Đắk Lắk kết nối di sản văn hóa cồng chiêng với hành trình di sản Tây Nguyên

Việt NamViệt Nam12/02/2025


Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở VHTT&DL  vừa ra mắt mô hình kết nối “di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản tại TP.Buôn Ma Thuột. Sự kiện này mở ra cơ hội giúp người dân tộc thiểu số địa phương chủ động trong việc thực hành lưu giữ, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng và phát triển  du lịch cộng đồng.

Kể câu chuyện văn hóa bằng photovoice

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể (Cục Di sản Văn hóa) chủ trì dự án cho biết, sau một thời gian triển khai mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng tại xã Ea Tu, đến nay đã thu được những kết quả đáng mừng với 60 video và 100 hình ảnh là câu chuyện văn hóa đặc sắc của cộng đồng.

Trước hết, các nghệ nhân đã truyền dạy được tương đối số lượng bài cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở nhiều lứa tuổi. Thông qua mô hình, thế hệ trẻ đã nhận thức sâu sắc hơn, rõ ràng về vai trò, giá trị của di sản cồng chiêng đối với đồng bào dân tộc Ê Đê.

Nghệ nhân xã Ea tu biểu diễn các tiết mục đặc sắc tại buổi tổng kết, nghiệm thu mô hình 

Việc áp dụng phương pháp photovoice sẽ giúp cho cộng đồng có những thuận lợi trong việc chủ động, sáng tạo nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của chính họ, đồng thời kiến tạo các cơ hội để cộng đồng chủ thể di sản được trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ những hoạt động diễn giải, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch mang tính liên tỉnh, liên vùng.

“Chúng tôi mong muốn thông qua mô hình này có thể kết nối giữa các cộng đồng có cùng di sản văn hóa phi vật thể giống nhau. Đồng thời, kết nối giữa các thế hệ trong cùng một cộng đồng.

Qua đó, các cộng đồng tự kể những câu chuyện văn hóa của mình. Hơn ai hết, chính đồng bào người Ê Đê sẽ kể được những câu chuyện về họ hay nhất, thú vị nhất, hấp dẫn nhất, trung thực nhất và sống động nhất. Đây cũng là biện pháp thiết thực, hiệu quả và cũng rất mới mẻ đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam nói chung”, Tiến sĩ Trang nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền – Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và chuyên gia Cục Di sản văn hóa chia sẻ với học viên

Đại diện cho cộng đồng người Ê Đê nắm giữ di sản không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại xã Ea Tu, nghệ nhân Y Bây (SN 1981, trú tại buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu) cho biết: “Người Ê Đê chúng tôi xưa nay vẫn sử dụng, trình diễn nhạc cụ cồng chiêng. Bởi đó là truyền thống mà cha ông chúng tôi trao truyền lại. Đồng thời là nhu cầu của cộng đồng để mang lại sự thoải mái về tinh thần và vui vẻ cho toàn thể cộng đồng. Cho đến nay, chúng tôi hiểu được cồng chiêng là di sản văn hoá phi vật thể quý giá, không chỉ của người Ê Đê mà của cả 54 dân tộc anh em ở Việt Nam”.

Nghệ nhân Y Bây  chia sẻ, thời gian qua, ngoài việc được truyền dạy cồng chiêng, người dân trong các buôn đồng bào dân tộc Ê Đê trên địa bàn xã Ea Tu còn được ngành văn hóa và các cơ quan chuyên môn hướng dẫn cách quay phim, chụp ảnh. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân trong các buôn làng giới thiệu không gian văn hóa cồng chiêng đến với du khách.

 Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, thực hiện nhiệm vụ của Dự án 6 trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp Cục Di sản Văn hoá (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức triển khai xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng ở các buôn trong xã Ea Tu (Tp.Buôn Ma Thuột).

Đây là cơ hội hỗ trợ cho đồng bào trong việc tạo không gian thực hành và truyền dạy, tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần để các thế hệ được tiếp cận, duy trì, thực hành nghi lễ, thúc đẩy, nâng cao tự hào về giá trị bản sắc tộc người và tự tin với truyền thống cha ông, tổ tiên đã để lại cho họ.

“Qua các buổi tập huấn dưới sự hướng dẫn của các báo cáo viên và những ngày truyền dạy trong cộng đồng, cộng đồng đã nhận thức rõ hơn về giá trị di sản mà mình đang nắm giữ, để thêm tự hào và tiếp tục trao truyền, chia sẻ tri thức, kỹ năng liên quan tới các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng trong không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Từ đó, di sản sẽ trở thành nguồn lực cho du lịch để kết nối cộng đồng và tạo hành trình du lịch di sản, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng chủ thể”, ông Đại nhấn mạnh.

