Công ty chặn số điện thoại, không giải quyết
Đơn vị cung cấp thẻ học trực tuyến là Công ty cổ phần phát triển công nghệ giáo dục trực tuyến (văn phòng giao dịch ở tầng 3, tòa nhà Văn hóa lao động tỉnh, số 9 Hàng Nan, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa).
Trước đó, báo VietNamNet đăng tải bài viết liên quan tới việc phụ huynh chi tiền mua thẻ học trực tuyến cho con nhưng không thể vào được trang website. UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản giao các sở, ngành, thị xã Nghi Sơn kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh.
Trong những ngày qua, nhiều đại lý phân phối thẻ cho Công ty cổ phần phát triển công nghệ giáo dục trực tuyến đã gọi đến cho phóng viên “tố” phía công ty có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đơn cử, công ty bán thẻ cho đại lý nhưng bị lỗi, không vào được website và không giải quyết. Thậm chí chặn số điện thoại của khách hàng, đóng tất cả các nhóm liên lạc….
Chị Nguyễn Thùy Trang (SN 1996), trú thôn 6, xã Hoằng Đông, huyện Hoằng Hóa) cho biết, khoảng tháng 10/2022, chị được công ty giới thiệu để tham gia làm đại lý phân phối thẻ học trực tuyến.
Lúc đầu, chị Trang tham gia gói hợp đồng 5 triệu (tương đương 10 thẻ) thì vẫn vào được website. Nhưng khi chị bỏ ra số tiền 120 triệu đồng tiếp tục mua thẻ và bán xuống các trường cho học sinh thì ngay lập tức nhận được phản hồi thẻ lỗi, trang website lúc vào được, lúc không.
“Thời gian nhận phản hồi từ học sinh là khoảng đầu năm 2023, lúc đó tôi đã báo lên công ty, họ nói sẽ khắc phục, nhưng mãi không thấy. Cho đến khoảng tháng 6/2023 thì phía công ty thông báo lại bị cháy trang web”, chị Trang cho biết.
Cũng theo chị Trang, khi công ty báo “cháy” trang web, đại lý của chị đã bán được gần hết số thẻ cho học sinh. Đến nay, chị phải hoàn trả lại tiền đã bán thẻ được khoảng 60 triệu đồng. Số thẻ còn lại bán lẻ qua nhiều kênh khách nhau nên vẫn chưa biết ai để trả lại.
Công ty tự đóng 2 website
“Sự việc trên tôi đã liên lạc nhiều lần với ban giám đốc công ty để giải quyết nhưng họ cứ khất lần. Tôi gọi cho anh Hiếu (giám đốc) thì anh ấy chặn cả số của tôi. Các hội, nhóm của công ty cũng bị xóa hết, giờ chúng tôi không biết phải kêu ai.
Đại lý bỏ tiền ra mua thẻ, có hợp đồng với công ty. Nếu không bán được thẻ thì chúng tôi chịu trách nhiệm. Đường này thẻ bán ra bị lỗi, công ty tự đóng website lại, dẫn đến học sinh không vào học được thì phía công ty phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho chúng tôi.
Công ty đã lấy hàng trăm triệu đồng của chúng tôi thông qua hợp đồng mua thẻ, giờ lại chặn số điện thoại. Chúng tôi giờ không liên lạc được, có khác gì họ đang lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chị Trang bức xúc nói.
Cũng như chị Trang, bà Hoàng Thị Nụ (SN 1967), trú thôn Xuân Quan, xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa, cho biết, bà tham gia gói 20 triệu đồng. Sau đó, bà giới thiệu cho những người thân quen mua thẻ, tổng cộng gần 250 triệu. Khi nhận thẻ về, không vào được chương trình học, bà Nụ cũng không thể liên lạc được với công ty để giải quyết.
“Tôi mất 20 triệu thì không sao, nhưng những người tôi giới thiệu, họ mất nhiều tiền, có nhà hai bố con đóng 100 triệu đồng, ngày nào họ cũng đến nhà tôi để đòi lại. Đây là lỗi của công ty, mà giờ họ có giải quyết đâu. Hàng trăm đại lý với số tiền giao dịch nhiều tỷ đồng, họ lừa bán thẻ cho chúng tôi rồi khóa trang web mất hút.
Chúng tôi là người dân không biết gì, trước mắt là phản ánh tới cơ quan báo chí. Sau đó, các đại lý sẽ đồng loạt làm đơn gửi các cơ quan chức năng, cơ quan công an vào cuộc làm rõ về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của giám đốc công ty này”, bà Nụ cho biết.
Trước đó, trao đổi với VietNamNet, ông Trần Văn Hiếu – Giám đốc Công ty CP phát triển công nghệ giáo dục trực tuyến, cho biết, công ty thành lập năm 2021. Sau khi làm thẻ học 5 môn (Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa) cũng là lúc Bộ GD-ĐT thay đổi chương trình sách giáo khoa.
Lúc này, công ty quay sang làm thẻ học ôn thi lớp 10 để thay thế thẻ 5 môn trước đó. Tuy nhiên, khi thẻ ôn thi phát hành cũng là lúc hết chương trình (thay đổi sách giáo khoa-PV), buộc công ty phải đóng lại 2 trang web học trực tuyến trên, dẫn đến việc học sinh không vào được hệ thống.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/dai-ly-dong-loat-to-cong-ty-ban-the-hoc-truc-tuyen-khong-vao-duoc-website-2296142.html