CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa thông qua Nghị quyết về việc chấm dứt hoạt động một đơn vị nông nghiệp, cùng với đó mua liền một lúc 5 công ty chăn nuôi lợn tại Quảng Trị.
Hàng loạt công ty chăn nuôi lợn về tay đại gia BAF
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa thông qua Nghị quyết về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, BAF đã có thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về Nghị quyết của HĐQT liên quan đến việc chuyển nhượng 171.500 cổ phần, chiếm 49% vốn điều lệ tại 5 doanh nghiệp ở Quảng Trị.
5 doanh nghiệp được BAF thâu tóm bao gồm: CTCP Hoàng Kim HT-QT, CTCP Hoàng Kim QT, CTCP Thành Sen HT-QT, CTCP Việt Thái HT và CTCP Toàn Thắng HT. Cả 5 doanh nghiệp này đều có địa chỉ tại TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị và được thành lập vào năm 2021.
Ngoài ra, BAF cũng đã thông qua Nghị quyết nhận chuyển nhượng 95% vốn góp tại Công ty TNHH Chăn nuôi Công nghệ cao Khuyên Nam Tiến với giá trị 47,5 tỷ đồng. Với việc sở hữu 95% cổ phần Công ty Khuyên Nam Tiến, đây sẽ là công ty con thứ hai của BAF tại Đắk Lắk sau Công ty TNHH Chăn nuôi Bảo Ngọc.
Được biết, tháng 10 vừa qua, BAF đã đưa vào vận hành cụm trang trại Hải Hà quy mô lớn bậc nhất miền Bắc với diện tích gần 50ha. Trang trại này nằm ở huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, có quy mô đứng thứ 2 của BAF sau trang trại tại Tây Ninh. Chi phí đầu tư cụm trại Hải Hà rơi khoảng 600 tỷ đồng.
Đặc biệt, trang trại này áp dụng quy chuẩn hiện đại hàng đầu thế giới “vành đai cách ly”, biệt lập khu dân cư, xung quanh là núi bao phủ để đạt tuyệt đối mục tiêu an toàn sinh học.
Tính đến thời điểm hiện tại, BAF đã đưa vào vận hành hệ thống 36 trang trại nuôi lợn công nghệ cao trải dài trên khắp cả nước, nâng tổng đàn của BAF đạt hơn 500.000 con, cho ra sản lượng gần 1 triệu lợn thương phẩm mỗi năm. BAF, cho biết sẽ tiếp nhận và đưa vào vận hành 6 cụm trại mới theo tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong giai đoạn 2024 đến 2025.
Vừa qua, BAF cũng đã ký kết hợp tác với công ty Muyuan – doanh nghiệp của tỷ phú nuôi lợn giàu nhất Trung Quốc để tiếp nhận chuyển giao thiết bị công nghệ chăn nuôi thông minh, ứng dụng AI vào quy trình vận hành trong toàn chuỗi chăn nuôi…
Muyuan dự kiến hỗ trợ BAF đạt được mục tiêu mở rộng quy mô với 450.000 con lợn nái và 10 triệu con lợn thịt vào năm 2030. Với các công nghệ hiện đại được chuyển giao từ Muyuan, BAF sẽ nâng cấp quy trình quản lý chất thải chăn nuôi, tái chế và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. Từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, phát triển chuỗi kinh tế tuần hoàn.
Dần chiếm lĩnh phần thị phần tự nhiên từ sự giảm đi của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
Xét về hoạt động kinh doanh, trước đó, BAF chia sẻ kết quả kinh doanh đang tăng trưởng tích cực, chủ yếu đến từ việc không ngừng mở rộng quy mô đàn và sản lượng tiêu thụ lợn tăng trong suốt giai đoạn vừa qua.
Trong quý III/2024, BAF Việt Nam ghi nhận doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ kiểm soát tốt chi phí, đặc biệt từ hai nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và giá nguyên liệu giảm 10-20%, giúp lợi nhuận gộp tăng tới 56%, đạt 223 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 12% lên 17% (riêng mảng chăn nuôi đạt biên lãi tới 25%).
