Điều này dẫn tới việc các địa phương của tỉnh Bắc Kạn khó khăn trong triển khai các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đạt thấp, nhiều chỉ tiêu không đạt theo kế hoạch.
Khó triển khai các chương trình về phát triển Dân tộc
Là tỉnh vùng cao, Bắc Kạn hiện nay có dân số hơn 326.500 người, người dân tộc thiêu số DTTS chiếm tới hơn 88%, tất cả các huyện và thành phố thấp nhất cũng trên 75%. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Kạn hiện nay không có phòng chuyên môn cấp huyện để triển khai thực hiện các Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi (MTQG DTTS&MN)
Phòng Dân tộc cấp huyện ở Bắc Kạn bị xóa bỏ từ ngày 1/1/2018, thực hiện theo Đề án 03 năm 2017 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy và tinh giản biên chế, các huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn. Nhiệm vụ Dân tộc chuyển về Văn phòng HĐND – UBND huyện, giao cho 1 cán bộ công chức văn phòng có nhiệm vụ chuyên trách.
Từ năm 2021 đến nay, các địa phương thực hiện 9 dự án và nhiều tiểu dự án của Chương trình MTQG DTTS& MN, có nhiều nội dung thực hiện, kinh phí lớn và nhiều chủ đầu tư. Vì vậy, ngoài 1 cán bộ chuyên trách, UBND các huyện giao nhiệm vụ cho thêm 1 lãnh đạo Văn phòng theo dõi mảng Dân tộc.
Theo báo cáo về công tác Dân tộc của UBND các huyện gửi Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn vào tháng 9/2024, cho thấy việc thưc hiện Chương trình MTQG DTTS& MN bị hạn chế, không đáp ứng theo mục tiêu, đảm bảo theo kế hoạch. Có một điểm chung được các địa phương giải thích là không có phòng chuyên môn làm nhiệm vụ, nhiệm vụ giao cán bộ kiêm nhiệm theo dõi mảng Dân tộc, nhưng khối lượng công việc lớn, tính chất công việc phức tạp, liên quan đến tài chính…
Theo ông Đào Duy Hưng, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm: Về lâu dài đề nghị UBND tỉnh Bắc Kạn xem xét cho thành lập phòng Dân tộc và giao biên chế cho huyện để trực tiếp tham mưu công tác dân tộc và Chương trình MTQG DTTS& MN. Từ đó phát huy hiệu quả trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và trực tiếp triển khai các dự án đến nhân dân.
Bà Ma Thị Cử, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho rằng: Để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ trong công tác dân tộc trên địa bàn huyện Ba Bể trong giai đoạn hiện nay và thời gian tiếp theo, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thành lập lại phòng Dân tộc cấp huyện.
Nhiều chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ DTTS không đạt
Thực hiện Chương trình MTQG DTTS&MN năm 2024, toàn tỉnh Bắc Kạn được giao hơn 422 tỷ đồng. Ngoài ra, có hơn 8,9 tỷ đồng chuyển nguồn từ năm 2022 và gần 47,2 tỷ đồng chuyển nguồn từ 2023. Nguồn lực tập trung vào hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề cho đồng bào…
Theo báo cáo mới nhất (ngày 8/11) của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn, toàn tỉnh giải ngân cho chương trình dân tộc và miền núi được hơn 260 tỷ đồng, tương đương với 62%. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương đã giải ngân được gần 250/400 tỷ đồng được giao (đạt tỷ lệ 63%); giải ngân nguồn ngân sách tỉnh là 10,9/23,2 tỷ đồng (đạt 23,2%).
Đánh giá Chương trình MTQG DTTS& MN giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn đã đạt và vượt kế hoạch được nhiều chỉ tiêu, như: tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã; thôn, bản có đường ô tô cứng hóa; Trạm Y tế được xây dựng kiên cố; nước sạch, hợp vệ sinh; phổ cập giáo dục…
Tuy nhiên, còn nhiều chỉ tiêu rất quan trọng không hoàn thành theo kế hoạch. Cụ thể như tỷ lệ hộ nghèo giảm trong vùng đồng bào DTTS (mục tiêu giảm 3,5%/ năm, nhưng năm 2021 chỉ giảm 1,48%, năm 2022 giảm 2,66% và năm 2023 giảm 2,76%), dùng điện lưới quốc gia, thiếu đất sản xuất (nhiệm vụ đề ra thực hiện hỗ trợ 314 hộ, kết quả là 0 hộ), thiếu đất ở (nhiệm vụ hỗ trợ 127 hộ, kết quả được 7 hộ).
Ban Dộc tộc tỉnh thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, đó là Chương trình MTQG DTTS&MN là chương trình mới, văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ nên tiến độ triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp, nhất là nguồn vốn sự nghiệp; Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách dân tộc và các chương trình, dự án có lúc, có nơi chưa kịp thời; Công tác theo dõi, tổng hợp, đánh giá chương trình còn hạn chế; chất lượng thông tin báo cáo chưa đầy đủ, chưa đảm bảo tiến độ, chưa phản ánh đầy đủ những bất cập, khó khăn ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành chung.
Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, không có phòng Dân tộc cấp huyện để thực hiện nhiệm vụ về công tác dân tộc làm hạn chế trong việc triển khai các chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS&MN, dẫn tới hiệu quả không cao. Ban Dân tộc tỉnh, cùng với UBND các huyện đã có kiến nghị lên Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn cho thành lập lại phòng Dân tộc cấp huyện, hiện đang được các cơ quan tham mưu của tỉnh xem xét.
Box: Trên cả nước hiện nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh đồng bằng sông Hồng không có phòng Dân tộc cấp huyện do không đủ điều kiện thành lập (số người sinh sống và làm việc trên địa bàn).
Nguồn: https://daidoanket.vn/bac-kan-dan-so-chu-yeu-la-nguoi-dan-toc-thieu-so-nhung-khong-co-phong-dan-toc-cap-huyen-10294498.html