Thực trạng sốt giá vàng, diễn biến phức tạp và ngân hàng chỉ bán mà không mua vàng đã được nhiều đại biểu đặt câu hỏi và tranh luận sôi nổi tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sáng nay.
Thị trường vàng được bình ổn thế nào?
Sáng 11/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.
Tham gia chất vấn, đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) quan tâm đến việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo bình ổn thị trường vàng của Chính phủ ra sao? Việc quản lý thị trường vàng của nhà điều hành tác động đến giá vàng, thị trường hiện tại và tương lai như thế nào?
Trả lời đại biểu Đức, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay, thị trường vàng ở Việt Nam biến động cũng là diễn biến chung của thế giới.
NHNN đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 24 và thực hiện các giải pháp đảm bảo cung/cầu thị trường vàng từ năm 2013.
Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Song bắt đầu từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao và cũng khiến giá trong nước tăng theo. Lúc này, NHNN chưa thực hiện can thiệp.
Nhưng từ tháng 6/2024, giá vàng quốc tế lập đỉnh cao, sự chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cao, khiến Chính phủ phải chỉ đạo rất quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước cũng đã căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành và tổ chức đấu thầu. Qua đấu thầu 9 phiên cho thấy đây là giải pháp khá hiệu quả trong năm 2013.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, giá vàng tăng rất cao, tâm lý kỳ vọng thị trường dâng cao, để thu hẹp khoảng cách giá trong nước và thế giới, NHNN đã chuyển sang phương thức bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC. Nhờ cách thức này, đến nay chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới từ 15-18 triệu đồng/lượng giờ chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Tuy nhiên, bà Hồng cho biết thêm, thị trường vàng được dự báo sẽ diễn biến khó lường, phức tạp, trong khi đó Việt Nam không sản xuất vàng nên việc can thiệp phụ thuộc vào nhập khẩu quốc tế.
“NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát, đưa ra các chính sách để ổn định thị trường vàng”, bà Hồng nói.
Vì sao ngân hàng chỉ bán vàng mà không mua?
Chất vấn Thống đốc NHNN, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề, vừa qua việc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước bình ổn giá vàng được người dân rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ bán mà không mua.
“Nếu người dân muốn bán vàng do nhu cầu để sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu, ngân hàng không mua thì các cửa hàng và khác cũng không có mua. Mặt khác, ngân hàng bán vàng chỉ có ở TP Hà Nội và TP.HCM, sao không bán cả tại những nơi khác ở trong nước cho người dân có nhu cầu mua để thuận lợi, dễ dàng?”, ông Hòa đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ năm 2014, NHNN không cung cấp vàng miếng ra thị trường.
Trong bối cảnh nhu cầu gia tăng, ngân hàng đã tăng cung vàng song chưa đặt vấn đề mua lại. Với ngân hàng thương mại Nhà nước, khi bán vàng, NHNN đã thực hiện các giải pháp để tăng cung vàng.
Hiện nay, có 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp kinh doanh mua/bán vàng miếng. Các ngân hàng, doanh nghiệp này mua bán vàng bình thường.
“Chuyện doanh nghiệp mà không mua vàng của cá nhân có thể vì một lý do nào đấy, chẳng hạn như cân đối tiền”, nữ Thống đốc lý giải.
Về câu hỏi tại sao lại chỉ bán vàng miếng ở Hà Nội và TP.HCM, bà Hồng chỉ ra, NHNN chỉ cấp phép với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không quy định bắt buộc ở địa điểm nào nên các doanh nghiệp tổ chức tín dụng tự xem xét đánh giá nhu cầu trên các tỉnh thành để mở địa điểm mua bán vàng miếng.
“Qua đánh giá chúng tôi nhận thấy nhu cầu mua bán vàng chủ yếu tập trung ở TP Hà Nội và TP.HCM và các thành phố lớn còn ở các tỉnh thành trên Nhà nước, không có hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng”, bà Hồng nói.
Người dân phải bán vàng ở “thị trường đen” có rủi ro?
Nhận thấy, phần chất vấn của Thống đốc NHNN chưa thỏa đáng, ĐBQH Phạm Văn Hòa tiếp tục tranh luận: “NHNN bán vàng miếng nhưng không mua lại từ thị trường, khiến người dân phải bán vàng ở “thị trường đen”.
Đại biểu đề nghị NHNN xem xét mua lại vàng miếng từ người dân để tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi cần bán vàng?
Trả lời, Thống đốc NHNN cho hay, đối với việc mua vàng, bản thân các tổ chức tín dụng thực hiện theo yêu cầu NHNN để bình ổn thị trường vàng. Khi tổ chức tín dụng nếu mua vàng thì các tổ chức tín dụng phải đầu tư trang thiết bị, con người để nhận biết, kiểm định chất lượng vàng. Điểm này NHNN sẽ cân nhắc đề xuất những giải pháp để xử lý.
Hiện nay, 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp mua/bán rất nhiều nơi nên việc không mua có thể do một số nguyên nhân. Đặc biệt trước biến động vàng rất cao nên việc/mua bán các doanh nghiệp phải cân nhắc để phòng ngừa rủi ro.
Ví dụ mua vàng người dân ở giá này nhưng khi bán giá thấp, người dân lại rủi ro. Trong khi đó, NHNN đã khuyến cáo mặt hàng vàng biến động rất phức tạp. Nếu đầu tư mặt hàng này sẽ chịu rủi ro và dễ mất tiền khi mua bán.
Bao giờ sẽ lập sàn giao dịch vàng?
Đặt câu hỏi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nêu vấn đề, hiện nay thế giới có nhiều nước thị trường phát triển cho phép lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng, mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước.
“Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch đề xuất Chính phủ lập sàn giao dịch vàng hay không?”, đại biểu Khánh hỏi.
Về nội dung này, bà Hồng cho hay, một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải, nhưng cũng có nước không làm vậy. Lập sàn vàng có mặt tích cực là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, theo bà Hồng, để lập sàn vàng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là sản xuất vàng. Vậy nên khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế.
Theo bà Hồng, để lập sàn giao dịch vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Cửa hàng tư nhân gặp khó khi chứng minh nguồn gốc vàng
Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nêu thực tế khi thành lập doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh vàng phải chịu trách nhiệm kê khai vốn theo quy định. Nghị định 20 yêu cầu họ phải chấp hành các quy định về chế độ kế toán, lập và sử dụng chứng từ.
Tuy nhiên, thực tế hầu hết cơ sở kinh doanh vàng hiện nay là doanh nghiệp tư nhân được nâng cấp từ các cửa hàng, với thủ tục đăng ký đơn giản. Trong khi đó, nhiều loại vàng, nhất là những tài sản do cha ông để lại, không thể chứng minh được nguồn gốc.
Đại biểu Hậu đề nghị Thống đốc NHNN tham mưu Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp để tháo gỡ những khó khăn này.
Trả lời đại biểu, Thống đốc NHNN cho biết, Nghị định 24 quy định rõ trách nhiệm các bộ ngành về hoạt động quản lý thị trường vàng. Lĩnh vực kế toán, chứng từ thuộc trách nhiệm Bộ Tài chính.
“NHNN ghi nhận, trao đổi với các bộ ngành để có giải pháp phù hợp”, bà Hồng nói.
Do câu hỏi liên quan nhiều bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ngân hàng Nhà nước trả lời đại biểu Trần Hữu Hậu bằng văn bản.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/dai-bieu-chat-van-ngan-hang-chi-ban-vang-khong-mua-thong-doc-nguyen-thi-hong-noi-gi-192241111095019286.htm