Thông tin trên được phát đi từ buổi họp báo thông tin về Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024, được UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức chiều 12/8.
Ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, đây là sự kiện đặc biệt lần đầu tổ chức để tôn vinh, quảng bá trái dừa sáp – đặc sản hiếm có của tỉnh.
“Sự kiện cũng để khẳng định nỗ lực, quyết tâm đưa các sản phẩm chế biến từ dừa sáp ra thị trường thế giới, tạo điều kiện giao thương hàng hóa, kết nối cung cầu, kêu gọi đầu tư và lĩnh vực chế biến nông sản và du lịch của tỉnh”, ông Bình nói.
Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 sẽ diễn ra trong 7 ngày, từ 25 – 31/8 tại huyện Cầu Kè với 12 hoạt động chính.
Các hoạt động gồm: chương trình khai mạc, hội thảo về cây dừa sáp, tọa đàm du lịch, liên hoan lân sư rồng, các hoạt động thể thao, ẩm thực…
Đặc biệt là chương trình khai mạc Tuần lễ Vu lan thắng hội gắn với công bố của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chứng nhận lễ hội này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Chuỗi sự kiện lần này cũng là dịp để người dân trong và ngoài tỉnh được trải nghiệm, tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm. Cũng là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch…”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết.
Theo kế hoạch, sự kiện trên được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ trì và phối hợp với UBND huyện Cầu Kè, các sở ngành liên quan thực hiện với kinh phí dự kiến 3,5 tỷ đồng. Trong đó tỉnh dự chi 2 tỷ đồng và xã hội hóa phần còn lại.
Dừa sáp được trồng nhiều ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh vì hợp thổ nhưỡng. Điều đặc biệt, không phải cây dừa sáp nào cũng cho trái dừa có sáp và trong một buồng dừa không phải trái nào cũng có sáp. Vì thế, giá trị của dừa sáp luôn vượt mặt những loại dừa khác gấp bội.
Dừa sáp không có nước, bên trong trái dừa chứa phần cơm dừa đặc quánh thì mới đạt chuẩn cao nhất. Nếu có nước thì sẽ rất ít và loại nước này phải sền sệt, có vị thanh ngọt.
Trước nay, người ta vẫn dùng phần cơm dừa sáp để xay với đường, sữa hay cho thêm sầu riêng, ca cao để sử dụng như sinh tố, hoặc phần cơm dừa này có thể ăn trực tiếp. Ngoài ra, dừa sáp hiện đang được một số cơ sở ở Trà Vinh chế biến thành kẹo dừa sáp, dừa sáp sấy, dừa sáp sợi, bánh dinh dưỡng…
Với những đặc tính hiếm có này, giá thị trường dừa sáp hiện giao động từ 120.000 – 150.000 đồng/trái, cao gấp 12 -15 lần so với các loại dừa thường.
Trà Vinh là tỉnh có diện tích dừa đứng thứ hai ở Đồng bằng sông Cửu Long (sau Bến Tre), với gần 27.400ha, sản lượng hàng năm khoảng 444 triệu quả, trong đó có hơn 752ha dừa sáp, tập trung nhiều nhất ở huyện Cầu Kè.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cuoi-thang-8-tra-vinh-lan-dau-to-chuc-le-hoi-rieng-cho-trai-dua-sap-192240812154955092.htm