về chỉ còn 5-6 loại.
Nguyên tắc nhảy tần và sáng kiến vẽ trạm theo hình mắt lưới được áp dụng, cụ thể cứ 800m đặt một trạm, chỗ nào nhiều thuê bao thì trong bán kính 400m đặt một trạm. Ông Hoàng Anh Xuân (Tổng Giám đốc Viettel lúc đó) đã đưa ra khái niệm “chuẩn hoá thiết kế nhà mạng”, trong đó có chuẩn hoá thiết kế cột ăng ten, quyển mẫu về định mức lắp đặt trạm BTS Viettel.
Với nguyên tắc thiết kế lưới và nhảy tần, Viettel có thể quy hoạch, thiết kế mạng di động với số lượng lên tới hàng nghìn trạm chỉ trong 1 ngày thay vì nhiều năm, tiết kiệm tiền, làm chủ công nghệ và đảm bảo chất lượng.
“Do tự làm nên mình làm chủ được, kích thích được lòng tự tôn dân tộc, nên có rất nhiều sáng kiến, cải tiến trong quá trình làm, có đến hàng nghìn cải tiến trong quá trình thiết kế, thi công và khai thác mạng lưới” – ông Hoàng Anh Xuân, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho hay.
Ngày 15/10/2004, Viettel chính thức khai trương mạng di động với đầu số 098. Chưa đầy một năm, số thuê bao đạt mốc 1 triệu – mức tăng trưởng mà các mạng di động trước đó phải mất hơn 10 năm mới đạt được. Trong 12 tháng, có thể nói Viettel đã tạo nên sức hút và bứt tốc mạnh mẽ hơn các đối thủ.
Trong vòng 2 năm, Viettel đã sở hữu số trạm lớn hơn tất cả các nhà mạng khác cộng lại đã triển khai trong 10 năm trước đó, góp phần đưa mật độ điện thoại ở Việt Nam từ 4% tăng lên 90% năm 2007 và hiện tại là 130%.
Dịch vụ di động vốn là xa xỉ bỗng trở thành thiết yếu, là dịch vụ phục vụ đời sống xã hội, phục vụ Nhân dân. Mà phía sau đó là sự làm chủ của Viettel, độc lập hoàn toàn từ việc thiết kế, vận hành, khai thác cho đến nghiên cứu các công nghệ độc đáo nhất đưa vào áp dụng.
Nhiều lý do có thể giải thích cho các thành công liên tiếp của Viettel vào giai đoạn phổ cập viễn thông ở Việt Nam. Nhưng sâu xa, cốt lõi nhất vẫn là bản lĩnh nhanh nhạy, luôn tiến về phía trước cộng hưởng với tinh thần quyết tâm, sáng tạo đã giúp một nhà mạng đi sau hoàn toàn có thể về trước trong cuộc đua cả về công nghệ lẫn kinh doanh.
Như lời ông Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông từng nói: “Công nghệ phát triển rất nhanh. Rất có thể cái mà anh nghĩ hôm nay là hoàn toàn thắng lợi, sang năm chưa chắc đã thắng. Điều này đòi hỏi tầm nhìn của những người lãnh đạo. Tôi cho là tính linh hoạt, tầm nhìn xa trông rộng rất quan trọng, và đấy là một thắng lợi của Viettel”.
Xuyên suốt 35 năm phát triển, nhiều cột mốc đã hoàn thành, nhưng khát vọng của Viettel về những chinh phục những đỉnh cao, tạo ra các đột phá công nghệ mới chưa hề dừng lại.
Sau phổ cập dịch vụ di động, Viettel đã trở thành nhà mạng số 1 ở Việt Nam và nhiều thị trường nước ngoài, Viettel tiếp tục hướng đến việc khó hơn là làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị viễn thông, tham gia vào những phân khúc giá trị cao của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
“Viettel chưa bao giờ nghỉ ngơi trên vinh quang, người Viettel chưa bao giờ ngủ quên trong chiếc bóng của số 1. Mỗi thế hệ, mỗi giai đoạn chúng ta lại tự tạo ra những ngọn núi cho mình, và như vậy chúng ta lại tiếp tục” – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng nhấn mạnh.
