Trong tiết trời đầu hạ nắng như đổ lửa của những ngày cuối tháng 4/2023, với mong muốn trả lời thắc mắc của bạn đọc, phóng viên báo điện tử VTC News quay trở lại huyện Thạch Thành để tìm hiểu về cuộc sống hiện tại của gia đình được bà con địa phương gọi là “âm binh”.
Ngõ chính vào nhà bà Thành. (Ảnh chụp năm 2017).
Theo dòng chảy của thời gian, từ một huyện miền núi nghèo, Thạch Thành thay da đổi thịt, hầu hết các tuyến đường, con ngõ đã được trải nhựa, bê tông hóa… Xã Thành Vân – nơi cư trú của gia đình ông bà Nguyễn Thị Thành – Mai Hồng Thái, giờ cũng được sáp nhập vào thị trấn Vân Du.
Sau 3 tiếng di chuyển bằng xe khách, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND thị trấn Vân Du. Tiếp chúng tôi là anh Lê Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vân Du (nguyên Chủ tịch UBND xã Thành Vân).
Anh Dũng là một trong những thành viên tích cực trong công cuộc vận động gia đình bà Thành – ông Thái hòa nhập cộng đồng nhưng bất thành. “Cuộc sống của gia đình họ giờ cũng thay đổi nhiều, bà Thành và ông Thái chết cả rồi”, anh Lê Văn Dũng bùi ngùi nói.
Anh Dũng nhấp chén trà rồi kể, sau thời điểm dư luận xôn xao với những bài báo về gia đình “âm binh”, bà Thành và chồng con vẫn sống tuyệt giao với thế giới bên ngoài. Chỉ có ông Thái, mỗi tháng một lần đi xe đạp về xã Nga Thạch (Nga Sơn) lấy lương hưu của hai vợ chồng, còn 3 mẹ con bà Thành hầu như không rời khỏi nhà.
Anh Dũng cho hay, cuộc sống ẩn dật, lánh xa “cõi trần” của gia đình đó ngỡ như kết thúc khi vào năm 2022, bà Thành đột ngột qua đời. “Bà Thành mất, họ hàng đưa về quê ở Nga Sơn mai táng. Sau đó, người thân cũng đã khai quật khu vườn bí ẩn và đào lên hàng chục tấn sắt thép”.
Toàn bộ khu vườn đã được dọn sạch sẽ, tất cả sắt thép được chở về quê. Ông Thái cùng 2 người con là Mai Thị Thanh và Mai Văn Toàn cũng rời bỏ khu vườn để về quê hương Nga Sơn sinh sống. Rất nhiều người đã hy vọng, từ thời điểm này các thành viên còn lại trong gia đình bà Thành sẽ trở lại cuộc sống bình thường.
Nhà bà Thành năm 2017.
Theo anh Dũng, thời gian mới về quê, 2 chị em Thanh và Toàn đã sống như những người bình thường. Thậm chí, mọi người đã tính tới sẽ tìm việc để 2 chị em đi làm công nhân. Thế nhưng, tia hi vọng vừa lóe lên đã vụt tắt. Ở quê được một thời gian ngắn, 2 chị em lại dở chứng nhớ “ngôi nhà kỳ dị” của mình và lại lặng lẽ quay về.
“Ông Thái sau khi về quê đã lâm bệnh nặng và cũng được chị em Toàn đưa trở lại đất Thạch Thành. Đến cuối năm 2022, ông Thái qua đời và cũng được người thân đưa về quê an táng”, anh Dũng kể.
Sau khi cả bà Thành và ông Thái qua đời, rất nhiều người đã lo lắng cho 2 chị em Thanh và Toàn bởi dù bố mẹ họ chọn cách sống lập dị nhưng ông bà vẫn là chỗ dựa cho 2 chị em. “Chúng tôi cũng khuyên nhủ 2 đứa về Nga Sơn, có nhà cửa, sống cùng họ hàng nhưng không chịu, vẫn sống bám vào khu đất đó”, anh Dũng cho hay.
Anh Dũng cho biết, trên nền đất cũ, ngoài việc dựng lại căn nhà, chị em Thanh và Toàn đã trồng ngô, trồng lạc và nuôi gà. Thái độ không quá cực đoan, kỳ dị như trước nhưng mặc nhiên họ không nhận chấp nhận sự giúp đỡ của người khác.
“Để tôi dẫn các bạn vào tận mắt thấy cuộc sống của 2 chị em giờ ra sao”. Trước thái độ ái ngại của chúng tôi, anh Dũng nói thêm: “Yên tâm đi, giờ khác trước rồi, miễn đừng giới thiệu phóng viên, nhà báo là được”.
