Hiện trên địa bàn tỉnh có 183 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế 359 triệu m³. Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, các địa phương và đơn vị quản lý hồ đập chủ động theo dõi, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) tại những vị trí xung yếu…
Theo dự báo, năm 2023 tình hình mưa bão diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước. Trước sự khắc nghiệt của thời tiết, việc đảm bảo an toàn cho hồ đập đang được các đơn vị, địa phương trong tỉnh chủ động triển khai. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều được tỉnh giao quản lý, khai thác 18 hồ đập lớn nhỏ với tổng dung tích trữ nước gần 39 triệu m³; 6 trạm bơm tưới với 18 tổ máy có tổng công suất bơm tưới hơn 18.100 m³/h; 5 trạm bơm tiêu với 31 tổ máy có tổng công suất là 124.000 m³/h và 1 cống tiêu dưới đê. Hằng năm, Công ty phục vụ nước tưới cho 6.150ha diện tích gieo trồng và tiêu thoát nước cho 3.900ha diện tích lưu vực. Việc quản lý, vận hành các công trình thủy lợi có ý nghĩa quan trọng làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi và góp phần phòng chống giảm nhẹ thiên tai.
Ông Vũ Minh Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều, cho biết: Để sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, từ đầu năm 2023, Công ty đã xây dựng phương án phòng chống ngập lụt, mưa bão. Năm nay đơn vị tập trung sửa chữa nâng cấp xong cụm đầu mối hồ chứa nước Đồng Đò 1; sửa chữa một số tuyến kênh nứt gãy. Công ty cũng đã ra quân kiểm tra hạng mục đập chính, tràn xả lũ, cống lấy nước tại 18 hồ chứa nước. Qua kiểm tra, hầu hết các công trình đảm bảo công tác phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cũng như đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2023. Tuy nhiên, một số hạng mục của hồ đang bị xuống cấp cần được sửa chữa, như: Tràn xả lũ Đồng Đò, đập đất hồ Yên Dưỡng, tràn xả lũ Tân Yên… Công ty đang đề xuất với tỉnh cấp kinh phí sửa chữa kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy lợi này.
Hồ Yên Lập là hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh với dung tích chứa 130 triệu m³. Hiện nay, hồ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước cho nhà máy nước sạch của TP Hạ Long, TP Uông Bí và TX Quảng Yên. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải chuẩn bị tích cực, chu đáo cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời xây dựng các phương án chuẩn bị về nhân lực, vật lực để chủ động đối phó với khả năng lũ bất thường, các lỗi vận hành và trường hợp xói lở đập.
Ông Vũ Trọng Tĩnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập, cho biết: Ngay từ những tháng đầu năm, đơn vị đã chủ động kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống dàn van của nhà điều khiển đầu kênh lấy nước và nhà điều khiển cửa van xả tràn, đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết. Hiện mực nước của hồ Yên Lập đang xuống sát mực nước chết. Cùng với việc vận hành điều tiết nguồn nước tưới phù hợp chống hạn hán cho hồ, Công ty chủ động theo dõi lượng mưa, lũ về hồ trong thời gian tới để có phương án điều tiết xả tràn, cắt lũ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hồ Yên Lập trong mùa mưa bão năm nay.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện các công ty thủy lợi trên địa bàn tỉnh và các địa phương đều thực hiện đúng phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” trong phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho các hồ đập và nhân dân vùng hạ lưu. Ngoài ra, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo tất cả các đơn vị, địa phương liên quan duy trì công tác thường trực 24/24h để vận hành an toàn hồ chứa và tiến hành rà soát, gia cố, tu bổ các tuyến điểm, hạng mục phòng chống mưa bão xung yếu; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tiến hành khảo sát, đo đạc và xây dựng các phương án ứng phó, phòng chống mưa bão kịp thời…