Ghi nhận của Tuổi Trẻ, giá rau xanh tại nhiều chợ cóc, chợ dân sinh ở Hà Nội tăng mạnh những ngày qua.
Chị Huyền Phương (phố Trần Cung, Cầu Giấy) kể mấy hôm rồi vào siêu thị W. gần nhà nhưng đều báo hết rau xanh, nên chị phải ra chợ mua tạm với giá 30.000 đồng mớ rau muống, 40.000 đồng/kg bí xanh và 20.000 đồng được 2 quả cà chua nhỏ xíu.
Siêu thị giá mềm hơn
Tạt vào một sạp bán rau củ ở chợ Hà Đông, chị Phương ngạc nhiên khi tiểu thương báo giá 13.000 đồng một lạng rau mùi (ngò), nếu mua cả cân sẽ giảm còn 120.000 đồng.
Các loại rau khác như muống hay ngót, dù được người bán hàng đã giảm đáng kể so với hôm trước, vẫn còn khoảng 15.000 – 20.000 đồng một mớ, đắt hơn trước bão từ 5.000 – 10.000 đồng tùy loại. “Giá như này đã là giảm nhiều hơn so với mấy hôm trước rồi đấy”, một tiểu thương nói.
Trong khi đó, tại hệ thống các siêu thị lớn, cả nguồn cung hàng hóa và giá vẫn ổn định. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, thông tin giá cả rau củ, trái cây trong hệ thống vẫn bình ổn, nguồn cung đã được nhập tăng gấp 3 – 5 lần.
“Ngày nào chúng tôi cũng về mấy xe hàng từ Đà Lạt, TP.HCM. Nguồn cung không thiếu, kể cả các loại rau ăn lá. Trước mỗi ngày chỉ nhập từ 4 – 5 nhà cung cấp, nay nhập cả chục nhà cung cấp. Không chỉ từ Đà Lạt, rau củ còn được chuyển từ Mộc Châu, Sơn La về”, bà Dung nói.
Như mỗi ký bí xanh, tại siêu thị này chỉ bán hơn 20.000 đồng, giữ nguyên so với trước bão.
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, tại hệ thống siêu thị Top Market, các loại rau xanh vẫn chỉ khoảng 12.000 – 14.000 đồng một túi, không khác biệt so với trước bão. Ở một số hệ thống cửa hàng cung cấp rau an toàn nổi tiếng tại Hà Nội, giá mỗi túi rau giữ nguyên khoảng 20.000 – 25.000 đồng.
Bao giờ bình thường trở lại?
Bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên rộng hơn 60ha ở Thạch Thất (Hà Nội), thông tin mưa đã tạnh, có chút nắng hửng, thời tiết thuận lợi, chỉ khoảng 15 – 30 ngày nữa sẽ cung cấp ra thị trường nhiều loại rau ăn lá.
“Đợt bão này chúng tôi may hơn chút là ở trên vùng đất cao nên không bị ngập nhiều. Chủ yếu do bão quật đổ nhà màn nên giập rau. Còn những vùng đất thấp như Chương Mỹ, ngập nặng, rau hỏng hết. Cũng bởi vậy nên nguồn cung rau cho Hà Nội bị ảnh hưởng, khan hiếm”, bà Hoa nói.
Bình luận hiện tượng tăng giá mạnh các loại rau củ ở chợ, bà Hoa cho rằng khả năng còn kéo dài thêm thời gian nữa. Vì nguồn cung tại chỗ ở Hà Nội đang khan hiếm. Sau khoảng 15 – 30 ngày nữa, nguồn cung sẽ được khôi phục, kết hợp hàng hóa ở miền Nam gửi ra, giá cả sẽ trở lại bình thường.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hải, Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng, cũng cho biết hàng chục ha rau màu ở Đông Anh bị hư hại, nên đơn vị đã và đang huy động ở các nơi khác như Sa Pa, Mộc Châu, Đà Lạt để cung ứng.
“Chúng tôi đều có liên kết với các đơn vị khác, thiếu sản phẩm nào sẽ huy động các bên cung ứng ngay. Các cung đường vận chuyển đã dần thông suốt, chúng tôi chỉ thiếu khoảng 20 – 30% nguồn cung so với bình thường. Mấy hôm trước căng thẳng lắm, nhưng nay ổn hơn rồi. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho việc khôi phục sản xuất, trồng trọt lại ở Hà Nội”, ông Hải nói.
Rau xanh sẽ không đến mức khan hiếm hoặc thiếu
Một lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT khẳng định sản phẩm thịt các loại, nguồn cung không thiếu. “Sản phẩm mình đang thừa, vùng bão lũ chăn nuôi không nhiều.
Vùng chăn nuôi nhiều của cả nước tập trung ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Thị trường miền Bắc sẽ được chi viện từ nguồn cung tại các địa phương lớn nằm trong miền Nam”, vị này khẳng định.
Còn ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, thừa nhận do bão lũ nên nguồn cung rau từ các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng, giao thông một số nơi bị tác động nên nguồn cung bị giảm do đó giá rau tăng.
“Tuy nhiên sau mưa lũ bà con sẽ trồng lại và thường 30 ngày trở lên đã được thu hoạch với nhóm rau cải, các nhóm khác có dài hơn chút. Mặt khác, các nguồn rau từ các vùng khác không bị ảnh hưởng mưa bão sẽ nhanh chóng được chuyển ra vùng bị mưa bão, vì nhu cầu thị trường và lúc này giao thông đã thuận lợi”, ông Cường nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dan-xot-ruot-voi-gia-rau-tang-sau-bao-20240913075821131.htm