Người dân ở những bản, làng dân tộc tại các tỉnh vùng cao này vẫn giữ thói quen đi rừng hái rau, hái những loài hoa làm thực phẩm. Ẩm thực của họ thể hiện rất rõ các mùa trong năm, theo kiểu mùa nào thức ấy.
Tháng 3 về, núi rừng Tây Bắc không chỉ ngập tràn trong sắc hoa ban mà cũng là mùa các loài hoa rừng khác đua nở. Trong đó, rất nhiều loài hoa trở thành món ăn ngon, tạo nên dấu ấn rất riêng của ẩm thực Tây Bắc mùa hoa. Tháng 3 – mùa con ong làm mật. Mật ong cũng là một đặc sản vùng cao nhờ sự đa dạng của hoa rừng Tây Bắc.
Đa dạng món ngon chế biến từ những loài hoa rừng
Hoa ban được ví như loài hoa của tháng 3 vì đây là thời điểm loài hoa này nở rộ nhất. Những cây ban trắng xóa sắc hoa không chỉ để ngắm mà còn là nguyên liệu chế biến được nhiều món ngon độc đáo như: hoa ban xào thịt, nộm (gỏi) hoa ban…
Tuy cùng là nộm hoa ban nhưng tùy vào từng dân tộc, từng vùng mà có nhiều biến tấu khác nhau. Nụ và hoa ban có thể làm nộm với măng đắng hoặc các loài hoa khác như hoa bíp (loài hoa có vị hơi đắng nhẹ) và một ít rau sắn. Những nguyên liệu này được luộc lên rồi trộn với một số gia vị như củ riềng, muối, bột ngọt, tỏi, ớt.
Khi mật ong Chà Nưa trở thành sản phẩm OCOP, mô hình nuôi ong mật đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Nậm Pồ. Sản phẩm mật ong được cấp chứng nhận OCOP, mật được đưa đi kiểm nghiệm để đảm bảo hơn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài hoa ban, trên rừng núi Tây Bắc có rất nhiều loại hoa trở thành món ăn quen thuộc của các dân tộc: Thái, Mông, Lào… Ông Khờm Văn Yến, người dân tộc Thái đen tại xã Mường Phăng thuộc huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) cho biết: “Người dân chúng tôi đi rừng chỉ cần mang theo gói xôi, muối đậu hoặc thịt nướng còn rau ăn kèm thường hái ngay trong rừng. Trong đó, có nhiều loại hoa rừng trở thành món rau ăn. Hoa của rừng nở theo mùa nên món ăn của người dân tộc cũng mùa nào thức nấy”. Hoa chuối rừng thì có quanh năm, riêng một số loài hoa, trong đó có hoa ban… có thể hái ăn sống hoặc làm nộm. Hoa bó phón thì dùng để lấy màu tạo ra sắc vàng đẹp mắt cho món xôi hoặc một số món ăn cần màu sắc.
Chị Lèng Thị Chiên, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Nà Sự (bản du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) chia sẻ, bữa ăn hàng ngày của các gia đình trong bản đều sử dụng rau trái có sẵn trong vườn nhà hoặc lên rừng thu hái. Người dân trong bản cũng hầu như không sử dụng đến đồng tiền mà thường trao đổi hàng hóa với nhau.
“Tháng 3 là mùa có nhiều loại hoa rừng nở nhất trong năm. Nhiều loại hoa trở thành món ăn quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của chúng tôi. Trong đó, món được chế biến thường xuyên nhất là hoa bíp, loài cây có hoa nở phủ kín cây. Trong bữa ăn hàng ngày, loại hoa này thường dùng làm món luộc hoặc nấu canh. Khi đãi khách chúng tôi mới chế biến những món cầu kì như hoa bíp nhồi thịt rán (chiên), nộm hoa bíp… Khi chưa đến mùa hoa bíp thì có hoa pó kẹ cũng có vị nhẫn nhẫn đắng nên chế biến được các món tương tự như hoa bíp” – chị Lèng Thị Chiên nói.
