SGGP
Cơn sốt trí tuệ nhân tạo tạo ra sự không chắc chắn về tương lai của thông tin trực tuyến, khiến cho nhiều tờ báo lớn của Mỹ nỗ lực xúc tiến đàm phán và buộc OpenAI, nhà sản xuất ChatGPT, trả tiền để truy cập nguồn tài nguyên quan trọng của họ.
Trong nhiều năm, các công ty công nghệ như OpenAI đã thoải mái sử dụng các nội dung tin tức để xây dựng các bộ dữ liệu dạy cho máy móc của mình cách nhận biết và phản hồi trôi chảy trước các truy vấn của con người. Tuy nhiên, theo Bloomberg Intelligence, khi nỗ lực phát triển các mô hình AI tiên tiến ngày càng trở nên sôi động, các tập đoàn truyền thông báo chí và lưu trữ dữ liệu đang đòi hỏi phần của mình trong thị trường tiềm năng khổng lồ cho AI tạo sinh, mà dự kiến sẽ đạt tới 1,3 ngàn tỷ USD vào năm 2032.
Hình ảnh minh họa các nhà xuất bản và báo chí muốn được AI tạo sinh, như ChatGPT, trả phí sử dụng nội dung. Ảnh: THE WASHINGTON POST |
Kể từ tháng 8 đến nay, ít nhất có 535 tổ chức tin tức, như The New York Times, Reuters, The Washington Post… đã cài đặt một trình chặn để ngăn nội dung của họ bị thu thập và sử dụng để “huấn luyện” ChatGPT.
Theo The Washington Post, hiện hai bên đang thực hiện các cuộc thảo luận tập trung vào việc trả tiền cho các nhà xuất bản để chatbot có thể hiển thị các liên kết đến các nội dung tin tức riêng lẻ. Đây là một bước phát triển nhằm đòi quyền lợi của các báo.
Vào tháng 7, OpenAI đã đạt được thỏa thuận cấp phép nội dung từ Associated Press (AP) làm dữ liệu để dạy cho các mô hình AI của mình. Các cuộc đàm phán hiện tại cũng đã đề cập đến ý tưởng đó, nhưng tập trung nhiều hơn vào việc hiển thị các nội dung trong phản hồi của ChatGPT cho các câu hỏi. Các nguồn dữ liệu hữu ích khác cũng đang tìm kiếm thỏa thuận tương tự với các công ty AI hàng đầu, như Reddit – bảng tin xã hội phổ biến. Nếu không thể đạt được thỏa thuận, Reddit đang xem xét chặn trình thu thập thông tin tìm kiếm từ Google và Bing.
Trong khi OpenAI đang đàm phán với báo chí, thì theo Công ty phân tích PitchBook, gần 16 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm đã đổ vào AI trong 3 quý đầu năm 2023 – phản ánh mức độ tốn kém của việc xây dựng công nghệ này. Mọi cấu thành đều cực kỳ đắt tiền hoặc khó mua, từ phần cứng đến hiệu suất máy tính.
Ngoài việc thanh toán cho các tập đoàn báo chí lớn, các công ty AI hàng đầu đang phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện bản quyền từ các tác giả sách, nghệ sĩ và lập trình viên phần mềm nhằm đòi bồi thường thiệt hại, cũng như chia sẻ lợi nhuận. Tập đoàn truyền thông IAC, công ty sở hữu The Daily Beast, đã cố gắng xây dựng một liên minh các nhà xuất bản nhằm giành được hàng tỷ USD từ các công ty AI thông qua một vụ kiện.
New York Times cũng đang xem xét vụ kiện OpenAI. Danielle Coffey, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của News/Media Alliance (NMA), một tổ chức thương mại đại diện cho hơn 2.000 nhà xuất bản, đã tổ chức chuyến đi một tuần thăm Washington và nhiều thủ phủ của các bang khác nhau để vận động bảo vệ bản quyền cho các nhà xuất bản.
Trang web ảnh Shutterstock, vốn có quan hệ đối tác để cung cấp dữ liệu hình ảnh cho OpenAI, cũng đã ra mắt Quỹ đóng góp để hoàn trả cho những nghệ sĩ có tác phẩm được sử dụng để huấn luyện các mô hình AI. Uớc tính, quỹ đã chi ra hơn 4 triệu USD trong tháng 5.