Đi theo anh Dũng nhưng tôi không khỏi rùng mình khi nhớ lại tiếng quát: “Dừng lại!” của chị Mai Thị Thanh trong lần chạm mặt đầu tiên, cách đây gần 6 năm, trước ngôi nhà kỳ bí đó.
video-element" data-id="YfjDjv2FrY6JjDLhogT4dAa_b_ca_b_c" data-poster="https://cdn-i.vtcnews.vn/upload/2023/04/10/gia-dinh-song-nhu-am-binh-o-thanh-hoa-17393056.jpg"/>
Hành trình tiếp cận gia đình sống như “u mê” ở Thanh Hóa. (Video được ghi nhận năm 2017).
Bắt đầu từ năm 2017, cuộc sống kỳ lạ của gia đình bà Nguyễn Thị Thành (ở xã Thành Vân, Thạch Thành, Thanh Hóa) bỗng nhận được sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận xã hội sau những câu chuyện đồn thổi đượm màu liêu trai.
Nói gia đình bà Thành là một gia đình kỳ lạ bởi lẽ bà cùng chồng là ông Mai Hồng Thái và 3 người con có cuộc sống gần như tuyệt giao với cộng đồng dân cư địa phương. Họ đã biến ngôi nhà mình, khu đất mình ở thành một ốc đảo hoang sơ, kỳ bí. Người trong gia đình gần như bất xuất, nhưng người bên ngoài cũng tuyệt đối bất nhập.
Cuộc sống ẩn dật, cô liêu ấy của gia đình bà Thành kéo dài đến hàng chục năm trời. Hàng chục năm ấy, nhiều lời đồn thổi ly kỳ khiến cho cuộc sống của những thành viên trong gia đình bà Thành đượm sắc màu ma mị.
Ở xã Thành Vân, bà Nguyễn Thị Dung – Bí thư chi bộ Trạm bảo vệ rừng Thành Vân và chồng là ông Phạm Văn Hồ – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành, là những người từng rất thân thiết với gia đình bà Thành.
Nhà bà Dung cách nhà bà Thành vài trăm mét. Nói về gia đình bà Thành, như nhiều người khác, bà Dung bảo, bà cũng không thể lý giải được những chuyện kỳ dị xảy đến với gia đình hàng xóm.
Theo lời bà Dung, trước đây, bà Thành là một trong những thành viên ưu tú của lâm trường, từng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Nhanh nhẹn, tháo vát, lại biết vun vén làm ăn nên nhà bà Thành thuộc diện khá giả nhất vùng. Các con học giỏi, chăm ngoan có tiếng.
Chuyện kỳ dị khó tin xảy đến với gia đình bà Thành từ năm 2001. Bà Dung nhớ rõ, hôm ấy, đang ở nhà thì bà Thành tìm đến. Ngồi giữa nhà, bà Thành nghiêm giọng nói, như thông báo một chuyện hệ trọng: “Dì Dung! Tới đây tôi phải làm việc Thánh. Tôi hẹn dì đến năm 2010, khi tôi hoàn thành việc Thánh thì sẽ cho dì là người đầu tiên gặp mặt. Chú dì cứ cố gắng giúp người nghèo đi rồi sẽ có phúc”. Thông báo xong, bà Thành đứng dậy tất tả ra về.
Thấy bộ dạng, giọng nói bề trên như vậy, bà Dung chỉ nghĩ đơn giản là bà Thành muốn học đòi làm thầy đồng cốt. Rồi bà Thành gọi bán đàn trâu bò được tất thảy 13 triệu đồng. Có được số tiền lớn bà Thành đã đi khắp xã gom mua hàng vạn chiếc bát, hàng nghìn chiếc lưỡi cày.
Bà Dung thấy cả gia đình bà Thành dùng xe đạp kìn kìn thồ từng thùng bát to, hàng đống lưỡi cày về nhà. “Trong vùng, có bao nhiêu bát và lưỡi cày chị Thành mua sạch. Ước tính phải mấy chuyến ô tô ấy”, bà Dung nhớ lại.
Lúc này bà Dung mới ngạc nhiên, tưởng bà Thành bán trâu bò để chuyển nghề buôn bát, buôn lưỡi cày chăng. Nhưng ở đây dân cư chẳng đông đúc gì, hai mặt hàng đó thì có gì mà bán được với số lượng lớn như thế. Bà Dung bày tỏ nỗi lòng khi thấy chuyện lạ, thì bà Thành vẫn với cái giọng “cao cao tại thượng” úp mở trả lời: “Tôi đang làm “việc Thánh”, dì đừng có hỏi nhiều. Nói với dì, lộ mất thiên cơ”.
Theo bà Dung, bát được bà Thành đem chôn hết xuống vườn, còn lưỡi cày một phần thì chôn, một phần được buộc vào thân cây thẳng rồi dựng đứng như cột cờ trước nhà.
Thấy việc làm kỳ quái này bà Dung đã tìm mọi cách khuyên can nhưng chẳng được. Cuối cùng bà Dung phải đi thông báo cho tất cả các đại lý, các hàng tạp hóa trong vùng là không ai được bán bát và lưỡi cày cho bà Thành nữa.
