Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Những lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển” được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
Bắt đầu từ hôm nay (18.7) đến hết ngày 30.7, thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT hoặc cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong phần 2 chương trình tư vấn trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức hôm nay, đại diện các trường ĐH sẽ tiếp tục thông tin tới thí sinh những lưu ý quan trọng khi thực hiện việc đăng ký xét tuyển.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy năm 2023 có hơn 660.000 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký trên hệ thống xét tuyển (tương đương 66% thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT), với tổng số nguyện vọng đăng ký trên 3,4 triệu. Như vậy trung bình mỗi thí sinh đăng ký 5 nguyện vọng.
Theo quy định, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Vậy nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là phù hợp? Cách sắp xếp nguyện vọng ra sao để trúng tuyển đúng vào ngành mình yêu thích? Để cân nhắc quyết định một nguyện vọng duy nhất, thí sinh nên căn cứ vào những cơ sở nào?
Bên cạnh đó, có những thí sinh đã trúng tuyển sớm vào nhiều ngành, vậy thí sinh phải làm gì để được trúng tuyển chính thức? Lúc này, thí sinh có nên dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển nữa hay không? Nếu tiếp tục xét tuyển bằng điểm thi thì phải đặt nguyện vọng ra sao để không bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển?
Những yếu tố cần lưu ý khi chọn ngành, nguyện vọng đăng ký
Ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng thông thường thí sinh đăng ký từ 5-7 nguyện vọng ở 3 mức độ trường có mức điểm cao, mức điểm ngang bằng và mức điểm thấp để dự phòng.
”Các em nên nhớ kỹ là phải tìm hiểu rõ ngành nghề. Phải đúng ngành mình yêu thích. Không nên vì muốn trúng tuyển vào trường mình thích mà chọn ngành không thích, không phù hợp với tố chất của mình”, thầy Huy lưu ý.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, cho rằng khi đăng ký nguyện vọng, không cần chọn phương thức xét tuyển. Nếu đã trúng tuyển sớm, các em chỉ lựa chọn mã trường, mã ngành. Về tổ hợp môn, thí sinh cũng không cần chọn vì hệ thống sẽ tự chọn ra những tổ hợp môn có những môn thi đạt điểm cao nhất, phù hợp với ngành học thí sinh đăng ký. Tuy nhiên mã ngành phải trùng với tổ hợp môn mà các em thi tốt nghiệp THPT.
”Các em khi đăng ký ngành học, phải xác định năng lực, sở thích của bản thân. Nên chọn ngành mình thích, sau đó mới chọn trường có đào tạo ngành học; Tìm hiểu chương trình đào tạo, môi trường học tập… của trường mình muốn”, thạc sĩ Thạch khuyên.
Thạc sĩ Ngô Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh-Truyền thông Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, lưu ý: ”Khi thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện thì các em phải tốt nghiệp THPT và phải đưa nguyện vọng này lên hệ thống. Khi đăng nhập vào hệ thống, các em sẽ thấy danh sách những ngành đã trúng tuyển sớm để chọn. Các em có quyền thêm nguyện vọng bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thí sinh nên cân nhắc số lượng nguyện vọng, không nên đăng ký quá nhiều. Khi đăng ký nguyện vọng nên sắp xếp ngành, trường yêu thích nhất lên đầu tiên và lần lượt theo các thứ tự nguyện vọng yêu thích khác”.
Có được đăng ký 1 ngành bằng nhiều phương thức khác nhau?
Bạn đọc Khả Doanh (Tiền Giang) đặt câu hỏi: ”Em đã đủ điều kiện trúng tuyển bằng học bạ ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và muốn được học ngành này. Vậy khi đăng ký trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT, em có cần vừa đăng ký bằng điểm học bạ vừa đăng ký bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vào cùng ngành này để tăng cơ hội trúng tuyển không?”
Thầy Vũ Quang Huy cho biết: ”Công nghệ thông tin là một trong những ngành dẫn đầu và điểm chuẩn các năm khá cao tại trường. Để được chính thức trúng tuyển, em phải tốt nghiệp THPT và đăng ký ngành này lên làm nguyện vọng 1. Sau đó các em phải thanh toán lệ phí xét tuyển và xác nhận nhập học trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. Cuối cùng các em phải đến trực tiếp trường nhập học. Các em cần lưu ý các bước và các mốc thời gian”.
Khi đã trúng tuyển ngành công nghệ thông tin, đúng là ngành em mong muốn, thì các em không cần phải đăng ký thêm ngành này bằng các phương thức khác.
Thí sinh Hoài Lâm (TP.HCM) đặt vấn đề: ”Năm ngoái điểm chuẩn ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng các trường lấy ở mức rất cao, khả năng năm nay có tiếp tục tăng không? Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM điểm chuẩn ngành này dự báo ở mức nào?”.
Thac sĩ Nguyễn Ngọc Thạch cho hay điểm chuẩn tại trường có thể sẽ vẫn tương đương như năm trước, nếu có chênh lệch thì chỉ 1-2 điểm. Trường UEF đã công bố điểm sàn xét tuyển từ 16-19 tùy từng ngành. Một số ngành tăng 1 điểm so với năm trước như logistics và quản lý chuỗi cung ứng, marketing, truyền thông đa phương tiện, ngôn ngữ Anh… ĐIểm trúng tuyển các ngành dự báo từ 16-21 điểm.
Bạn đọc Nhã Phương (Lâm Đồng) thắc mắc: ”Em nhận được thông báo trúng tuyển sớm ngành quan hệ công chúng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, em phải đăng ký nguyện vọng mấy trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT thì mới ‘chắc suất’ vào trường?”. Thạc sĩ Ngô Trí Dũng giải đáp: ”Để chắc suất đậu vào trường, em cần đăng ký ngành đã trúng tuyển vào trường là quan hệ công chúng làm nguyện vọng 1”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/xet-tuyen-dh-dang-ky-bao-nhieu-nguyen-vong-la-phu-hop-185240718083608256.htm