Được chế biến kỳ công từ nguyên liệu tự nhiên của vùng biển, món đặc sản trứ danh ở Thái Bình khiến thực khách hết lời khen ngon nhưng không phải ai cũng dám ăn vì có thể gây dị ứng.
Ốc móng tay (hay còn gọi là con thun thút) là loài nhuyễn thể sống chủ yếu ở những nơi có nhiều bùn, cát, được tìm thấy tại một số vùng biển thuộc các tỉnh như Quảng Ninh, Nam Định…, nhưng ngon và được biết đến nhiều là ở Thái Bình.
Sở dĩ gọi là ốc móng tay bởi chúng có hình trụ, giống như ngón tay, dài khoảng 7-8 cm.
Chị Nguyễn Hằng – một tiểu thương chuyên cung cấp các loại hải sản ở huyện Thái Thụy cho biết, đây là ốc móng tay tự nhiên nên kích thước nhỏ, bề ngang cỡ bằng chiếc đũa ăn cơm và vỏ mỏng như lá tre.
“Loại to chừng đầu ngón tay mà mọi người thường mua phần lớn là ốc móng tay nuôi, dễ chế biến hơn nhưng ăn nhạt, không ngon bằng móng tay tự nhiên”, chị Hằng nói.
Ở Thái Bình, ốc móng tay là nguyên liệu chế biến món ăn khá phổ biến. Trong đó, món nổi tiếng và được ưa chuộng nhất là nem ốc móng tay (hay còn gọi là gỏi móng tay, nem thun thút).
Chị Hằng cho hay, tùy theo con nước mà ốc móng tay sẽ có nhiều hay ít cát. Tuy việc sơ chế loại ốc này khá cực nhưng chúng được nhận xét có hương vị thơm ngon, lạ miệng nên nhiều người vẫn chấp nhận tốn công, tốn thời gian để biến tấu thành món nem trứ danh.
Để làm nem móng tay ngon, người địa phương lựa những con mới được đào bắt lên, còn tươi sống.
Sau khi rửa vài lần nước cho sạch, người ta đem hấp (hoặc luộc sơ) ốc móng tay rồi tách vỏ, đãi lấy ruột bên trong. Tiếp đến, rửa lại ruột ốc bằng chính nước luộc, rửa xong gạn nước sang tô sạch, loại bỏ cát rồi lặp lại công đoạn này 2-3 lần.
“Rửa ruột ốc móng tay bằng nước luộc như vậy sẽ giữ được vị ngon, ngọt tự nhiên, tránh làm thịt ốc nhạt hơn. Khâu sơ chế này khá kỳ công, đòi hỏi tính kiên nhẫn nên bạn cần rửa ốc nhiều lần để loại bỏ hết bùn, cát bên trong, đảm bảo chất lượng cho món ăn”, chị Hằng chia sẻ.
Sau khi rửa sạch cát, người ta tiếp tục bóp nhẹ từng nắm ruột rồi chắt hết nước ra. Công đoạn này giúp phần ruột ốc săn lại, giòn hơn và khi nêm nếm gia vị sẽ không bị ướt.
Chị Hằng cho biết, món nem móng tay cũng khá giống một số món nem ở miền Bắc khi trộn với vài nguyên liệu quen thuộc như thính, riềng xay, lá chanh, đường, mắm, hạt tiêu…
Tùy văn hóa từng nơi và sở thích từng nhà, người ta có thể thêm bớt nguyên liệu khác nhau, miễn sao món ăn vẫn ngon và hấp dẫn.
“Giống với một số loại hải sản có vỏ như ngao, hến, cà xỉu…, ốc móng tay cũng có tính hàn nên khi làm nem thường được nêm nếm với riềng xay (tính nhiệt) để cân bằng vị. Nhờ đó, khi thưởng thức, cả những thực khách mới ăn lần đầu cũng không có cảm giác khó chịu và tránh bị lạnh bụng, khó tiêu.
Tuy nhiên, với những người có cơ địa dễ dị ứng cần cân nhắc, cẩn trọng trước khi nếm thử nem ốc móng tay”, nữ tiểu thương nói thêm.
Tương tự như các món nem quen thuộc thường thấy, nem móng tay cũng ăn kèm nước mắm chua ngọt và một số loại lá, rau thơm đặc trưng (tùy ý thích mỗi người) như lá sung, đinh lăng, lá mơ, tía tô…
Khi ăn, thực khách gắp nem móng tay lên chiếc lá bản to, thêm các loại rau thơm theo sở thích rồi cuộn chặt lại, chấm nước mắm riêng. Món này có thể kết hợp cùng bánh tráng hoặc ăn ngay đều hấp dẫn.
Vì có độ thanh mát nên món nem móng tay cũng được xem là đặc sản giải nhiệt, giải ngấy hiệu quả, được ưa chuộng vào mùa hè hay dịp lễ Tết – thời điểm nhiều tiệc tùng cuối năm.
Ngoài làm nem, ốc móng tay còn được người dân Thái Bình chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác như xào lá lốt, nấu canh chua, xào rau muống…
Ảnh: Song Anh DC
Nguồn: https://vietnamnet.vn/dac-san-troi-phu-co-ten-goi-la-khong-phai-ai-cung-dam-an-o-thai-binh-2365094.html