Ngoài ra, thông qua việc trực tiếp tham gia thực hiện và triển khai mô hình, sẽ giúp cho các cán bộ văn hoá và cộng đồng nghệ nhân, người thực hành di sản có thêm những kỹ năng về nhận diện, kiểm kê di sản và tự giới thiệu về di sản đồng bào Ê Đê mình qua việc quay phim, chụp ảnh đăng trên các nền tảng mạng xã hội. Hướng tới kết nối các cộng đồng có cùng di sản.

Dùng di sản để phát triển cộng đồng

Theo đánh giá của Cục Di sản văn hóa, trên thực tế, số lượng các thành viên trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên đang sử dụng các thiết bị smartphone có chức năng ghi, phát hình ảnh chiếm tỷ lệ trên 60%. Nhiều thành viên của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên đã từng sử dụng chức năng ghi và phát lại các hình ảnh đã ghi trên các trang mạng xã hội như: Facebook; Youtube; Tiktok…

Mô hình sẽ giúp cộng đồng khai thác tốt giá trị văn hóa truyền thống

Tuy nhiên, hầu hết những hoạt động ghi và phát lại các hình ảnh đã ghi trên các trang mạng xã hội chỉ dừng lại ở việc đáp ứng và phục vụ nhu cầu cá nhân. Các nội dung được ghi và phát lại hình ảnh mang tính cảm xúc, ngẫu hứng, chủ quan. Hơn nữa, cộng đồng chưa có mục đích trong việc xây dựng các nội dung hình ảnh, chưa nắm được kỹ thuật ghi hình, biên tập hình ảnh…

Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, lớp tập huấn là một hoạt động của Dự án Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng, thuộc Dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Cùng với Đắk Lắk, các lớp tập huấn cũng được tổ chức tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Tây Ninh, dành cho người dân các dân tộc thiểu số.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc áp dụng phương pháp photovoice để diễn giải, giới thiệu, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch có tính khả cao và phù hợp với xu thế thời đại.

Sau khi tham gia lớp tập huấn, các học viên sẽ thay đổi kiến thức, kỹ năng nhận diện, lựa chọn di sản để giới thiệu và thói quen lựa chọn nội dung ghi, phát hình ảnh theo hướng có mục đích rõ ràng. Nhiều kỹ năng cần thiết trong việc thực hiện kỹ thuật ghi, phát lại hình ảnh sẽ được bổ sung.

Các học viên sẽ có khả năng tạo ra những sản phẩm ghi hình với chất lượng nội dung và hình ảnh, âm thanh tốt hơn nhiều so với trước khi tham gia lớp tập huấn. Các tập quán, nghi lễ, diễn xướng truyền thống của cộng đồng bắt đầu được các học viên chú tâm ghi, thu lại và biên tập, kết nối hình ảnh, âm thanh, lời giới thiệu để hình thành các câu chuyện kể về đời sống văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên bằng cách nhìn của chính họ.

Các nghệ nhân và những người am hiểu về di sản của cộng đồng sẽ được động viên trong việc thực hành và trao truyền di sản cho thế hệ trẻ. Các bạn trẻ sẽ được trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật tự quay phim, ghi hình, ghi âm thực trạng thực hành di sản ở cộng đồng. Đây là điểm mới mà lớp tập huấn đã mang lại cho cộng đồng trong hoạt động tự bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa do chính họ là chủ thể sáng tạo và sở hữu. Từ đó, sự sáng tạo ra các nguồn lực mới cho cộng đồng phát triển bền vững.

“Chúng tôi muốn truyền đi thông điệp cho các thế hệ trẻ hãy biết cách giữ gìn không gian văn hóa cồng chiêng. Bởi đó chính là không gian sống, môi trường sinh thái nhân văn, môi trường diễn xướng của di sản và đó cũng chính là đời sống văn hóa của đồng bào Ê Đê.

Khi được trang bị kiến thức, đồng bào sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc khai thác di sản hướng tới biến di sản đó thành tiềm năng, tiềm lực để phát triển dùng di sản để phát triển chính các cộng đồng của mình, một phần nào đó để giải quyết thu nhập, kinh tế của gia đình, rộng hơn là phát triển cộng đồng”, ông Thành nói



Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/-ak-lak-ket-noi-di-san-van-hoa-cong-chieng-voi-hanh-trinh-di-san-tay-nguyen

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available