Không mua được bát và lưỡi cày, bà Thành chuyển sang mua lốp xe hỏng và rất nhiều sắt cây. Lốp xe mua về, vợ chồng bà Thành và các con đốt ra, lấy những dây thép trong lốp quấn lại thành từng cuộn giống như cuộn chỉ khổng lồ. Số thép cây, chủ yếu là loại phi 6 (6 mm) được chăng chằng chịt trong vườn.
Thấy những việc làm kỳ dị nên người trong làng, trong xã đổ xô đến xem rất đông. Thế nhưng, các thành viên trong gia đình bà Thành đã xua đuổi và cho rào cả vườn lẫn cổng lại. Cán bộ xã, cán bộ lâm trường đến tìm hiểu, can ngăn nhưng bị xua đuổi.
Không những thế, bà Thành còn dỡ ngôi nhà lớn để lấy vật liệu dựng nhiều túp lều có hình dáng kỳ dị trong vườn. Có túp lều chỉ thấp ngang thắt lưng, to bè bè, muốn vào đó chỉ có cách trườn, bò.
Tuyệt giao với hàng xóm láng giềng, gia đình bà Thành còn tuyệt giao luôn với tất cả những sản phẩm của thế giới văn minh. Nhà bà không còn dùng điện, không còn dùng nước sạch. Mọi thứ từ cái ăn, cái mặc phần lớn đều là tự cung tự cấp. Nhiều người trong xóm bảo, bà Thành muốn kéo cả gia đình về thời đồ đá và gọi đó là gia đình “u mê”.
Những hành động kỳ dị của bà Thành khiến nhiều người khó hiểu. Và, cũng chính chuyện này đã khiến nhiều người không dám lại gần nhà bà Thành. Mọi người sợ “quyền năng kỳ bí” của người đàn bà cùng gia đình ẩn mình trong “khu vườn ma” ấy.
Nhiều người ở xã Thành Vân nói với chúng tôi về nỗi sợ hãi này. Theo đó, nhiều người sợ tới gần nhà sẽ bị bà Thành “thuần hóa” rồi lại phải nghe lời bà sai khiến như chính chồng và các con của bà.
Bà Dung cho hay, khi bà Thành mới giở chứng, ông Thái còn chạy vạy khắp nơi nhờ người thân thiết khuyên giải vợ mình. Thế nhưng, một thời gian sau thì ông đã hoàn toàn bị vợ sai khiến. Không những không phản đối, ông Thái còn tích cực giúp vợ mình làm những việc chẳng giống ai.
Ba người con của bà Thành là Mai Thị Thanh (Sinh năm 1980) đang học lớp 11, con trai thứ hai Mai Văn Tâm (SN 1982) đang học lớp 8, con trai út Mai Văn Toàn (SN 1985) đang học lớp 6 đều là những học sinh ngoan ngoãn, học giỏi. Tuy nhiên, sau một thời gian thì cả ba cháu đều đồng loạt nghỉ học để cùng mẹ mình thực hiện những công việc kỳ quặc, khó hiểu.
Bà Dung kể, bất lực với những việc làm quái gở của gia đình bà Thành, bà Dung đã mời người thân trong họ tộc nhà bà Thành ở huyện Nga Sơn lên tìm cách giải quyết. Lần đó, bố ông Thái và em ruột bà Thành đã lặn lội lên.
Khi ấy, mọi người đã thống nhất là sáng hôm sau sẽ đưa cả gia đình bà Thành về quê, những mong thoát khỏi “khu nhà kỳ bí” với hy vọng tất cả các thành viên sẽ trở về với cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, khi không thấy nhà bà Thành có động tĩnh gì, vợ chồng bà Dung đã tất tả sang tìm hiểu. “Sang tới nơi thì chúng tôi tá hỏa khi thấy bố ông Thái, em bà Thành lại đang phụ giúp bà ấy làm những việc quái lạ. Bố ông Thái lại nói tôi thấy con tôi ở đây rất tốt, không phải về quê nữa”, bà Dung nhớ lại.
“Nhưng chuyện kì lạ nhất là việc đứa con thứ hai chết, nhưng họ không hề hay biết. Hàng xóm không thấy cậu bé Tâm đâu, hỏi thì bảo cháu đang ngủ. Đến khi có mùi hôi thối bốc ra từ căn nhà, người dân mới biết cháu đã chết. Vậy mà hàng ngày bốn mẹ con vẫn nằm ôm nhau ngủ chung giường”, bà Dung rùng mình.
Sau khi phát hiện, hàng xóm có vận động bà con đến thăm thì gia đình này không cho thăm viếng. Họ bảo không được làm phiền vì con họ đang ngủ. Khi chính quyền lên làm việc thì họ đã chôn xác con ngay sau tường nhà.
(Còn nữa)