Đóng góp ý kiến trên nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển đột phá của hạ tầng giao thông, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Ngày 4/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường tình hình phát triển kinh tế – xã hội.
Cao tốc mở ra cơ hội lớn
Góp ý tại nghị trường, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) dẫn lại những điểm nhấn như hơn 2.000km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác; thời gian hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành được rút ngắn; dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam sắp được trình Quốc hội chủ trương đầu tư…
Theo bà, điều này có được là nhờ công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ đã bám sát thực tiễn, quyết liệt, linh hoạt, có định hướng giải quyết rõ ràng, chỉ rõ trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) khẳng định chưa bao giờ hạ tầng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại được dồn lực đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Từng là “vùng trũng” cao tốc, đến nay khu vực này đã có 120km cao tốc đưa vào khai thác. Mục tiêu đặt ra là năm 2025, toàn vùng sẽ có khoảng 548km, năm 2030 là 763km.
“Đây là những quyết sách quan trọng của Quốc hội, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mở ra cơ hội đầu tư, tạo đột phá, thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phát triển vươn lên cùng cả nước”, bà Thanh nói.
Đường mở đến đâu kinh tế phát triển đến đó
Trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu khẳng định, 9 tháng qua, phát triển hạ tầng giao thông là một trong những điểm sáng với rất nhiều dự án trọng điểm trên cả nước được khánh thành, đưa vào sử dụng; nhiều dự án được khởi công và rút ngắn tiến độ.
“Chính sự đột phá về giao thông đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế – xã hội”, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) nhìn nhận.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng đánh giá: “Giao thông như mạch máu. Khi mạch máu thông suốt, không có điểm nghẽn thì kinh tế – xã hội sẽ phát triển thông suốt.
Chúng tôi ở miền núi, vùng sâu vùng xa nên hiểu rất rõ, khi giao thông phát triển bền vững thì kinh tế phát triển theo, tăng trưởng rất nhanh. Tăng trưởng GDP, thu ngân sách của Lâm Đồng tăng từng năm, một trong những đóng góp lớn chính là ở hạ tầng giao thông”.
Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), trong đầu tư công, giao thông là ngành mũi nhọn, được giao vốn rất lớn và hiện có tốc độ giải ngân hàng đầu. Nhờ đó, hàng loạt dự án lớn đã hoàn thành.
“Lộ thông, tài thông. Nhờ giao thông được cải thiện, các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến trong nhiều năm qua. Trong khi vốn đầu tư ở các nước ngoài giảm thì ở Việt Nam lại tăng cao”, ông Ngân chia sẻ và cho biết, hệ thống cầu cảng, hàng không, đường biển thành hình… đã vun đắp thêm kết quả tăng trưởng kinh tế đất nước thời gian qua.
Để có được điều này, theo ông Ngân, bên cạnh chủ trương đúng đắn của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, còn phải nhắc tới quyết tâm chính trị của toàn ngành giao thông, những nỗ lực vượt khó, vượt khổ của công nhân ngày đêm trên công trường, không ngại nắng mưa, không quản lễ, Tết.
Tiếp tục phát triển hạ tầng kết nối vùng
Nhìn nhận tầm quan trọng của phát triển hạ tầng giao thông với phát triển kinh tế – xã hội, các đại biểu đều đề xuất thời gian tới cần tiếp tục tập trung, dồn nguồn lực để triển khai nhanh các dự án hạ tầng giao thông để tăng cường kết nối vùng, tạo tiền đề cho tăng trưởng.
Đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, hiện khu vực Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng đang ấp ủ một loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng. Điển hình như hai tuyến cao tốc đoạn Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng), Bảo Lộc – Liên Khương theo hình thức PPP.
Trong đó, dự án Tân Phú – Bảo Lộc được khởi xướng đầu tư từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc về tài chính.
Mới đây, trong chuyến thăm, làm việc tại Lâm Đồng, Thủ tướng đã giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp bàn giải quyết những vướng mắc về 2 dự án cao tốc, cam kết sẽ triển khai sớm hai dự án với tổng chiều dài 140km này.
“Cử tri tại địa phương rất vui mừng và kỳ vọng vì tuyến đường này sẽ giúp từng bước hiện thực hóa giấc mơ cao tốc lên đại ngàn Tây Nguyên, định vị giá trị địa phương trên bản đồ thu hút đầu tư”, ông Tạo chia sẻ.
Còn theo đại biểu Vi Đức Thọ (Sơn La), trong 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, Chính phủ đã xác định, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ, hiện đại, nhất là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng.
Đồng tình và nhất trí rất cao về các nhiệm vụ, giải pháp, đại biểu cũng kiến nghị sớm đầu tư cao tốc để tạo hành lang kinh tế Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên: “Các bộ, ngành sớm chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc đoạn từ huyện Mộc Châu – thành phố Sơn La, đảm bảo hoàn thành trước năm 2030. Đến năm 2030, ưu tiên tập trung nguồn lực chuẩn bị đầu tư cao tốc từ thành phố Sơn La đến tỉnh Điện Biên”.
Theo đại biểu, tuyến cao tốc trên có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy phát triển liên kết vùng; tiếp tục giúp cho các tỉnh phía Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng phát huy được tiềm năng, khơi thông nguồn lực, phát triển bền vững.
Sáng 4/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025.
Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu cho rằng trong năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết sách của Quốc hội, sự điều hành năng động, sáng tạo, sát sao, linh hoạt, kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó dự kiến cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, tăng trưởng GDP ước đạt 6,8-7%, thu ngân sách Nhà nước ước tăng trên 10%.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-an-tuong-dot-pha-ha-tang-giao-thong-192241105002914468.htm