Doanh thu từ bán lợn trong quý III/2024 đạt 856 tỷ đồng – tăng 2,3 lần so với cùng kỳ và chiếm 65% cơ cấu doanh thu, nhờ sản lượng bán lợn đạt 163.000 con. Tính đến cuối quý, tổng đàn lợn của BAF đạt 520.000 con, tăng 73% so với đầu năm, tương ứng sản lượng lợn thương phẩm đạt khoảng 1.000.000 con.
Sự cải thiện lợi nhuận gộp cùng việc giảm lỗ từ các hoạt động khác, kết quả, BAF Việt Nam ghi nhận mức lãi trước thuế đạt trên 67 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, BAF Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.927 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 275 tỷ đồng, tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Chứng khoán Agriseco (AGR) đã đánh giá BAF có thể tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm nay nhờ các yếu tố sau: Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) hạ nhiệt. Giá một số loại nguyên liệu TACN như giá lúa mỳ, giá ngô đã giảm từ 30 – 40% so với mức đỉnh trong năm 2023. Với đặc thù nguyên liệu TACN chủ yếu nhập khẩu, các doanh nghiệp chăn nuôi ở Việt Nam có thể tiết giảm được chi phí đầu vào trong bối cảnh giá nguyên liệu TACN hạ nhiệt.
Giá lợn hơi phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2024. Hiện tại, giá lợn hơi bình quân vẫn đang được giao dịch ở ngưỡng 61.000 – 64.000 đồng/kg, tăng khoảng gần 26% kể từ đầu năm nay. Nguyên nhân đến từ tổng đàn lợn bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi và cơn bão Yagi vừa qua, gây ảnh hưởng tới nguồn cung lợn ở khu vực phía Bắc và cả nước.
Bên cạnh đó, quy định về việc cấm chăn nuôi trong luật chăn nuôi sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2025 khiến nhiều hộ chăn nuôi phải di dời và thậm chí treo chuồng cũng ảnh hưởng đến tổng đàn lợn, khiến cho các ông lớn chăn nuôi như BAF có cơ hội gia tăng sản xuất, doanh thu và lợi nhuận.
Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” so với lợn ăn chuối của Hoàng Anh Gia Lai, BAF Việt Nam hiện đang duy trì vị thế trong top 5 doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhất Việt Nam.
Nhận thấy cơ hội trong khó khăn khi các đối thủ chùn bước, BAF đã đầu tư mạnh mẽ vào phát triển hệ thống trang trại và nhà máy, sẵn sàng đón đầu chu kỳ phục hồi kinh tế với mục tiêu lọt vào top 3 công ty hàng đầu trong ngành. BAF Việt Nam dự kiến tăng gấp đôi tổng đàn lợn ăn chay vào cuối năm 2024, đạt 75.000 lợn nái và 800.000 lợn thịt.
Ông Trương Sỹ Bá, đại diện của BAF Việt Nam, khẳng định hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mới là đối thủ cạnh tranh mang tính sống còn của BAF. Công ty đặt mục tiêu chiếm dần thị phần từ đối tượng này.
Đại diện BAF nhận định thị phần của các hộ nuôi nhỏ lẻ sẽ tiếp tục giảm trong vài năm tới. BAF cùng các doanh nghiệp chăn nuôi khác đang dần chiếm lĩnh phần thị phần tự nhiên từ sự giảm đi của các hộ nhỏ lẻ. Dự kiến trong 7-10 năm tới, các công ty chăn nuôi sẽ chiếm hết thị phần nhỏ lẻ, và khi đó, sự cạnh tranh mới thực sự phát triển.
Nguồn: https://danviet.vn/dai-gia-baf-mua-lien-mot-luc-5-cong-ty-chan-nuoi-lon-o-quang-tri-giai-the-mot-cong-ty-nong-nghiep-2024110909453834.htm