Sáng 20-7, mặc dù trời Hà Nội đổ mưa, nhiều phụ huynh đã cùng con đến Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024 để nghe tư vấn đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Khá nhiều thí sinh đi cùng bố hoặc mẹ. Nhiều nhóm bố mẹ ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ… đi cùng nhau đến để hỏi và nghe tư vấn cho các con.
Nguyện vọng 1 có được ưu tiên hơn các nguyện vọng sau đó?
Chia sẻ ở Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết ngay trong ngày đầu hệ thống xét tuyển mở, đã có nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống. Tuy nhiên còn 10 ngày nữa để thí sinh cân nhắc kỹ để lựa chọn và sắp xếp các nguyện vọng.
Đối với các em đã có kết quả trúng tuyển sớm của các trường vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Năm trước chúng tôi đã phải xử lý các trường hợp thí sinh yên tâm với việc đã trúng tuyển sớm nên đi du lịch mà không đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển lên hệ thống. Khi biết việc phải đăng ký thì hệ thống đã đóng lại”, bà Thủy cho biết.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý thí sinh cần bảo mật tài khoản truy cập vào hệ thống, vì nếu để lộ có thể sẽ bị người khác điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng xét tuyển của mình.
Bà Thủy tư vấn không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, mà nên cân nhắc, phân bổ số nguyện vọng (có các ngành mình yêu thích và có các ngành có cơ hội đậu cao) để hạn chế rủi ro trượt tất cả các nguyện vọng.
Một phụ huynh hỏi nguyện vọng 1 có được ưu tiên hơn các nguyện vọng sau đó? PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết việc lọc ảo thực chất là sắp xếp nguyện vọng của thí sinh, để chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.
Thí sinh cần xếp thứ tự các nguyện vọng của mình theo thứ tự ưu tiên (sự mong muốn, yêu thích). Nếu thí sinh đỗ nguyện vọng được thí sinh xếp số 1 trên hệ thống thì hệ thống sẽ không xét tiếp, cho dù thí sinh có đủ điều kiện trúng tuyển các nguyện vọng khác.
Về phía các trường, theo quy định hiện nay không phải các trường ưu tiên nhận hết thí sinh có nguyện vọng 1 rồi mới xét nguyện vọng 2 hay 3… mà sẽ xét công bằng với tất cả các nguyện vọng, thí sinh đủ điều kiện sẽ được xét trúng tuyển. Vì thế thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh.
Bà Thủy cũng cho biết thí sinh không nhất thiết phải xếp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên đầu, mà có thể xếp sau nếu đó chưa phải nguyện vọng mình thích nhất.
PGS.TS Vũ Thị Hiền – trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Ngoại thương – chia sẻ một “công thức” để xếp số nguyện vọng xét tuyển theo 3 nhóm: Nhóm ước mơ là các nguyện vọng thí sinh yêu thích nhất; Nhóm vừa sức là các nguyện vọng thí sinh muốn học và có khả năng đỗ cao; Nhóm có cơ hội đỗ cao để “chống trượt”.
Tuy nhiên, “từ khóa” để thí sinh ghi nhớ khi xếp thứ tự ưu tiên là “yêu thích”, tức xếp thứ tự theo mức độ yêu thích.
Chứng chỉ IELTS còn giá trị ở thời điểm này?
Một số phụ huynh đặt câu hỏi về giá trị của chứng chỉ IELTS ở thời điểm này, trong trường hợp thí sinh chưa sử dụng chứng chỉ cho việc trúng tuyển sớm.
PGS.TS Vũ Thị Hiền cho biết: Tùy theo quy định của mỗi trường sẽ vẫn có thể xét tuyển theo phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS với một tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra các trường cũng có thể xét tuyển phương thức điểm thi. Với các tổ hợp có ngoại ngữ, các trường có thể sẽ cho phép thí sinh sử dụng chứng chỉ IELTS để quy đổi thay thế cho môn thi ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển có ngoại ngữ. Việc quy đổi sẽ tùy theo mỗi trường quy định.
Cô Hiền cũng cho biết năm nay sẽ có một số trường quy định ngưỡng điểm tốt nghiệp của các môn thi phù hợp với tổ hợp xét tuyển thí sinh đã đăng ký theo phương thức xét tuyển sớm (xét điểm học bạ). Ví dụ Trường đại học Ngoại thương ngưỡng điểm là 24. Trong trường hợp này, thí sinh cũng có thể sử dụng chứng chỉ IELTS để thay thế điểm thi môn ngoại ngữ để có thể đạt ngưỡng quy định của trường.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, phó hiệu trưởng Trường đại học Phenilkaa, giải thích thêm thí sinh có chứng chỉ IELTS cần xem kỹ đề án tuyển sinh của mỗi trường để biết chứng chỉ được sử dụng trong phương thức nào, cách quy đổi thế nào và thời điểm có thể sử dụng chứng chỉ.
Các chuyên gia cũng lưu ý trong thời gian xét tuyển, thí sinh chỉ cần cung cấp bản chụp chứng chỉ ngoại ngữ nhưng sau khi thí sinh nhập học, các trường sẽ có trách nhiệm hậu kiểm để xác minh tính hợp lệ của các chứng chỉ này.
Học cao đẳng có nhiều cơ hội việc làm?
TS Đồng Văn Ngọc, hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cho hay học ở cao đẳng khác với đại học ở điểm sẽ nghiêng về học thực hành nhiều hơn (chiếm 70% thời lượng học tập).
Nhiều trường cao đẳng cũng kết hợp với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu việc làm trong các lĩnh vực. Người học cũng có thể học tại doanh nghiệp. Vì thế người học ở trường nghề có thể dễ dàng đáp ứng yêu cầu của các vị trí việc làm trên thực tế.
“Học cao đẳng, cơ hội việc làm cũng rất nhiều và cũng có nhiều lợi thế, chứ không phải cứ học đại học thì mới dễ dàng xin được việc làm”, ông Ngọc chia sẻ.
Trượt năm nay, năm sau xét tuyển thế nào?
Nếu trượt năm nay thì có được thi và xét tuyển năm 2025 không? Trả lời câu hỏi này của phụ huynh, bà Nguyễn Thu Thủy nói: “Thí sinh là học sinh lớp 12 năm nay vẫn có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Về nguyên tắc, thí sinh học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó.
Thí sinh cũng có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng vào năm sau. Tuy nhiên có thể các trường sẽ dành ít chỉ tiêu hơn để xét tuyển với nhóm thí sinh này, nên các em sẽ ít lợi thế hơn so với việc tham gia xét tuyển năm nay”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dang-ky-xet-tuyen-dai-hoc-nguyen-vong-1-co-duoc-uu-tien-20240720093023305.htm