Ba tuần sau sau khi Việt Nam và Đan Mạch thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh, phái đoàn Nông nghiệp và Thực phẩm bền vững của Đan Mạch đã có chuyến thăm TP.HCM.
Dẫn đầu đoàn là đại diện Cục Thú y và Thực phẩm Đan Mạch, Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch, cùng 9 công ty chuyên về lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm và các giải pháp lưu trữ kiểm soát nhiệt độ.
Bà Mette Ekeroth, Phó đại sứ Đan Mạch tại Hà Nội cho biết: “Chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm luôn là chủ đề hợp tác trọng tâm giữa Đan Mạch và Việt Nam, trong chương trình Hợp tác Ngành Chiến lược hiện tại cũng như quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh thiết lập gần đây giữa hai nước”. Vì thế, chuyến làm việc của phái đoàn Đan Mạch được kỳ vọng tạo nên môi trường gặp gỡ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như thúc đẩy hợp tác, góp phần đặt nền móng cho tương lai ngành nông nghiệp và lương thực song phương.
Trong ngày 22.11, Sứ quán Đan Mạch cũng phối hợp với Cục Thú y và Thực phẩm Đan Mạch và Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm nước này tổ chức hội thảo chuyên đề “Nông nghiệp cho Tương lai: Đối thoại Đan Mạch – Việt Nam về sản xuất nông nghiệp và thực phẩm xanh và tiết kiệm tài nguyên”.
Hội thảo là cơ hội giúp các công ty nông nghiệp và thực phẩm Đan Mạch và Việt Nam xác định các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, đặt nền tảng cho sự hợp tác hai bên cùng có lợi trong tương lai. Hội thảo cũng tập trung thảo luận các giải pháp xanh, không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn tăng cường tính bền vững cũng như các phương pháp và công nghệ mới, sáng tạo, trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm.
Nhu cầu sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên hiện đang trở nên cấp thiết trong bối cảnh chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu ngày càng phức tạp. Trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay là tối ưu hóa năng suất đồng thời bảo vệ tính toàn vẹn của đất.
Suốt nhiều năm qua, ngành nông nghiệp và thực phẩm Đan Mạch không ngừng đầu tư vào thiết bị và giải pháp mới giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng tiêu thụ ít nước và năng lượng hơn.
Đến nay, Đan Mạch sản xuất lương thực nhiều gấp ba lần mức tiêu thụ của toàn dân, trong khi lượng khí phát thải carbon giảm xuống mức thấp nhất châu Âu. Vì thế, câu chuyện và kinh nghiệm dồi dào của Đan Mạch nhận được sự hoan nghênh của các đối tác và doanh nghiệp Việt Nam nhằm hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.