Với hạ tầng 4G, Viettel đã làm chủ toàn bộ hệ sinh thái công nghệ viễn thông mạng 4G trên cả 3 lớp mạng (Mạng lõi, Mạng truyền dẫn, Mạng truy nhập) với các nền tảng công nghệ ảo hóa, công nghệ lưu trữ dữ liệu phân tán…
Ở hạ tầng mạng 5G, Viettel cũng làm chủ hoàn toàn các thiết bị trong hệ sinh thái 5G bao gồm thiết bị truy nhập vô tuyến, thiết bị truyền dẫn, hệ thống mạng lõi.
Với lĩnh vực bán dẫn, chiến lược 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Viettel đặt ra mục tiêu nghiên cứu, tham gia vào lĩnh vực chip bán dẫn và phấn đấu đến năm 2025 sẽ nghiên cứu và làm chủ thiết kế đối với chip bán dẫn.
Hiện nay, đa số các công ty làm về chip ở Việt Nam đang đi gia công theo thiết kế có sẵn do công ty khác tạo ra, Viettel không chọn con đường đó. Viettel sản xuất chip 5G vì sự nghiệp của tập đoàn là về viễn thông, công nghệ thông tin. Viettel cũng có một lợi thế hiếm có khi nghiên cứu chip 5G là có thể thử nghiệm ngay trên mạng lưới của mình.
“Thách thức đấy, nhưng rất hay vì đây là tương lai, cũng là cơ hội của Viettel cũng như của Việt Nam. Khó mới có cơ hội. Tìm được lời giải cho việc khó và làm chủ được thì mới phát triển được. Trong tương lai, Viettel cũng sẽ nghiên cứu, tham gia xây dựng cả nhà máy để đúc chip nữa, sau đó sẽ có những hệ thống dịch vụ xung quanh.
Viettel đặt ra mục tiêu đến 2030 trở thành công ty thiết kế chip có trình độ cao của châu Á” – ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc – người trực tiếp chỉ đạo, phụ trách và chịu trách nhiệm các hoạt động khoa học công nghệ, nghiên cứu – sản xuất thiết bị, quản lý sở hữu trí tuệ và sáng kiến ý tưởng của Tập đoàn chia sẻ.
Hiện tại, Viettel đã nâng cấp bộ máy nghiên cứu thiết kế chip lên trực thuộc Tập đoàn trực tiếp chỉ đạo, đồng thời đề ra phương hướng, giải pháp tham gia ngành công nghiệp bán dẫn của Viettel với 2 lĩnh vực.
Một là thiết kế chip, trong đó tập trung phát triển những dòng chip dựa vào thế mạnh của Viettel như chip cho viễn thông (5G, 6G), chip lưỡng dụng (dân sự và quốc phòng an ninh).
Hai là sản xuất chip, đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia.
Nhờ đó, Việt Nam bước vào kỷ nguyên 5G bằng toàn bộ hệ thống hạ tầng thiết bị mang quốc tịch của mình. Thậm chí, vươn xa hơn, trong năm 2023, hệ thống 5G dùng riêng (5G Private) hoàn chỉnh của Viettel được xuất khẩu sang Ấn Độ, quốc gia công nghệ phát triển và có dân số đông nhất thế giới.
Những sự kiện này mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông do có khả năng giảm giá thành, xóa bỏ lệ thuộc vào sự độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị khác trên thế giới.
Từ đó, Viettel sẽ tiến lên những nấc thang mới trong hành trình tự chủ công nghệ, tiến xa hơn trong bảo vệ an toàn, an ninh quốc gia, tạo tiền đề đẩy nhanh nghiên cứu, chinh phục các sản phẩm mới như chip phục vụ AI, IoT…
THU HẰNG (NỘI DUNG), DIỆC MAI (THIẾT KẾ)
Nguồn: https://vtcnews.vn/dang-sau-nhung-ky-tich-danh-dau-thang-do-cua-viettel-ar878331.html