Mặc dù đã có 4 lần gặp trực tiếp nhưng đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Anh Rishi Sunak tới Nhà Trắng, gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Sau những “thăng trầm” của nội bộ nước Anh và với những chính sách “hợp ý” của London hiện nay, ông Joe Biden có phần nhẹ nhõm hơn khi tiếp vị khách quan trọng tới Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại cuộc gặp cấp cao AUKUS vào tháng 3 tại San Diego, California. (Nguồn: CNN) |
Những mối quan tâm hàng đầu
Ngày 7/6, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã bắt đầu chuyến công du hai ngày tới Washington để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Anh trong việc điều chỉnh lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), sau khi cảnh báo rằng công nghệ này có thể gây ra mối đe dọa hiện hữu.
Theo chương trình nghị sự, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp đón Thủ tướng Sunak khi nhà lãnh đạo Anh thực hiện chuyến thăm Nhà Trắng đầu tiên trên cương vị Thủ tướng.
Các cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo tại Phòng Bầu dục dự kiến đề cập đến cuộc xung đột ở Ukraine, nhân tố Trung Quốc, an ninh kinh tế, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực AI và một loạt vấn đề khác.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Sunak đã có 4 cuộc gặp mặt trực tiếp kể từ khi Thủ tướng Sunak nhậm chức Thủ tướng Anh vào tháng 10/2022, nhưng cuộc hội đàm ở Washington sẽ mang đến cho hai nhà lãnh đạo cơ hội tương tác bền vững nhất cho đến nay.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết xung đột Nga – Ukraine sẽ là “điều được quan tâm hàng đầu”.
Mỹ và Anh là hai quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất và đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực dài hạn được công bố hồi tháng trước để đào tạo và trang bị cho các phi công Ukraine điều khiển máy bay chiến đấu F-16.
Thủ tướng Rishi cũng đang tìm cách thuyết phục Tổng thống Biden ủng hộ Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace kế nhiệm Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 9 tới. Ông Stoltenberg dự kiến sẽ gặp Biden ở Washington vào ngày 12/6.
Bà Jean-Pierre cho biết: “Hai nhà lãnh đạo sẽ xem xét một loạt vấn đề toàn cầu, bao gồm quan hệ đối tác kinh tế, việc hỗ trợ chung dành cho Ukraine, cũng như các bước tiếp theo để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Tổng thống và Thủ tướng cũng sẽ thảo luận về vai trò lãnh đạo của Mỹ và Anh trong lĩnh vực công nghệ mới nổi quan trọng cũng như tăng cường an ninh kinh tế của hai nước”.
Chuyến thăm của Thủ tướng Sunak diễn ra trong bối cảnh các quan chức tình báo Mỹ và Anh vẫn đang cố gắng xác định nguyên nhân và trách nhiệm liên quan vụ vỡ đập Kakhovka ở miền Nam Ukraine, gây lũ lụt lớn ở nhiều thị trấn và vùng đất nông nghiệp.
Đập Kakhovka nằm trên sông Dnepr ở ranh giới giữa lãnh thổ do Ukraine và Nga kiểm soát, bị vỡ ngày 6/6. Cả Washington và London đều chưa chính thức cáo buộc Nga cho nổ đập thủy điện Kakhovka.
Ngày 7/6, Thủ tướng Sunak cho biết các cơ quan tình báo Anh vẫn đang xem xét các bằng chứng, nhưng “nếu vụ việc này được chứng minh là có chủ đích, đó sẽ là diễn biến tồi tệ mới”.
Vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết
Qua chuyến thăm của Thủ tướng Sunak, Washington và London hy vọng chứng minh rằng mối quan hệ Mỹ -Anh “vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết” bất chấp những biến động kinh tế và chính trị gần đây ở Anh.
Ông Sunak là Thủ tướng thứ ba của Anh mà Tổng thống Biden đã gặp kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1/2021. Cũng đã có một số khoảnh khắc khó xử giữa hai nhà lãnh đạo trong thời gian đầu.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden cảm thấy mối quan hệ Mỹ – Anh đã ổn định hơn sau nhiệm kỳ khó khăn của ông Boris Johnson và nhiệm kỳ ngắn ngủi (45 ngày) của bà Liz Truss.
Max Bergmann, Giám đốc chương trình châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét: “Có một cảm giác nhẹ nhõm, không chỉ ở Nhà Trắng mà khắp Washington, rằng Chính phủ của ông Sunak đã rất thực dụng và duy trì cam kết mạnh mẽ của Anh đối với Ukraine và tăng chi tiêu quốc phòng”.
Ông nói thêm rằng Thủ tướng Sunak cũng “phần nào trở lại chủ nghĩa thực dụng” trong các vấn đề kinh tế và quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) thời hậu Brexit.
Mặc dù hợp tác chặt chẽ với Mỹ về mọi mặt, từ các cuộc thảo luận về việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine đến cách tiếp cận mạnh mẽ đối với Trung Quốc, Thủ tướng Anh Sunak phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các quốc gia đồng minh về vai trò của Anh thời hậu Brexit.
Nỗ lực của London nhằm dẫn đầu một phản ứng quốc tế về AI thể hiện rõ khi Matt Clifford, Cố vấn lực lượng đặc nhiệm AI của Thủ tướng Anh, Chủ tịch Cơ quan Sáng chế và Nghiên cứu Tiên tiến của Anh (ARIA), cảnh báo AI sẽ đủ mạnh để “huỷ diệt” loài người trong vòng hai năm tới.
Theo các nguồn tin, Thủ tướng Sunak muốn cơ quan quản lý AI toàn cầu trong tương lai đặt trụ sở tại London, với lập luận rằng Anh có chuyên môn và các lĩnh vực công nghệ cần thiết.
Tuy nhiên, Phố Downing đang gặp khó khăn khi Mỹ đang thảo luận trực tiếp với EU về quy định liên quan AI (EU đề xuất bắt buộc tất cả nội dung do AI tạo ra phải được gắn nhãn là nội dung AI để ngăn chặn thông tin sai lệch, cũng như để người dùng có thể dễ dàng nhận biết các sản phẩm này không phải con người tạo ra), dựa trên cam kết của các nhà lãnh đạo G7, trong đó có Thủ tướng Sunak, tại Nhật Bản hồi tháng trước.
Thủ tướng Sunak cũng đã từ bỏ ý định đạt được một thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit với chính quyền Tổng thống Biden.