Mùa lấy mật từ những loài hoa rừng
Theo người dân Tây Bắc, từ tháng 3 đến tháng 6 là mùa mật ong rừng dồi dào và đạt chất lượng cao nhất trong năm vì thời điểm này Tây Bắc vào mùa hoa rừng nở rộ. Núi rừng Tây Bắc rất đa dạng các loài hoa như: cây mắc cọp (một loại cây có trái tương tự như trái lê), cây táo mèo, hoa sồi, thành ngạch, hoa dẻ… Chính vì vậy, mật ong lấy từ nguồn hoa rừng cũng là đặc sản của vùng cao Tây Bắc.
Mật ong rừng Tây Bắc có nhiều chủng loại, hương vị tùy vào từng vùng rừng, từng khu vực cũng như loài ong làm mật. Trong đó, mật ong khoái được cho là một trong những loại mật ong hảo hạng.
Ngoài ra, có các loại mật ong phổ biến hơn như: mật ong đá, mật ong ruồi, mật ong bạc hà… Loại mật nào cũng có màu sắc đẹp, hương vị thanh khiết của hoa rừng tự nhiên. Mật ong rừng Tây Bắc cũng có giá trị dinh dưỡng cao với nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe con người.
Tỉnh Điện Biên là địa bàn có mật độ núi rừng lớn, là môi trường thuận lợi cho các loài ong rừng sinh sôi, phát triển. Đây cũng là vùng đất nổi tiếng về đặc sản mật ong rừng. Theo người dân ở bản A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, vùng đất này được trải dài bởi núi rừng nên mật ong ở đây đúng chất núi rừng nhất. Chính vì vậy, dân sành ăn, trong đó có du khách, rất chuộng mật ong rừng của vùng đất cực Tây của tổ quốc.
Từ lâu, mật ong Chà Nưa ở huyện Nậm Pồ cũng nổi tiếng về chất lượng thơm ngon. Mật ong Chà Nưa được chọn để xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của huyện Nậm Pồ.
Chị Thùng Thị Lâm, người dân tộc Thái trắng ở bản du lịch cộng đồng Nà Sự, huyện Nậm Pồ cho hay, ngoài làm nương rẫy, gia đình chị có thêm nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nói là ong nuôi nhưng chất lượng mật ong nuôi không khác gì ong rừng vì người nuôi chỉ làm thùng để ong rừng vào trú ngụ, nguồn mật lấy từ hoa rừng hoặc cây trồng trên nương rẫy thuần chất thiên nhiên. Việc nuôi và khai thác mật vẫn theo phương thức thủ công.
Theo chị Lâm: “Nuôi ong dựa vào mùa hoa rừng này không vội được, phải chờ mùa hoa, ong làm mật đến khi đầy tổ thì mới đi thu hoạch. Vì vậy, sản lượng mật ong thu được thường không quá nhiều, chủ yếu để người trong gia đình sử dụng, chỉ dư được một ít bán ra thị trường”.
Ở bản Nà Sự, mật ong không chỉ là thức uống bổ dưỡng với sức khỏe mà còn là bài thuốc quý. Nhiều nhà trong bản ngâm hoa đu đủ đực với mật ong để trị ho, đau họng… cho các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ em, người già.
Cách chế biến món hoa đu đủ đực ở địa phương này cũng rất khác biệt, hoa đu đủ đực mọc tự nhiên trên đồi được hái về xao trên bếp lửa cho khô, đem nghiền thành bột mịn rồi ngâm vào mật ong rừng để sử dụng dần. Nhờ cách chế biến này, món mật ong ngâm hoa đu đủ vừa có vị rất thơm ngon, vừa trữ được lâu hơn so với ngâm hoa tươi như nhiều nơi khác.
Nguồn: https://danviet.vn/dac-san-tay-bac-goi-ten-nhung-loai-hoa-rung-doc-la-khong-chi-ngon-ma-con-bo-duong-la-vi-thuoc-quy-20240402162213448.htm