Cách Hà Nội hơn 60km, Vĩnh Phúc không chỉ nổi tiếng với những địa điểm du lịch hấp dẫn như Tam Đảo, hồ Đại Lải mà còn thu hút du khách bởi nền ẩm thực đa dạng và độc đáo. Trong số các món ăn dân dã, cá thính Lập Thạch đã trở thành một đặc sản nổi bật khiến bao người xa gần yêu thích.
Cá thính hay còn gọi là cá muối chua, là món ăn gắn bó với nhiều thế hệ người dân huyện Lập Thạch. Đặc sản này cho thấy được sự khéo léo của người dân địa phương, là minh chứng cho sự tinh tế trong cách bảo quản thực phẩm từ những nguyên liệu đơn giản.
Lâu đời và đặc biệt, món cá thính xuất phát từ nhu cầu bảo quản cá trong những thời điểm thiếu thốn. Trước đây, do điều kiện khó khăn, người dân chỉ có thể cấy lúa một mùa trong năm và lượng cá tự nhiên bắt được nhiều hơn khả năng tiêu thụ. Để không lãng phí, người dân đã sáng tạo ra món cá thính, biến sản phẩm dư thừa thành món ăn ngon và có thể bảo quản lâu dài.
Món cá thính tuy có nguyên liệu chính là cá sống và bột thính, nhưng để tạo ra hương vị chuẩn phải qua quá trình chế biến vô cùng kỳ công, tỉ mỉ. Trước tiên, cá phải giữ nguyên vảy, được làm sạch ruột, cắt khúc và khứa nhẹ để thấm đều gia vị. Sau đó, cá được ủ muối trong vài ngày, giúp khử tanh và làm khô miếng cá. Khi cá đã thấm muối vừa đủ, người ta ép chặt để loại bỏ nước thừa, sau đó ướp cá với thính.
Thính dùng để ướp cá là sự kết hợp hoàn hảo giữa gạo tẻ, gạo nếp cùng đỗ tương, hay là thính ngô thơm mùi đặc trưng. Các nguyên liệu này được rang giòn đến khi ngả màu vàng và cảm nhận được độ thơm, sau đó được giã nhỏ. Điều thú vị là thính không được giã quá mịn mà chỉ vừa tay, giúp cá khi ướp vẫn giữ được độ khô và không bị chảy nước.
Người dân cẩn thận chà xát thính lên từng miếng cá, phủ đều cả bên trong lẫn bên ngoài, tạo nên lớp áo thính vàng ruộm, dậy mùi hấp dẫn. Những miếng cá sau đó được xếp vào lọ sành, xen kẽ với lớp thính dày phủ trên cùng và tùy theo khẩu vị, lá ổi có thể được thêm vào để tăng thêm hương vị.
Sau khoảng 3-4 tháng ủ, cá thính sẽ đạt đến độ chín hoàn hảo. Miếng cá lúc này phải khô, chắc thịt, có màu hổ phách hoặc đỏ hồng, ngoài da ngấm đều thính. Hương vị cá thính mang đến sự kết hợp độc đáo giữa vị chua nhẹ, mặn mà và thơm ngậy của thính, khiến người thưởng thức không thể quên được.
Cá thính có thể ăn ngay hoặc chế biến thành nhiều món khác nhau. Một trong những cách phổ biến nhất là nướng cá trên bếp than củi. Khi được nướng lên, cá dậy mùi thơm nức, khiến ai cũng muốn thử ngay.
Cá thính chính là niềm tự hào của người dân Lập Thạch. Ban đầu, mục đích chính là để bảo quản, nhưng theo thời gian cá thính dần trở thành món ăn truyền thống, độc đáo và được ưa chuộng, lan tỏa đến khắp nơi. Cá thính dần trở thành đặc sản được nhiều du khách biết đến và hiện nay, mô hình sản xuất cá thính sạch đã giúp nhiều hộ gia đình tại đây có thêm thu nhập ổn định.
Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất cá thính ở Lập Thạch đã hợp tác với các siêu thị trên toàn quốc, đưa sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng. Đặc biệt, món ăn này đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hộ gia đình làm cá thính phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, từ khâu chọn cá, làm sạch, ướp muối đến ủ thính, đảm bảo sản phẩm luôn đạt chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng.
Cá thính Lập Thạch không chỉ mang hương vị đậm đà của truyền thống mà còn là sự kỳ công trong từng công đoạn chế biến. Đối với những ai đã một lần thưởng thức món cá này, hương vị chua, mặn đặc trưng cùng mùi thơm của thính sẽ là kỷ niệm khó quên. Món ăn này đã thể hiện được sự sáng tạo của người dân trong việc bảo quản thực phẩm, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa ẩm thực độc đáo của Vĩnh Phúc, níu chân du khách mỗi lần ghé thăm.
Hương Giang
Nguồn: https://www.congluan.vn/ca-thinh-lap-thach-dac-san-dam-da-tu-lang-que-vinh-phuc-post317252.html