1 bất động sản, nhiều mức giá
Hơn một năm trở lại đây, thị trường bất động sản đối diện với muôn vàn khó khăn. Trong đó, hai vấn đề lớn nhất chính là dù giá giảm rất sốc nhưng thanh khoản gần như “mất tích”. Để cải thiện thanh khoản, không ít nhà đầu tư mạnh tay cắt lỗ nhiều hơn nữa. Và đen đủi cho họ là họ gặp phải cò đất “ăn tham”.
Hiện tại, trên nhiều diễn đàn bất động sản, không khó để bắt gặp 1 mảnh đất, 1 ngôi nhà nhưng được nhiều môi giới khác nhau đăng với nhiều mức giá có sự chênh lệch rất lớn.
Gần đây nhất, trong một group về đất trang trại, đất ven đô, một ngôi nhà ở Phú Thọ với tổng diện tích 7.100m2 (gồm 400m2 đất thổ cư) được rao bán với giá 600 triệu đồng. Thế nhưng, hai môi giới khác lại đưa ra hai con số thấp hơn khá nhiều là 550 triệu đồng và 500 triệu đồng.
Đó là còn chưa biết liệu mức giá thấp nhất 500 triệu đồng mà một cò đất đưa ra có chênh lệch nhiều so với số tiền mà chủ nhà nhận được nếu giao dịch thành công hay không.
Sản phẩm đó nhận được sự quan tâm lớn từ các thành viên tham gia group bất động sản. Đa phần đều lên án cò đất quá “ăn tham”.
Tuy nhiên, đây không phải hiện tượng hiếm hoi, không chỉ xảy ra ở các vùng ven mà khá phổ biến ngay giữa thủ đô Hà Nội, nơi khách hàng có nhiều kênh tiếp cận thông tin tốt hơn.
Anh Lê Hoàng (Cầu Giấy – Hà Nội) đã chia sẻ hành trình mua nhà đầy gian nan của mình. Anh kể, năm 2021, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc giá đất tăng mạnh. Anh và gia đình quyết định mua một căn liền kề thông qua người bạn là một môi giới bất động sản.
“Người bạn này nói mức giá cậu ấy đưa ra là tốt nhất thị trường vì cậu ấy chỉ giúp tôi chứ không lấy lãi. Trong khi tôi định chốt thì mẹ tôi phát hiện có môi giới khác rao bán căn liền kề đó với giá 9 tỷ đồng, thấp hơn 2 tỷ đồng so với giá chào bán của bạn tôi. Thấy lo ngại, tôi tập trung tìm kiếm thông tin thì nhận ra người khác chỉ bán với giá 8,5 tỷ đồng. Chỉ riêng trong giới môi giới với nhau mà mức giá đã chênh tới 3,5 tỷ đồng. Còn so với giá của chủ nhà, chẳng biết mức chênh cao đến mức nào. Cò đất thật là ăn tham quá”, anh Lê Hoàng than trời.
Anh Hoàng kể thêm với một số bất động sản anh tìm sau đó cũng xảy ra tình trạng có nhiều mức giá và các mức giá đều chênh nhau khá lớn.
Tranh cãi “bán bất động sản qua sàn”
Giữa tháng 4/2023, thị trường bất động sản xôn xao khi Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, sáng 12/4.
Một trong những bổ sung mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành là các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại việc buộc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản sẽ làm tăng thêm tầng lớp trung gian, tăng chi phí giao dịch và được tính vào giá giao dịch.
Đồng thời, quy định này có thể tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng quy định của pháp luật để độc quyền hoặc sàn giao dịch bất động sản câu kết với một trong các bên tham gia giao dịch, làm nhiễu loạn thị trường, không phản ánh đúng quan hệ cung cầu, giá cả.
Về câu chuyện này, anh Lê Hoàng đưa ra quan điểm với tư cách là người tiêu dùng, người trực tiếp tham gia các hoạt động mua bán bất động sản: “Đồng ý là quy định này có thể khiến chi phí tăng. Nhưng cái chi phí tăng thêm này có khi chỉ bằng một phần nhỏ chênh lệch mà các cò đất đã và đang thổi lên”.
Anh Lê Hoàng chia sẻ nếu anh “chốt” mua căn liền kề từ một người môi giới – vốn là bạn anh, ít nhất anh phải mua đắt đến 3,5 tỷ đồng.