Sau gần 6 năm, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đã cứu gần nghìn trẻ mắc hội chứng này. Phẫu thuật cứu thai nhi truyền máu ngay trong buồng tử cung vẫn là một kỹ thuật khó trên thế giới, nhưng các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đã làm chủ hoàn toàn, nâng tỷ lệ thành công lên trên 90% và vinh dự ghi tên mình là một trong số ít trung tâm y học bào thai trên thế giới.
CA MỔ TRUYỀN MÁU SONG THAI LỊCH SỬ
Đầu năm 2018, chị Hồ Thị Huyền Trang (28 tuổi, quê Nghệ An) mang song thai 17 tuần được phát hiện mắc hội chứng truyền máu song thai giai đoạn nặng. Một thai gần như cạn ối hoàn toàn, thai còn lại đa ối và suy tim, kích thước tim lớn, tràn dịch màng tim, hẹp động mạch phổi. Tiên lượng cả 2 thai nhi đều rất xấu.
Là bác sĩ chuyên khoa Sản, hơn ai hết, chị Trang hiểu tính mạng 2 con đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Dù chỉ còn 1% hy vọng, chị Trang vẫn tìm đến thạc sĩ – bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh – chuyên gia hàng đầu về sản khoa, người thầy của nhiều bác sĩ sản khoa như chị Trang, để cầu cứu.
“Như một sự thử thách, chúng tôi vừa mới trang bị thiết bị hiện đại bậc nhất để phẫu thuật truyền máu song thai, bác sĩ cũng mới vừa trở về sau khi đào tạo chuyên sâu từ Pháp, nhưng không nghĩ ca đầu tiên lại vô cùng khó như vậy”, bác sĩ Hiền Lê nhớ lại.
Kết quả khám và siêu âm cho thấy, 2 thai đã lớn, nước ối không trong, mạch máu lớn, phẫu trường chật hẹp. Nhau thai bám phủ toàn bộ bề mặt phía trước, che lấp hoàn toàn đường vào thông thường của dụng cụ nội soi. Đặc biệt, dụng cụ nội soi phải “đi” vào buồng ối bằng con đường chỉ khoảng 1 mm, nếu không thận trọng chọn đúng đường vào, có thể chạm mạch máu 3 bên. Nếu ca phẫu thuật thất bại, cả 3 mẹ con có thể tử vong ngay trên bàn mổ.
“Trước mặt là 3 sinh mệnh đang đặt trong bàn tay mình. Rủi ro trên bàn mổ luôn là điều không bác sĩ nào có thể dám cam kết. Là người mở đường ở thời điểm số người ủng hộ không nhiều, tôi đã chịu một áp lực vô cùng lớn”, bác sĩ Hiền Lê nói.
Đường phẫu thuật thông thường đã bị nhau thai bám chặt che khuất, bác sĩ Hiền Lê quyết định chọn lối vào đặc biệt để tiếp cận mạch máu nuôi thai và phải thực hiện mổ trong tư thế quỳ mới tìm được một vị trí thích hợp đưa dụng cụ vào để có thể quan sát rõ nhất. Sau hơn 1 phút thăm dò, dụng cụ nội soi vào được trong buồng ối, quan sát hết các mạch máu và thực hiện cắt đốt mạch máu nối giữa 2 thai, ngăn truyền máu song thai thành công, bác sĩ Hiền Lê cùng ê kíp vỡ òa hạnh phúc.
13 giờ 30 ngày 18.7.2018, tức 4 tháng sau ca mổ, gia đình chị Trang đón 2 bé trai chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc ngập tràn, kết thúc hành trình 36 tuần thai kỳ với biết bao gian nan sóng gió.
Thành công của ca phẫu thuật truyền máu song thai đầu tiên do bác sĩ Hiền Lê và các đồng nghiệp tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội thực hiện không chỉ mang đến may mắn cho 3 mẹ con chị Trang, mà còn mang lại hy vọng cho hàng nghìn ca truyền máu song thai có thể được điều trị ngay tại Việt Nam mà không cần ra nước ngoài điều trị, và mở ra những trang sử đầu tiên cho ngành y học bào thai Việt Nam. Ca bệnh ngay sau đó đã được bác sĩ Hiền Lê đăng tải trên tạp chí danh giá về Sản khoa trên thế giới.
KỶ NGUYÊN MỚI Y HỌC BÀO THAI Ở VIỆT NAM
Theo bác sĩ Hiền Lê, trước năm 2018, ở Việt Nam chưa có đơn vị nào ứng dụng laser mổ can thiệp bào thai điều trị hội chứng truyền máu song thai. Trong khi thế giới đã đi trước đó 15 năm. Vì vậy, mỗi năm Việt Nam có hàng nghìn thai nhi mắc hội chứng truyền máu song thai bị tử vong vì không được điều trị. Ngay cả bác sĩ chứng kiến cũng đau xót. Một vài ca chi tiền tỉ sang nước ngoài điều trị, nhưng rào cản ngôn ngữ, thủ tục, chạy đua không kịp với thời gian… đôi khi cũng thất bại.
TRUYỀN MÁU SONG THAI LÀ GÌ, ĐIỀU TRỊ RA SAO ?
