Định kỳ bảo dưỡng
Theo thống kê, năm 2024 Sở GTVT đã tham mưu và được bố trí nguồn vốn sửa chữa định kỳ 18 công trình, bao gồm 9 công trình bảo trì trên các tuyến quốc lộ (QL) Trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý với tổng mức đầu tư 126,7 tỷ đồng; 9 công trình bảo trì trên các tuyến đường tỉnh (ĐT) có tổng mức đầu tư 155,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, những công trình sửa chữa định kỳ đều làm ở những vị trí hư hỏng, xuống cấp nặng hoặc bố trí hệ thống thoát nước nhằm bảo vệ, duy trì hạ tầng vốn có vừa mang tính mỹ quan, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).
Theo ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT, những năm qua và năm 2024, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông.
Trong lĩnh vực quản lý khai thác kết cấu hạ tầng, ngành tiếp tục triển khai rà soát toàn bộ hệ thống báo hiệu đường bộ để có các biện pháp tổ chức giao thông; điều chỉnh, bổ sung, thay thế đảm bảo hoàn thiện theo Quy chuẩn báo hiệu đường bộ quốc gia.
Thời điểm này, ngành chức năng đã cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung các biển báo hiệu chỉ dẫn, báo hiệu nguy hiểm, vạch sơn. Rà soát, phối hợp với các địa phương để điều chỉnh khu vực đông dân cư, hạn chế tốc độ phương tiện tại các điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông trên hệ thống ĐT.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, Sở GTVT đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, đặc biệt là quản lý khai thác các công trình đường bộ; đảm bảo ATGT trong quá trình thi công công trình đường bộ; đẩy mạnh thanh tra, xử lý kiên quyết vi phạm.
Sau khi rà soát, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh có chủ trương thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT tại các trường học đấu nối ra tuyến quốc lộ (QL) 1.
Cạnh đó, ngành còn nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chủ trương xây dựng đường gom, xóa lối đi tự mở đường bộ qua đường sắt Bắc - Nam; phương án sửa chữa cầu Câu Lâu cũ; phê duyệt bổ sung các điểm đấu nối QL; lập dự toán quy hoạch hệ thống đấu nối các tuyến QL.
Ngoài ra, ngành chức năng còn kiểm tra, rà soát các “điểm đen”, nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT trên các tuyến QL và ĐT do Sở GTVT quản lý để có giải pháp khắc phục. Ở nhiều địa phương cấp huyện, việc duy tu, bảo trì các tuyến đường huyện (ĐH) và giao thông nông thôn (GTNT) được quan tâm thực hiện.
Một số địa phương lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới để làm nên tuyến đường hoa vừa bảo vệ được công trình đường bộ, đồng thời tạo mỹ quan cho vùng quê.
Tại các huyện miền núi như Đông Giang hay Nam Giang, địa phương linh hoạt bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng đường do địa phương quản lý; trồng cây xanh, cây hoa để tạo cảnh quan chung.
Khắc phục hạn chế
Theo thống kê của Sở GTVT, địa bàn Quảng Nam có một tuyến cao tốc và 10 tuyến QL với tổng chiều dài 968,6km; 26 tuyến ĐT có tổng chiều dài 576km.
Cạnh đó, hệ thống ĐH có chiều dài 1.923,9km (1.820,1km đã kiên cố hóa mặt đường); 8.119km đường GTNT (kiên cố hóa 6.792km). Thực hiện Nghị quyết số 165 của HĐND tỉnh về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch bảo trì hệ thống đường bộ (ĐT, ĐH, đường xã).
Theo đó, năm 2021 thực hiện tổng cộng 4.291km với tổng số tiền hơn 60,1 tỷ đồng; hay như năm 2023 triển khai tổng cộng 4.345km với tổng kinh phí hơn 70,8 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Ngọc Thanh chia sẻ, mặc dù nguồn vốn được tăng lên qua các năm, nhưng do tổng chiều dài đường bộ tăng lên và hoạt động giao thông ngày càng lớn nên kinh phí vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
Đối với cấp huyện, ngân sách bố trí cho bảo trì đường bộ rất thấp hoặc không bố trí, phụ thuộc gần như hoàn toàn hỗ trợ từ cấp tỉnh. Trong khi đó, ngân sách tỉnh còn khó khăn, nhiệm vụ chi nhiều nên không đủ khả năng để bố đủ trí kinh phí theo nhu cầu bảo trì đường bộ trên địa bàn. Một số địa phương còn thiếu sự quan tâm, xem nhẹ công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ.
Nhằm đảm bảo ATGT, đáp ứng nhu cầu lưu thông của phương tiện, việc triển khai công tác quản lý, bảo dưỡng hệ thống đường bộ phải tiếp tục được quan tâm đúng mức, bằng nhiều nguồn lực.
Ngoài sửa chữa thường xuyên, ngành chức năng sẽ tiếp tục tham mưu Cục Đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh dành nguồn lực sửa chữa định kỳ trên các tuyến QL ủy thác và ĐT.
Kiến nghị Trung ương quan tâm bố trí kinh phí nâng cấp, mở rộng các tuyến QL trục ngang cho đúng quy hoạch, mà bức thiết nhất là QL14D xuống cấp nghiêm trọng; QL40B đoạn Bắc Trà My - Nam Trà My và QL14G quá chật hẹp, nhiều khúc cong là điểm nghẽn đảm bảo ATGT, xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội...
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dam-bao-an-toan-giao-thong-quang-nam-no-luc-bao-tri-duong-bo-3146207.html
Bình luận (0)