Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 14 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ quốc tế (gọi tắt là Công ty AIC), Sở KH-ĐT TP.HCM và Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM (CNSH).
Trong số này, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố 2 tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cựu Giám đốc Trung tâm CNSH Dương Hoa Xô, bị truy tố tội nhận hối lộ.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2006, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị 12 phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm CNSH. Năm 2014, Sở KH-ĐT phê duyệt dự án, trong đó chi phí mua thiết bị là hơn 425 tỉ đồng. Đến năm 2017, dự án được điều chỉnh, kinh phí mua thiết bị tăng lên hơn 468 tỉ đồng.
Dự án chia làm 3 giai đoạn với 10 gói thầu, thực hiện kéo dài từ năm 2015 – 2019. Công ty AIC và các công ty liên quan đã “thâu tóm” 8 gói thầu, gây thiệt hại hơn 94 tỉ đồng.
“Công ty sẽ gửi quà cảm ơn anh em“
Cáo trạng xác định, khoảng tháng 4.2014, tại một buổi lễ khánh thành, bà Nhàn làm quen và đặt vấn đề muốn được ông Xô tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia thực hiện dự án mua sắm thiết bị 12 phòng thí nghiệm.
Bà Nhàn hứa “công ty sẽ gửi quà cảm ơn ông Xô và các anh em”. Ông Xô hiểu rằng nếu giúp AIC thì công ty sẽ chi tiền mình và các cán bộ trong Trung tâm CNSH, nên đồng ý.
Sau khi ông Xô “bật đèn xanh”, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới đến gặp, bàn bạc, thống nhất với ông Xô về việc Công ty AIC sẽ xây dựng danh mục thiết bị, nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp này hưởng lợi nhuận tương đương khoảng 40% giá trị mỗi gói thầu.
Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án thứ 4
Do chủ trương “thâu tóm” các gói thầu đã được bà Nhàn và ông Xô thống nhất từ trước, nhân viên của 2 người này tại Công ty AIC và Trung tâm CNSH phối hợp xây dựng danh mục thiết bị của dự án. Danh mục thiết kế theo hướng ưu tiên các thiết bị mà Công ty AIC và “đồng minh” có thế mạnh.
Về phía mình, Công ty AIC sẽ bố trí nhiều công ty khác giữ vai trò “quân xanh”, “quân đỏ”. Các công ty này nộp hồ sơ với tâm thế “lót đường”, nhằm giúp AIC và các công ty được AIC chỉ định trúng thầu.
Đáng chú ý, lợi thế của Công ty AIC không chỉ đến từ sự thông đồng của các bị can thuộc chủ đầu tư, mà còn có sự tiếp tay bởi các đơn vị tư vấn và thẩm định giá.
Khi thực hiện thẩm định giá, nhân viên công ty thẩm định đã không làm việc độc lập, không khảo sát thị trường, không kiểm chứng thông tin báo giá. Thay vào đó, nhóm này sử dụng danh mục và đơn giá do Trung tâm CNSH cung cấp (đã có sự móc nối với phía AIC) để phát hành chứng thư thẩm định giá.
Các chứng thư trái quy định được sử dụng, đưa vào hồ sơ làm căn cứ thẩm định giá, giúp bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng đồng phạm nâng khống giá các thiết bị đấu thầu.
Mối quan hệ được “nuôi dưỡng” bằng tiền hối lộ
Cáo trạng của Viện KSND tối cao cho thấy, mối quan hệ giữa cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và cựu Giám đốc Trung tâm CNSH Dương Hoa Xô được “nuôi dưỡng” bằng những khoản tiền hối lộ lên tới hàng chục tỉ đồng.
Công ty AIC có trụ sở chính tại phố Tuệ Tĩnh, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội và có văn phòng đại diện tại TP.HCM. Với vị trí chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, bà Nhàn toàn quyền quyết định việc thu chi của công ty. Những người khác chỉ làm thuê.
Để thực hiện quản lý thu, chi đối ngoại, bà Nhàn thành lập Ban Thư ký tài chính. Việc thu, chi của ban này không hạch toán vào sổ sách kế toán của Công ty AIC, mà ghi chép riêng theo chỉ đạo trực tiếp từ bà Nhàn.
Sau khi thông đồng với các cá nhân ở Trung tâm CNSH để được trúng thầu, bà Nhàn chỉ đạo bộ phận kế toán tại trụ sở Công ty AIC ở Hà Nội nhiều lần chuyển tiền vào văn phòng phía nam. Tiền sau đó được rút ra, để cấp dưới của bà Nhàn đến gặp, đưa cho ông Xô 6 lần, với tổng số 14,4 tỉ đồng.
Nhận tiền, ông Xô đưa cho một số cá nhân khác tại Trung tâm CNSH và Sở KH-ĐT TP.HCM. Bị can giữ lại hơn 11,3 tỉ đồng, sử dụng mục đích cá nhân.
Vẫn theo Viện KSND tối cao, tiếp tay cho những sai phạm của bà Nhàn, ngoài ông Xô còn có bà Trần Thị Bình Minh, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM. Bà Minh chính là người phê duyệt điều chỉnh dự án dù chưa tổ chức thẩm định, nhằm kịp bố trí vốn cho Trung tâm CNSH.
Cơ quan tố tụng cáo buộc bà Minh biết rõ ông Xô tự ý phê duyệt điều chỉnh danh mục thiết bị, thực hiện hợp đồng khi chưa trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự án, điều chỉnh dự toán…
Tuy nhiên, nữ phó giám đốc không yêu cầu xem xét, xử lý sai phạm của Trung tâm CNSH để ngăn ngừa thiệt hại cho ngân sách, không tổ chức họp với Sở Tài chính và Sở NN-PT-NT theo đề xuất của chuyên viên, mà vẫn chỉ đạo cấp dưới trình thẩm định, phê duyệt dự toán.
Chuỗi hành vi trên tạo điều kiện cho Trung tâm CNSH và Công ty AIC hợp thức việc nâng giá các gói thầu. Đổi lại, bà Minh hưởng lợi bất chính 1,9 tỉ đồng, gồm 1 tỉ đồng ông Xô đưa (từ số tiền nhận hối lộ của bà Nhàn) và 900 triệu đồng do cấp dưới của bà Nhàn trực tiếp đưa.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng hiện đang tạm giữ tổng cộng hơn 25 tỉ đồng, gồm 11,5 tỉ đồng do ông Xô nộp, 800 triệu đồng do bà Minh nộp, hơn 12 tỉ đồng do các công ty có liên quan đến vụ án nộp…
4 vụ án liên quan đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Dù đang trốn truy nã, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đến nay vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong 4 vụ án.
Ngoài vụ án tại Trung tâm CNSH nêu trên, cuối năm 2022, với vai trò là chủ mưu vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn bị TAND Hà Nội phạt 30 năm tù.
Tháng 10.2023, bà Nhàn bị TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt 10 năm tù tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong sai phạm cung cấp thiết bị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.
Tháng 12.2023, bà Nhàn tiếp tục bị khởi tố về tội vi phạm quy định đấu thầu, trong vụ án vụ án xảy ra tại Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT-TT.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cuu-chu-tich-aic-nguyen-thi-thanh-nhan-dung-tien-thau-tom-8-goi-thau-ra-sao-185240526155750701.htm