UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo về kết quả khảo sát, đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh về vị trí xây dựng Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa tại khu đất (khoảng 4,4ha) thuộc một phần dự án Nha Trang Sao trước đây, tại khu vực di tích quốc gia Hòn Chồng – Hòn Đỏ.
Tỉnh trình một đằng, sở đề xuất một nẻo
Chiều 13-3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu cho biết “báo cáo khảo sát và đề xuất nêu trên của Sở Văn hóa và Thể thao về vị trí xây dựng Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đó cũng chỉ là phương án 2.
Vì cho đến nay, quy hoạch xây dựng Bảo tàng tỉnh vẫn là tại khu vực quảng trường Đại Dương trong khu đất sân bay”, như đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang mà tỉnh đang trình Thủ tướng xem xét.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Thiệu, do tình hình hiện nay cũng chưa biết đến khi nào mới được bàn giao đất tại khu vực sân bay Nha Trang để thực hiện theo quy hoạch và xây dựng Bảo tàng tỉnh, nên phải khảo sát thêm phương án 2 như đã nêu. Về thủ tục thì còn nhiều bước báo cáo các cơ quan lãnh đạo, Tỉnh ủy xem xét.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, thực hiện nhiệm vụ tỉnh giao, sở này đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Hội Kiến trúc sư tỉnh, UBND TP Nha Trang và Văn phòng UBND tỉnh khảo sát thực tế một số địa điểm để đề xuất vị trí mới xây dựng công trình Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa.
Kết quả khảo sát, theo sở đã nêu, đối với các vị trí tại khu đất 28E Trần Phú (phường Vĩnh Nguyên) và tại ga Nha Trang (theo đề xuất trước đây của Sở Văn hóa và Thể thao), đoàn khảo sát đều đánh giá “không khả thi” để đề xuất xây dựng Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa.
Vì cho đến nay, hai khu vực vừa kể trên các thủ tục về đất đai vẫn còn đang vướng mắc pháp lý, chưa bàn giao cho tỉnh.
Còn đối với vị trí đề xuất xây dựng Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa (khoảng 4,4ha) tại khu vực dự án Nha Trang Sao cũ, theo đánh giá của đoàn khảo sát “sẽ phát huy tốt lợi thế của vị trí và khả năng khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng tại đây”.
Khu đất đề nghị xây dựng Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa nêu trên cũng thuộc danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang, ở phía đông đường Phạm Văn Đồng thuộc phường Vĩnh Thọ.
Đó là khu vực trước đây tỉnh đã cho doanh nghiệp san lấp để thực hiện dự án Nha Trang Sao (hơn 10,35ha), nhưng sau đó dự án đã bị thu hồi.
Toàn bộ khu đất dự án Nha Trang Sao đã được UBND tỉnh có quyết định thu hồi (từ tháng 1-2019) và đang giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý.
Còn theo hồ sơ về “ý tưởng thiết kế đô thị phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng”, do liên danh hai công ty đầu tư kinh doanh địa ốc, đất đai đã lập theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa, thì khu vực dự án Nha Trang Sao cũ được bố trí làm “công viên di sản”, với mật độ xây dựng thấp.
Và đó là “khu đất gắn với quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Hòn Chồng – Hòn Đỏ và danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang; gần đó là di tích Tháp Bà Ponagar và sau này sẽ có Bảo tàng Yersin (tại khu nhà khách 378 hiện nay)”.
Do đó, theo đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng tỉnh được xây dựng tại khu đất dự án Nha Trang Sao cũ là “phù hợp” và “sẽ tạo thành một quần thể trung tâm du lịch liên hoàn, tạo nên điểm nhấn mới, nổi bật của tỉnh”.
“Đất vàng” bảo tàng hiện tại sẽ làm gì?
Theo tờ trình của UBND tỉnh Khánh Hòa (lần thứ 3) trình Thủ tướng về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040, tại khu vực sân bay Nha Trang giáp đường Trần Phú (đối diện bãi dương và khu Ana Mandara cũ) được quy hoạch là “quảng trường Đại Dương”.
Quảng trường này được “tích hợp các chức năng như bảo tàng, triển lãm, dịch vụ văn hóa đa năng và tổ hợp khách sạn thành một quần thể công trình điểm nhấn tại điểm cuối của trục chính khu đô thị sân bay Nha Trang”.
Đáng chú ý là trong báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa và của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đều không đề cập đến việc nếu đề xuất bố trí đất để xây dựng Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa tại khu vực di tích danh thắng quốc gia Hòn Chồng – Hòn Đỏ được chấp thuận, thì khu đất Bảo tàng tỉnh hiện nay (tại 16 đường Trần Phú) được xem là khu “đất vàng” ở vị trí đắc địa và toàn bộ phần diện tích đất sân bay Nha Trang đã bố trí quy hoạch để xây bảo tàng sẽ được sử dụng vào mục đích gì?