Sáng 23-8, Sở TT-TT TPHCM phối hợp cùng Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – Chi hội phía Nam (VNISA phía Nam) tổ chức Hội thảo và triển lãm an toàn thông tin khu vực phía Nam 2024 với chủ đề “Đảm bảo an toàn thông tin cho hạ tầng số, dữ liệu số và kinh tế số trước tội phạm mạng” (Securing digital infrastructure, data, and the digital economy against cybercrime).
Hội thảo và triển lãm được tổ chức tại GEM Center (quận 1), đây là sự kiện thường niên được tổ chức hàng năm, nhằm cung cấp thông tin trực quan trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), an toàn thông tin (ATTT) cho lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp đang triển khai các ứng dụng chuyển đổi số, cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và trên địa bàn các tỉnh thành phía Nam.
Trong nửa đầu năm 2024, hàng loạt vụ tấn công ransomware (mã độc tống tiền) nhắm vào các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, làm tê liệt hệ thống, gián đoạn hoạt động vận hành và kinh doanh, gây ra tổn thất tài chính đáng kể. Nhiều doanh nghiệp bị buộc phải trả khoản tiền chuộc lớn để lấy lại dữ liệu, khôi phục hệ thống, làm mất lòng tin của khách hàng và đối tác. Những thiệt hại không chỉ dừng lại ở kinh tế mà còn ảnh hưởng lâu dài đến uy tín và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Sự kiện năm nay sẽ tập trung vào các vấn đề nóng như: An toàn trong giao dịch không tiền mặt, bảo vệ các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số của TPHCM, trí tuệ nhân tạo và học máy (AI/ML) hỗ trợ các giải pháp truyền thống của ATTT, xác thực trong bối cảnh tin tặc có các phương tiện thông minh hơn…
Bên cạnh đó, sự kiện còn có chuỗi các hoạt động về ATTT như: Hội nghị dành riêng cho lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hội thảo khoa học về an toàn thông tin, diễn tập thực chiến an toàn thông tin TPHCM, cuộc thi sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2024…
Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch chi hội VNISA phía Nam cho biết, năm 2024 toàn ngành thông tin truyền thông toàn ngành nỗ lực phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng số để phát triển kinh tế – xã hội số.
“Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, mọi hoạt động quản lý điều hành từ cấp chính phủ đến cơ quan doanh nghiệp đều đòi hỏi một hệ thống công nghệ mạnh mẽ, cơ sở dữ liệu chính xác, hoạt động thông suốt. Bên cạnh những ưu thế, thì tội phạm mạng luôn biết lợi dụng công nghệ để khai thác thực hiện những mưu đồ như tấn công vào hạ tầng công nghệ, dữ liệu để chuộc lợi. Cuộc chiến đấu với tội phạm mạng luôn trực diện, phải luôn có những biện pháp, nêu cao tinh thần cảnh giác, chiến lược phòng chống. Do vậy, hàng năm VNISA phía Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức sự kiện nhằm cung cấp cho cơ quan doanh nghiệp thực trạng về ATTT, từ đó đề ra những giải pháp phòng chống tội phạm mạng hiệu quả”, ông Ngô Vi Đồng nhấn mạnh.
Tại sự kiện, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số ngoài những cơ hội đem đến sự phát triển vượt bậc, thì còn đi kèm với nhiều thách thức và rủi ro, đặc biệt là trước tình trạng tội phạm mạng đang ngày càng gia tăng. Trong năm 2023, Việt Nam có gần 14.000 cuộc tấn công mạng, tăng 10% so với năm 2022, tính chất của tội phạm mạng ngày càng tinh vi và đa dạng hơn, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia.
“Hiện nay TPHCM đang tăng tốc cho chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số, đây là môi trường rất hấp dẫn cho tội phạm mạng, thành phố cũng đang nỗ lực chống chọi với các cuộc tấn công mạng ngày càng lớn, ngày càng nhiều cuộc tấn công vào hệ thống cơ quan nhà nước, doanh nghiệp gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhận thức của người dân, các cơ quan, doanh nghiệp về ATTT vẫn còn chưa cao; nguồn nhân lực có trình độ am hiểu, chi phí đầu tư về ATTT chưa được chú trọng; các chính sách pháp luật còn nhiều mặt hạn chế. Hy vọng, thông qua hội thảo và triển lãm, TPHCM sẽ ghi nhận thêm nhiều ý kiến, đóng góp trong việc đảm bảo ATTT thời gian tới”, ông Lâm Đình Thắng chia sẻ.
Theo khảo sát của Chi hội VNISA phía Nam, trong năm 2024 nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện việc thuê ngoài các dịch vụ giám sát về ATTT để tối ưu chi phí (tăng từ 20% lên trên 50%) so với năm 2023. Việc sao lưu dữ liệu nhằm chống lại mã độc tống tiền là cách làm hiệu quả, tuy nhiên có tới 59% các tổ chức, doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc chưa chú trọng sao lưu dữ liệu quan trọng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, hiện đã có đến 61% tổ chức sử dụng các biện pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng nhằm giảm thiệt hại khi bị tấn công, 13% đơn vị quan tâm nhưng chưa có đủ thông tin, nguồn lực để thực hiện.
BÙI TUẤN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dam-bao-an-toan-cho-ha-tang-so-du-lieu-so-post755355.html