Truyền máu song thai là hội chứng thường xảy ra khi người mẹ đang mang song thai cùng trứng, chung bánh nhau, nhưng khác túi ối. Hội chứng này xảy ra với khoảng 15% trường hợp mang song thai có chung một bánh nhau và chiếm tỷ lệ 0,1 – 1,9/1.000 trẻ sinh ra.
Đây là một tai biến sản khoa vô cùng nghiêm trọng vì sự thông nối giữa mạch máu của 2 thai nhi ở trong bánh nhau khiến máu của 1 thai sẽ truyền cho thai còn lại. Thai cho máu kém phát triển, thiếu ối, yếu ớt, teo tóp dần đi. Thai nhận máu do lượng máu quá nhiều phát triển nhanh dẫn đến suy tim, phù thai, đa ối, bàng quang căng to, đa niệu… Trong trường hợp hiện tượng truyền máu song thai xuất hiện trước tuần thứ 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi tử vong gần như 100% nếu không được can thiệp kịp thời và đúng kỹ thuật.
Do vậy, điều trị bằng phẫu thuật laser khi ở giai đoạn II – IV, khi thai 16 – 26 tuần được coi là phương pháp tối ưu trong điều trị hội chứng truyền máu song thai. Đó là nội soi trong buồng ối, sử dụng tia laser để làm đông (tắc) các cầu nối mạch máu trong bánh nhau, ngăn chặn máu thai này truyền sang thai kia, giúp cho 2 thai tiếp tục phát triển độc lập, từ đó có thể cứu sống 1 hoặc 2 thai.
Để ca mổ truyền máu song thai đầu tiên thành công, trước đó 10 năm, bác sĩ Hiền Lê đã được tiếp cận với khóa học đầu tiên tại Pháp, tuy nhiên 10 năm sau khi về nước, chị chưa có điều kiện thiết bị để thực hiện kỹ thuật này. Phải đến năm 2017, khi về với Bệnh đa khoa Tâm Anh, bác sĩ Hiền Lê được lãnh đạo bệnh viện khuyến khích sang Pháp học chuyên sâu kỹ thuật can thiệp bào thai tại bệnh viện hàng đầu của châu Âu, do đích thân Giáo sư Yves Ville (người đầu tiên trên thế giới can thiệp y học bào thai bằng nội soi) cầm tay chỉ việc.
Ngay khi trở về nước, bác sĩ Hiền Lê bắt tay vào công tác triển khai ứng dụng kỹ thuật can thiệp bào thai tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, như: chẩn đoán trước sinh thông qua các xét nghiệm sàng lọc (siêu âm, bấm ối, sinh thiết nhau thai, xét nghiệm NIPT, xét nghiệm gen…). Và không ngờ, ngay khi tất cả vừa chuẩn bị đầy đủ, thì kịp thời thực hiện ca mổ cấp cứu với thai phụ Huyền Trang.
Từ ca mổ truyền máu song thai lịch sử tháng 3.2018, bác sĩ Hiền Lê cùng các cộng sự đã chinh phục nhiều kỹ thuật y học bào thai khác như truyền ối, truyền máu cho thai nhi thiếu máu, đốt lưỡng cực tắc dây rốn, dẫn lưu dịch màng phổi, phẫu thuật thai bị não úng thủy, điều trị thoát vị hoành, phẫu thuật bệnh lý nứt đốt sống, dẫn lưu bàng quang cứu thận… Nhiều thai nhi mắc bệnh lý, tiên lượng xấu vốn trước đây phải đình chỉ thai, thì nay đã được can thiệp điều trị ngay trong bụng mẹ để phát triển và chào đời khỏe mạnh.
“Việc can thiệp điều trị ngay khi còn trong bụng mẹ đòi hỏi nhiều yếu tố, không chỉ trang thiết bị hiện đại cũng như kinh nghiệm và tay nghề cao của bác sĩ phẫu thuật viên, mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, hệ thống phòng mổ vô khuẩn, kiểm soát nhiễm khuẩn toàn diện… Bởi thai nhi trong bụng mẹ vốn là môi trường bất khả xâm phạm, chưa kể trên một bào thai nhỏ bé chỉ 400 – 500 gram nằm sâu bên trong cơ thể người mẹ, việc quan sát và thao tác là vô vùng khó khăn, mọi thao tác đều phải tinh tế, nếu thất bại hầu như sẽ không có cơ hội làm lại…”, bác sĩ Hiền Lê cho biết.
Sau 6 năm, hàng trăm ca truyền máu song thai được mổ thành công, với tỷ lệ hơn 90% – ngang tầm thế giới. Gần 1.000 thai nhi đã được cứu sống, chào đời khỏe mạnh, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho các gia đình người bệnh, bởi chi phí thực hiện phẫu thuật trong nước chỉ bằng 1 phần 10 so với chi phí đi nước ngoài phẫu thuật.
Hiện bác sĩ Hiền Lê vẫn trực tiếp phẫu thuật và nỗ lực đào tạo, đã có thêm nhiều cộng sự là các bác sĩ trẻ, nghiên cứu và thực hiện chuyên sâu về kỹ thuật này, mở ra cơ hội nhiều hơn nữa cho các thai nhi truyền máu và các bệnh lý trong thai kỳ được điều trị sớm, ngay tại Việt Nam.