Với mục tiêu hỗ trợ phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, thời gian qua, các cấp ngành ở Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể làm OCOP trong phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Công nhân Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) thực hiện quy trình sản xuất hạt macca. Đây cũng là một trong những sản phẩm tiềm năng 5 sao của tỉnh Đắk Lắk.
Với tiềm năng về nông nghiệp, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk với diện tích trên 210.000 ha, sản lượng hằng năm đạt trên 550.000 tấn. Đến nay, cà phê là sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình OCOP nhiều nhất với 62 sản phẩm của 46 chủ thể đã đạt chứng nhận OCOP 3 đến 4 sao cấp tỉnh.
Có thể kể đến các sản phẩm tiêu biểu: Cà phê bột Robusta của Công ty TNHH Êđê cà phê, Cà phê hạt rang mộc nguyên chất Ea Tu của HTX NNDV Công Bằng Ea Tu, Cà phê chồn Kiên Cường của Công ty TNHH MTV Kiên Cường, Cà phê Robusta chế biến ướt của HTX NN công bằng Ea Kiết, Cà phê hạt rang Trung Hòa của Công ty CP sản xuất cà phê bột Trung Hòa…
Được công nhận đạt chuẩn OCOP là bước đệm để các chủ thể quan tâm hơn đến quy trình từ trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và chế biến nông sản địa phương; không ngừng nâng cấp, phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Điển hình như HTX Nông nghiệp Ea Wy (huyện Ea H’leo), khai thác thế mạnh nông sản của địa phương, HTX đã liên kết từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cà phê và hồ tiêu với diện tích vùng nguyên liệu hơn 200ha. Khi tham gia chuỗi liên kết, người nông dân được hỗ trợ về vật tư, phân bón và hệ thống tưới tiết kiệm. Toàn bộ các thành viên trong HTX đang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để nâng cao giá trị sản phẩm và giá bán nông sản cho bà con, HTX tổ chức chế biến sâu nhằm cung cấp cho thị trường sản phẩm cà phê, hồ tiêu đạt chuẩn. Nâng chất sản phẩm đi kèm với cải tiến mẫu mã, đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ sản xuất, đến nay sản phẩm cà phê bột và hồ tiêu của HTX đã đạt OCOP 3 sao. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để HTX phát triển và thương mại sản phẩm của mình trên thị trường tốt hơn.
Khi đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm cần được hoàn thiện hơn về nhãn mác, quan tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc… Trên cơ sở đó, tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể khi tham gia vào các chuỗi giá trị, siêu thị để tạo được sự tin tưởng của khách hàng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu và bảo đảm phát triển bền vững.
Như cơ sở sản xuất thực phẩm Lâm Ngọc Hội (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) xây dựng thành công 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm: Ốc nhồi ống tre, ốc nhồi cuốn ram, ốc nhồi cuốn lá lốt và ốc nhồi ôm sả. Cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng, đầu tư mẫu mã, bao bì để giữ uy tín và mở rộng thị trường. Ngoài tích cực tham gia các hội chợ thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đơn vị còn đẩy mạnh hoạt động giao dịch trên các trang mạng xã hội như: Zalo, facebook, tiktok…
“Tham gia chương trình OCOP, chúng tôi mong muốn khẳng định chất lượng, thương hiệu cũng như mở rộng đầu ra cho sản phẩm. OCOP là chương trình của những sản phẩm đặc trưng tại từng địa phương. Sản phẩm được làm từ nguyên liệu địa phương và do người dân địa phương sản xuất, chính là lợi thế đối với đơn vị tham gia chương trình OCOP. Chúng tôi còn được tư vấn, hỗ trợ thay đổi bao bì sao cho phù hợp và tạo điều kiện tham gia các hội chợ thương mại để mở rộng thị trường”, anh Nguyễn Văn Lâm, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm Lâm Ngọc Hội chia sẻ.
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, sản phẩm OCOP của tỉnh phát triển rất đa dạng. Các chủ thể đã chú trọng đầu tư sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, mẫu mã để tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng quan tâm hỗ trợ các chủ thể về kiểm nghiệm, bao bì, nhãn mác, nhất là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng vùng nông thôn theo hướng bền vững.
Chương trình đã phát huy nội lực, gia tăng giá trị, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể, cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu của sản phẩm OCOP. Đồng thời, giúp nhận thức được mục tiêu của Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương để tạo ra giá trị gia tăng cao, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Qua đó, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Toàn tỉnh hiện có 250 sản phẩm OCOP (3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 42 sản phẩm đạt 4 sao và 205 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế.
Nhiều sản phẩm OCOP của Đắk Lắk khẳng định được giá trị, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, như: Bột cacao 3in1 của Công ty TNHH Cacao Nam Trường Sơn, Cà phê bột Robusta của Công ty TNHH Ê đê Cà phê, Hạt mắc ca Đắk Lắk cao cấp của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương, Cà phê hạt rang mộc nguyên chất Ea Tu của Hợp tác xã NN DV Công Bằng Ea Tu, Rượu cần Y Miên của hộ kinh doanh Y Miên, Sầu riêng sấy thăng hoa của Công ty CP CBNS sấy số 1, Gạo lức đen hữu cơ của Công ty Cổ phần chế biến nông sản N&H…
nguồn: https://danviet.vn/dak-lak-phat-trien-va-nang-cao-chat-luong-san-pham-ocop-20241206112003986.htm