Thời gian qua, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh TP. Đà Nẵng đã được đầu tư đến 100% xã, phường. 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các chương trình tín dụng chính sách xã hội… Có được kết quả đó, chính nhờ việc triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Theo ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc NHCSXH chi nhánh TP. Đà Nẵng, trong năm 2023, NHCSXH đã cho vay 689 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo bổ sung nguồn vốn sản xuất kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững; duy trì, mở rộng và tạo việc làm mới cho 21.169 lao động; hơn 787 HSSV được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng 1.723 công trình nước sạch, 1.719 công trình vệ sinh môi trường ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).
Cùng đó, 797 khách hàng vay vốn nhà ở xã hội, 11 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tái hòa nhập cộng đồng, 11 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tái hòa nhập cộng đồng… Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng của Đà Nẵng, xây dựng thành phố “4 an”; thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội.
Tín dụng chính sách đã tạo được nhiều việc làm đối với người dân vùng nông thôn Hoà Vang |
Để cụ thể hoá Chị thị số 40, TP. Đà Nẵng đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hoặc cơ chế chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội.
Trên cơ sở đó, UBND TP. Đà Nẵng ban hành các văn bản bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội như: Văn bản số 2638/UBND-SLĐTBXH về việc triển khai tín dụng đối với HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của thành phố. Hay như văn bản số 5977/UBND-KT về việc triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Năm 2023, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, NHCSXH TP. Đà Nẵng phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật và xử lý bãi bỏ các nội dung có liên quan đến chương trình cho vay hoàn lương quy định tại Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND; triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Bên cạnh đó, UBND TP. Đà Nẵng trình HĐND cùng cấp thông qua và ban hành Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 75/2021/NQQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo trên địa bàn.
Theo đó, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo trong vòng 3 năm kể từ thời điểm thoát nghèo theo chuẩn thành phố được vay vốn với mức cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay như quy định các chương trình tín dụng của Trung ương áp dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo theo chuẩn Trung ương. Hỗ trợ hộ có mức sống trung bình theo chuẩn thành phố được vay với mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa như chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, lãi suất cho vay bằng 120% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo chuẩn Trung ương quy định trong từng thời kỳ.
Đồng thời, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo sở, ban ngành phối hợp NHCSXH tiếp tục rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh…
Song song đó, việc cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác được lãnh đạo thành phố quan tâm sâu sắc.
Cụ thể, UBND TP. Đà Nẵng và huyện Hòa Vang đã đưa vào dự toán chi ngân sách và chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để thực hiện chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Lũy kế đến 31/12/2023, tổng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH cho vay đạt 1.940 tỷ đồng, tăng 249,68 tỷ đồng so với năm 2022.
Các chương trình tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm nghèo bền vững |
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Đà Nẵng, năm 2023, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, tiếp tục thực hiện và tổ chức triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, đã có những nhận thức về ý nghĩa kinh tế – chính trị của kênh tín dụng ưu đãi, về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Ông Mình cho hay, chính quyền các cấp đã tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư đến toàn thể đảng viên, cán bộ, viên chức và người lao động, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nắm được tinh thần, nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị đối với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, các cấp ủy đảng đã chỉ đạo chính quyền địa phương, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đối với các chương trình tín dụng ưu đãi và đối với NHCSXH.
Bên cạnh đó, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT các cấp, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý thực hiện các chương trình giảm nghèo và hoạt động của NHCSXH; chỉ đạo chính quyền địa phương tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, coi tín dụng chính sách là một giải pháp hữu hiệu để giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương…
Vốn vay ưu đãi tạo điều kiện để nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định |
Đối với NHCSXH TP. Đà Nẵng, để đảm bảo thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo tinh thần Chỉ thị số 40, chi nhánh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ.
Nhờ đó, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. Nợ quá hạn và nợ khoanh toàn thành phố còn 2.308 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,05% tổng dư nợ, không tăng giảm tỷ lệ so với năm 2022. Trong đó, nợ quá hạn gần 1,4 tỷ đồng, tỷ lệ 0,03%/ tổng dư nợ, nợ khoanh 926 triệu đồng, tỷ lệ 0,02%/tổng dư nợ..
Có thể nói, Đà Nẵng đã thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, từng bước cụ thể hoá và đưa Chỉ thị số 40 đi vào cuộc sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương…