‘Bạn nghĩ rằng chúng tôi dạy cho học sinh các dạng bài trong đề thi IMO. Sự thật là không, chúng tôi thậm chí còn không dạy cho các em bất kỳ điều gì về kỳ thi. Ngược lại, chúng tôi sẽ dạy những điều không bao giờ xuất hiện trong các đề thi Olympic’.
Giáo sư Po Shen Loh khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị về AI được tổ chức tại TP.HCM trong tháng 8.
Khác với hình dung ban đầu về một giáo sư tại ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) danh tiếng, một huấn luyện viên và một trưởng đoàn Olympic toán quốc tế (IMO) của đội tuyển Mỹ trong gần 10 năm, giáo sư Po Shen Loh xuất hiện tại sự kiện với chiếc quần short, áo thun, nom chẳng khác gì một sinh viên đại học.
Xuất sắc là nhờ… tự học
* Trong kỳ thi IMO 2024, đội tuyển Mỹ xuất sắc vượt qua “kỳ phùng địch thủ” là đội Trung Quốc để giành ngôi vị số 1. Kết quả này chắc hẳn khiến ông rất hài lòng?
– Chà, tôi muốn nói điều này. Cá nhân tôi chưa bao giờ cố gắng giúp đội giành chiến thắng. Trong mỗi kỳ thi, tôi chỉ muốn các em thể hiện được bản thân một cách tốt nhất. Xa hơn, tôi muốn với những kiến thức có được, các em có thể trở thành những người tốt, thành đạt và có thể đóng góp ít nhiều cho xã hội.
Nếu các em thí sinh của chúng tôi giành huy chương, đội tuyển giành chiến thắng, tốt thôi. Và dĩ nhiên đó là kết quả của các em.
* Nói đến đội tuyển IMO của Mỹ phải nhắc đến “trại huấn luyện”, hay trại hè Olympic toán (MOP) do ĐH Carnegie Mellon tổ chức dành cho các thí sinh sẽ tham gia IMO. Nhiều năm tham gia tổ chức, ông có thể “bật mí” những gì được dạy trong trại huấn luyện này?
– Trại hè của chúng tôi rất đặc biệt. Bạn nghĩ rằng chúng tôi sẽ dạy cho học sinh các dạng bài trong đề thi IMO. Sự thật là không, chúng tôi thậm chí còn không dạy cho các em bất kỳ điều gì về kỳ thi. Ngược lại, chúng tôi sẽ dạy những điều không bao giờ xuất hiện trong các đề thi Olympic.
Cách làm của tôi là tìm kiếm những cựu thí sinh đã từng tham gia IMO trước đây và hiện đang có những công việc hoặc dự án thú vị. Tôi nói các cựu thí sinh này hãy dạy bất cứ điều gì họ muốn. Thế là có người dạy về phương trình vi phân riêng phần, có người dạy về mã sửa lỗi, có người dạy về xác suất. Năm ngoái có người dạy chuỗi Fourier. Tất cả những thứ này không hề có trong đề thi Olympic.
* Thật khó hiểu bởi dù được học những thứ “không liên quan” như thế, vì sao các thí sinh đội tuyển Mỹ vẫn làm bài rất tốt và thành tích tập thể thường xuyên trong top 3 quốc gia dẫn đầu?
– Đó là vì các thí sinh đã tự học rất chăm chỉ. Họ không cần chúng tôi dạy đâu. Các thí sinh của chúng tôi có khả năng tự học rất tốt. Có thể khẳng định một điều rằng học sinh của chúng tôi giỏi lên nhờ tự học chứ không phải do chúng tôi dạy. Đây cũng chính là lý do sau này các em phần lớn đều có được những bước tiến rất mạnh mẽ bởi các em học bằng cách tự mình khám phá chứ không dựa vào chúng tôi.
Do vậy với các học sinh này, mục tiêu lớn hơn của chúng tôi là các em hình dung được những con đường phát triển cho bản thân sau này với toán. Các em sẽ được mở mang những lĩnh vực mà toán học đang được ứng dụng để xem mình phù hợp hướng phát triển nào. Hành trình gắn bó với toán học của các em không chỉ dừng lại ở cuộc thi mà còn cả sự nghiệp sau này.
Học tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề
* Ở Việt Nam, nhiều người cho rằng cách dạy toán đang khá cũ: giáo viên ra bài toán, học sinh giải, và hầu hết bài toán đều đã có sẵn đáp án. Việc dạy toán ở Mỹ có gì khác biệt không, thưa ông?
– Nhìn chung cũng tương tự đấy (cười). Tôi nghĩ cả thế giới đều dạy toán theo cách như vậy. Và đó là lý do tại sao cách tiếp cận của tôi nhận được sự chú ý, vì nó tương đối khác biệt. Tôi cũng rất trân quý những thầy cô ở khắp nơi đang ngày ngày làm cho toán học trở nên thú vị hơn với học sinh của mình.
* Vậy theo ông, việc dạy và học toán nên được hướng đến thay đổi như thế nào trong tương lai?
– Tôi nghĩ rằng điều học sinh nên được lĩnh hội thông qua toán học là tư duy logic và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Về tư duy logic, mọi người thường nghĩ toán rất khô khan, nhàm chán nhưng thật ra học toán cho học sinh được một tư duy logic: từ một điều đúng này có thể dẫn đến một điều đúng khác. Và khi học được cách lắp ráp một chuỗi logic như thế, học sinh có thể sử dụng tư duy này cho bất kỳ công việc nào trong cuộc sống.
Kỹ năng giải quyết vấn đề cũng là điều vô cùng hữu ích trong cuộc sống mà có thể dạy thông qua toán trong trường học. Trước một bài toán, các em sẽ bắt đầu từ đâu, các em đang có những manh mối nào, các em sẽ phải xâu chuỗi chúng ra sao, các em đang thiếu gì, đang cần thêm gì để giải quyết đề bài.
Tôi luôn mong muốn các giáo viên có thể nuôi dưỡng các ý tưởng để giải quyết một vấn đề thay vì để học sinh quen với chuyện thầy cô sẽ chỉ cho các em cách giải một bài toán, sau đó các em chỉ việc làm theo cách giải đó với các đề bài tương tự.
Cá nhân tôi không muốn chỉ cho học sinh của mình cách làm một bài toán để họ sao chép lại cách làm cho những bài toán kế tiếp. Tôi muốn giúp họ khám phá lý do từng bước giải toán của mình: vì sao các em sẽ phải cộng, trừ, nhân, chia hai con số đó lại với nhau. Từ đó, các em sẽ có sự tự do cách tiếp cận một vấn đề và có thể giải quyết theo cách riêng của mình, không chỉ trong toán học mà còn trong cuộc sống.
* Cảm nhận của ông về các thí sinh Việt Nam đã từng tham gia kỳ thi IMO?
– Tôi có dịp tiếp xúc với nhiều cựu thí sinh IMO Việt Nam. Họ thực sự vô cùng xuất sắc. Học sinh Việt Nam nổi tiếng rất chăm chỉ. Nhiều cựu thí sinh IMO Việt Nam hiện đang làm việc cho nhiều trường đại học lớn và các tập đoàn lớn trên thế giới. Bản thân tôi rất ngưỡng mộ các em.
Giàu thành tích
Giáo sư Po Shen Loh (42 tuổi) bắt đầu sự nghiệp huấn luyện thí sinh IMO đội tuyển Mỹ từ năm 2002 khi lần đầu tiên làm trợ lý huấn luyện viên tại “trại huấn luyện” (trại hè Olympic toán – MOP). Năm 2010, ông được bổ nhiệm làm phó trưởng đoàn đội tuyển IMO Mỹ.
Đến năm 2014, ông được bổ nhiệm làm trưởng đoàn IMO Mỹ và là huấn luyện viên quốc gia cho đến năm 2023. Trong giai đoạn đó, đội tuyển Mỹ 4 lần giành vị trí số 1 trên bảng xếp hạng IMO vào các năm 2015, 2016, 2018 và 2019.
Năm 2024, Loh không còn giữ vị trí trưởng đoàn. Đây là thành tích đáng nể khi lần gần nhất trước Loh đội tuyển Mỹ giành vị trí số 1 là vào năm 1994.
Po Shen Loh là giáo sư tại ĐH Carnegie Mellon từ năm 2010. Tại đây, ông giảng dạy nhiều học phần về toán rời rạc và tổ hợp cực trị. Bên cạnh “trại huấn luyện” MOP, Loh cũng tham gia điều hành nhiều chương trình hội thảo, cuộc thi về toán học tại ĐH Carnegie Mellon.
Người truyền cảm hứng
TS Cấn Trần Thành Trung – giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, huy chương vàng IMO 2013 – nhận xét giáo sư Po Shen Loh nổi tiếng với sự trẻ trung và đam mê lớn trong phong trào toán Olympic tại Mỹ.
Giáo sư có nhiều hướng tiếp cận rất độc đáo. Chẳng hạn khi xây dựng các chương trình đào tạo cho những bạn trẻ có năng khiếu về toán, một phương châm của thầy là sẽ định hướng được 5 năm nữa các bạn ấy sẽ làm gì, sẽ ở đâu.
“Thầy là người truyền cảm hứng với rất nhiều học sinh có đam mê về toán không chỉ ở Mỹ mà còn với những học sinh trong phong trào toán Olympic” – ông Trung nhận xét.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cuu-truong-doan-olympic-toan-quoc-te-cua-my-chung-toi-khong-day-hoc-sinh-giai-de-thi-2024082609205039.htm